TP.HCM có 1.248 trường mầm non, 29 cơ sở có yếu tố nước ngoài

Thúy Hằng
Thúy Hằng
14/08/2024 11:38 GMT+7

Toàn TP.HCM có 1.248 trường mầm non; 1.955 nhóm, lớp độc lập tư thục; 29 cơ sở giáo dục mầm non có yếu tố nước ngoài.

Thông tin trên được cập nhật vào sáng nay, 14.8, tại Hội nghị tổng kết năm học 2023-2024 và triển khai nhiệm vụ năm học 2024-2025 đối với giáo dục mầm non của Sở GD-ĐT TP.HCM diễn ra tại Hội trường Thành phố.

TP.HCM có 1.248 trường mầm non, 29 cơ sở có yếu tố nước ngoài- Ảnh 1.

Sở GD-ĐT TP.HCM khen thưởng các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong năm học 2023-2024 với giáo dục mầm non

THÚY HẰNG

Báo cáo của Sở GD-ĐT TP.HCM với giáo dục mầm non cho thấy, tính đến cuối năm học 2023-2024, theo cơ sở dữ liệu ngành, toàn thành phố có 1.248 trường mầm non (giảm 39 trường học với năm học trước), trong đó có 474 trường công lập (38,7%), 774 trường ngoài công lập (61,3%). Toàn TP.HCM có 1.955 nhóm, lớp độc lập tư thục; 266 nhóm trẻ (tối đa 7 trẻ).

Sở GD-ĐT TP.HCM cho biết thành phố có 29 cơ sở giáo dục mầm non có yếu tố nước ngoài, tập trung tại TP.Thủ Đức, Q.7, Q.Bình Thạnh, H.Bình Chánh, H.Nhà Bè. Trong đó có 17 cơ sở giáo dục mầm non và 12 cơ sở liên cấp từ mầm non đến THPT.

TP.HCM hiện có bao nhiêu giáo viên mầm non?

Toàn thành phố hiện có 2.611 cán bộ quản lý. Tính đến cuối năm học 2023-2024, TP.HCM có 27.359 giáo viên mầm non (5.732 giáo viên nhà trẻ; 21.627 giáo viên mẫu giáo) và 11.458 nhân viên.

Tính đến tháng 5.2024, có 81.36% cán bộ quản lý, giáo viên mầm non tốt nghiệp cao đẳng sư phạm trở lên, trong đó có 95% cán bộ quản lý, giáo viên mầm non công lập tốt nghiệp cao đẳng sư phạm trở lên; 68% cán bộ quản lý và giáo viên mầm non ngoài công lập tốt nghiệp cao đẳng sư phạm trở lên.

TP.HCM có 1.248 trường mầm non, 29 cơ sở có yếu tố nước ngoài- Ảnh 2.

Giáo viên chăm trẻ tại nhóm lớp 6-18 tháng tuổi tại Trường mầm non Hoa Hồng, Q.7, TP.HCM

THÚY HẰNG

Cơ sở trường lớp mầm non tại TP.HCM ra sao?

Cơ sở vật chất các trường lớp mầm non tại TP.HCM dần được đầu tư hoàn thiện với tính năng hiện đại, hiện tại có 16.608 phòng học, trong đó kiên cố 16.321 phòng đạt tỷ lệ 98,27%, bán kiên cố 287 phòng đạt tỷ lệ 1,73%.

Các quận/huyện, TP.Thủ Đức đang tiếp tục thực hiện các dự án xây dựng, cải tạo, nâng cấp sửa chữa các cơ sở giáo dục mầm non trên địa bàn theo lộ trình. Tính đến cuối năm 2023-2024 toàn thành phố có 265/1.248 trường mầm non đạt chuẩn quốc gia; tỷ lệ 21,2% (tăng 3,1%).

Số trường đạt chuẩn quốc gia được công nhận trong năm học 2023-2024 là 35 trường. Tính từ đầu năm học đến nay đã có 26 trường thực hiện chương trình chất lượng cao (tăng 2 trường so với năm học 2023-2024).

