Ngày 10.9, Sở Y tế TP.HCM có tờ trình về việc tham mưu kế hoạch - chiến dịch cao điểm tiêm vắc xin phòng Covid-19 tại TP.HCM tới ngày 15.9.
Mục tiêu, đến ngày 15.9, TP.HCM cơ bản hoàn thành bao phủ vắc xin Covid-19 mũi 1 và tiêm mũi 2 đúng thời hạn cho người dân từ 18 tuổi trở lên sinh sống tại thành phố. Đảm bảo điều kiện an toàn phòng chống dịch Covid-19 để khôi phục hoạt động kinh tế.
5 ngày tiêm 1,8 triệu liều
Sở Y tế TP.HCM cho biết theo kết quả điều tra thống kê của Chi cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình vào ngày 30.6.2021, tổng số người từ 18 tuổi trở lên tại TP.HCM là hơn 7,2 triệu người. Tuy nhiên qua rà soát và báo cáo của UBND quận, huyện, TP.Thủ Đức về số liệu dân cư thực tế đang sinh sống trên địa bàn, số lượng người từ 18 tuổi ở TP.HCM hiện nay là hơn 6 triệu người.
|
Tính đến hết ngày 8.9, để đạt độ bao phủ vắc xin cho người trên 18 tuổi (theo số liệu cũ là 7,2 triệu người), ước tính còn hơn 879.000 người cần tiêm mũi 1. Người dân từ 18 tuổi trở lên tại TP.HCM đến thời hạn tiêm vắc xin mũi 2 theo từng loại vắc xin là hơn 927.000 người. Tổng cộng, trong chiến dịch cao điểm tiêm vắc xin Covid-19 sẽ thực hiện tiêm hơn 1,8 triệu liều vắc xin.
Đi từng nhà “vét” người ra tiêm
Sở Y tế TP.HCM cho biết để đạt độ thực hiện tiêm mũi 1, mũi 2 vắc xin phòng Covid-19 như nêu trên, cần tổ chức rà soát thực tế, “đi từng ngõ gõ từng nhà” để xác định dân số thực tế người trên 18 tuổi đang sinh sống tại địa phương (kể cả người ngoại tỉnh, người nước ngoài), ghi nhận đầy đủ thông tin lịch sử tiêm vắc xin của người dân và lập danh sách người cần tiêm mũi 1, mũi 2.
Tăng cường tổ chức tiêm, đảm bảo các yêu cầu về tiến độ và an toàn phòng chống dịch. Sắp xếp lịch trình tổ chức tiêm cụ thể về số lượng người được mời tiêm theo từng ngày đến trước ngày 15.9, đảm bảo tiến độ bao phủ mũi 1 và mũi 2 cho người đến hạn; đồng thời là cơ sở dự trù phân bổ vắc xin đầy đủ, kịp thời.
|
Tăng cường tổ chức nhiều hình thức tiêm và mở rộng khung thời gian tiêm chủng trong ngày, tạo thuận lợi cho người dân tiếp cận vắc xin. Duy trì và bổ sung các địa điểm tiêm cố định trong và ngoài cơ sở y tế, tổ chức các điểm tiêm lưu động riêng tại các khu chung cư, tổ dân phố, khu nhà trọ, các cơ sở sản xuất có nhiều người lao động đang hoạt động theo phương thức 3T... đảm bảo công suất thực hiện hằng ngày và hạn chế việc tập trung đông người.
Sắp xếp lộ trình, lịch hoạt động cho xe tiêm lưu động của địa phương đến các khu vực dân cư không bố trí được điểm tiêm cố định. Tổ chức các đội tiêm vắc xin tại nhà cho người trong khu vực đang phong tỏa, người cao tuổi neo đơn, người khuyết tật hoặc mắc bệnh không thể đến được điểm tiêm; có thể kết hợp đội xét nghiệm nhanh. Thực hiện nhiều hình thức thông báo thời gian và địa điểm cụ thể cho người dân đã được lập danh sách tiêm chủng như niêm yết danh sách tại khu vực chung, gửi tin nhắn qua điện thoại hoặc phiếu hẹn đến từng cá nhân...
Đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến cho người dân về ý nghĩa, lợi ích của tiêm vắc xin phòng Covid-19 để bảo vệ sức khỏe, tính mạng, là điều kiện tiên quyết khôi phục sinh hoạt, lao động, ổn định cuộc sống.
Tổ chức các hình thức truyền thông, vận động người dân đồng thuận tiêm chủng sớm vì lợi ích của bản thân và trách nhiệm với cộng đồng, tránh tâm lý lựa chọn vắc xin, đồng thời phổ biến, giải thích về thời gian tiêm nhắc mũi 2 để đạt miễn dịch tốt nhất chống lại dịch bệnh, vận động người dân không tiêm trước thời hạn.
Tổ chức đường dây nóng đăng ký tiêm vắc xin
UBND TP.Thủ Đức và các quận, huyện có trách nhiệm chỉ đạo UBND phường, xã, thị trấn khẩn trương rà soát danh sách người dân chưa được tiêm chủng trên địa bàn, rà soát những người cần tiêm mũi 2 địa trên cơ sở dữ liệu của hệ thống thông tin tiêm chủng Covid-19 để mời ra tiêm chủng, đồng thời kết hợp với danh sách của địa phương làm căn cứ để dự trù vắc xin.
Sử dụng mọi kênh thông tin liên lạc trong cộng đồng để thông báo cho người dân về lịch tiêm chủng của quận, huyện; hướng dẫn người dân đăng ký tiêm chủng theo nơi cư ngụ; tổ chức đường dây nóng tiếp nhận đăng ký tiêm vắc xin Covid-19 của từng phường và để kịp thời bố trí lịch tiêm sớm cho người dân.
|
Chủ động tổ chức tiêm bằng nhiều hình thức đảm bảo công suất, tiến độ đã đề ra và phù hợp với điều kiện thực tế, nhu cầu người dân; phối hợp với các sở, ban, ngành, đoàn thể, tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp tổ chức các hình thức tiêm chủng linh hoạt, thuận lợi cho người lao động và đảm bảo an toàn phòng chống dịch.
Căn cứ chỉ tiêu thực hiện tiêm vắc xin hằng ngày của địa phương, chủ động huy động đội tiêm trên địa bàn và đề xuất Sở Y tế hỗ trợ nếu cần.
Chỉ đạo các đơn vị y tế địa phương tham gia tiêm chủng tổ chức tiêm bảo đảm đúng quy định chuyên môn, có sự phối hợp chặt chẽ giữa bệnh viện trên địa bàn và điểm tiêm cộng đồng, đội tiêm tại nhà xử lý tình huống người cần tiêm tại bệnh viện.
|
Công bố địa chỉ, lịch làm việc của từng địa điểm tiêm chủng, lịch trình hoạt động của xe tiêm chủng lưu động cho người dân biết và đăng ký tiêm chủng; gửi lịch hoạt động của các điểm tiêm và xe tiêm lưu động về Trung tâm kiểm soát bệnh tật thành phố để được hỗ trợ truyền thông rộng rãi. Đảm bảo các điểm tiêm cố định thực hiện xuyên suốt, không giới hạn số lượng tiêu trong ngày, có thể tổ chức tiêm sau giờ hành chính đảm bảo tiến độ.
Chỉ đạo thực hiện quản lý đối tượng tiêm vắc xin bằng Hệ thống thông tin tiêm chủng Covid-19, đối chiếu thông tin người đến tiêm với thông tin lịch sử tiêm chủng trên hệ thống để đảm bảo tiêm vắc xin đúng loại, đúng thời gian, nhập liệu tất cả thông tin tiêm chủng của người dân vào hệ thống.
Truyền thông, hướng dẫn cho người dân về ứng dụng Sổ sức khỏe điện tử để tra cứu thông tin tiêm vắc xin Covid-19 cá nhân.
Bình luận (0)