Lương Thị Hồng Điệp, Trưởng phòng Giáo dục mầm non, Sở GD-ĐT TP.HCM, cho biết tỷ lệ trường đạt chuẩn quốc gia tại thành phố vẫn còn thấp đối với các trường ngoài công lập. Các cơ sở giáo dục mầm non công lập gặp khó khăn trong việc chi trả lương cho đội ngũ nhân viên (nấu ăn, phục vụ, bảo vệ, lao công) hợp đồng theo Nghị định số 68/2000/NĐ-CP và Nghị định số 161/2018/NĐ-CP (nay là Nghị định số 111/2022/NĐ-CP), chưa thu hút được người lao động đến làm việc. Một số quận, huyện có xây dựng kế hoạch tuyển dụng nhưng không có giáo viên đăng ký. Tỷ lệ trẻ em mẫu giáo 3-4 tuổi ra lớp tại một số quận, huyện còn thấp ảnh hưởng đến việc chuẩn bị các điều kiện thực hiện phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em mẫu giáo…

Hai từ khóa: An toàn và vận động

Phát biểu tại hội nghị, bà Lê Thụy Mỵ Châu, Phó giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM, nhắc lại tại hội nghị tổng kết năm học của giáo dục mầm non cả nước, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT đã đề cập tới những thách thức của giáo dục mầm non cả nước, đó là có 7 cái nhất của giáo dục mầm non. 7 cái "nhất", đó là: thiếu cơ sở vật chất nhất; thiếu giáo viên nhiều nhất; giáo viên nghỉ việc nhiều nhất; thu nhập giáo viên thấp nhất; giáo viên chịu nhiều áp lực nhất; tỷ lệ giáo viên/lớp thấp nhất; chính sách đầu tư cho cấp học ít nhất.

TP.HCM có 1.248 trường mầm non, 29 cơ sở có yếu tố nước ngoài- Ảnh 3.

Bà Lê Thụy Mỵ Châu, Phó giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM, phát biểu

THÚY HẰNG

Bà Lê Thụy Mỵ Châu cho hay TP.HCM đặc thù là thành phố trẻ, dân số đông, sĩ số trẻ tăng hàng năm nhưng giáo dục mầm non thành phố vẫn đảm bảo đủ chỗ học cho trẻ, nhất là trẻ em ở các khu công nghiệp, khu chế xuất. Cơ sở vật chất các cơ sở giáo dục mầm non ngày càng khang trang, hiện đại, chất lượng nuôi dưỡng giáo dục tốt, nhiều mô hình điểm được nhân rộng. Các cơ sở giáo dục mầm non linh hoạt, chủ động, đảm bảo hoàn thành chương trình năm học đề ra, đảm bảo thực hiện các tiêu chí xây dựng trường học hạnh phúc, lấy trẻ làm trung tâm. Đáng chú ý là công tác chuyển đổi số thời gian qua thực hiện hiệu quả…

Để chuẩn bị cho năm học mới 2024-2025, bà Châu đề nghị các quận, huyện, TP.Thủ Đức, các trường lớp mầm non tiếp tục quan tâm tới giáo dục mầm non, đặc biệt quan tâm tới hai từ khóa "an toàn", "vận động". Làm sao để cùng chung tay, cho trẻ em - những công dân của thành phố luôn được an toàn, được vận động, phát triển năng động, toàn diện cả thể chất, tinh thần. Đồng thời, năm học tới cần tiếp tục phát huy công tác chuyển đổi số, hoàn thiện cơ sở dữ liệu, đẩy mạnh công tác truyền thông, tiếp tục xây dựng hiệu quả trường mầm non hạnh phúc, lấy trẻ làm trung tâm. Đồng thời, các địa phương cần tiếp tục thực hiện hiệu quả các cuộc thi cho các giáo viên công lập, ngoài công lập, phát triển thêm các trường mầm non tiên tiến, hội nhập quốc tế

Năm học 2023-2024 toàn TP.HCM có tổng 340.746 trẻ ở các cơ sở giáo dục mầm non. 100% trẻ được học 2 buổi/ngày.

Số trẻ 5 tuổi đến trường, lớp là 85.311 trên tổng số 85.741 trẻ, đạt tỷ lệ 99,5%.

Số trẻ em 5 tuổi hoàn thành chương trình giáo dục mầm non là 85.278 trên tổng 85.311 trẻ, đạt tỷ lệ 99,9%. Tất cả 312/312 phường, xã, thị trấn tại TP.HCM đạt tiêu chuẩn phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.