Ngày 26.2, Đoàn đại biểu Quốc hội TP.HCM làm việc tại Sở Xây dựng TP.HCM về tình hình thực hiện luật Xử lý vi phạm hành chính giai đoạn từ tháng 7.2013 - 12.2019.
Theo báo cáo của Sở Xây dựng TP.HCM, từ năm 2013 đến nay, trên địa bàn TP.HCM còn tồn đọng gần 4.700 trường hợp có quyết định xử phạt hành chính nhưng chưa thi hành xong. Không những vậy, tỷ lệ chấp hành các quyết định xử phạt còn rất thấp, khi từ năm 2013 - 2017 đạt trên 55%, nhưng giai đoạn từ năm 2018 - 2019, tỷ lệ này chỉ còn dưới 50%.
Nguyên nhân được Sở Xây dựng lý giải là các đối tượng vi phạm không có khả năng nộp phạt. Không những thế, việc cưỡng chế tháo dỡ công trình rất phức tạp, dễ gây mất an ninh trật tự nên UBND cấp huyện, xã chưa quyết liệt tổ chức cưỡng chế. Một nguyên nhân nữa do cán bộ, công chức sai phạm, bao che…
Ông Lý Thanh Long, Chánh thanh tra Sở Xây dựng TP.HCM, cho biết trong số gần 4.700 quyết định tồn đọng chưa thi hành, có khoảng 40% chưa đóng tiền nhưng đã cưỡng chế, 30% chưa cưỡng chế nhưng đã đóng tiền. Còn lại 30% vừa chưa thu tiền, vừa chưa cưỡng chế.
Theo đại biểu Trương Trọng Nghĩa, đầu nậu, bảo kê xây dựng ở các quận, huyện rất ghê gớm. Để không còn tình trạng tồn đọng các quyết định xử phạt hành chính không thể thực hiện được, ông Nghĩa cho rằng khi xử phạt hành chính là phải nhanh, nghiêm và đúng quy định; khi ra quyết định xử lý lần đầu nếu đối tượng vi phạm không chấp hành, khắc phục thì phải tăng mức phạt. Ngay sau đó, cơ quan chức năng phải tổ chức cưỡng chế, đánh thẳng vào kinh tế đối tượng vi phạm, thậm chí chuyển hồ sơ sang để xem xét khởi tố, xử lý hình sự.
|
Luật chồng chéo, thời gian xử lý kéo dài
Chiều cùng ngày, Đoàn đại biểu Quốc hội TP.HCM làm việc với UBND quận 12 về tình hình thực hiện luật Xử lý vi phạm hành chính trên địa bàn. Ông Nguyễn Quốc Hải, Phó trưởng Công an Q.12 cho biết quy định về xử lý tang vật vi phạm hiện nay đang khiến các phường và công an quận tốn nhiều thời gian, thủ tục để giải quyết, kho tạm giữ thì ngày càng chật chội.
Ông Lê Trương Hải Hiếu, Chủ tịch UBND quận 12, dẫn chứng một số cơ sở gây ô nhiễm môi trường ở phường Đông Hưng Thuận từ cuối nhiệm kỳ trước đến nay vẫn chưa thể xử lý dứt điểm do thiếu quy định cụ thể về khắc phục hậu quả. Chính quyền địa phương đã đề xuất cắt điện, nhưng theo văn bản chỉ đạo của Bộ Công thương tới các công ty điện lực thì không cho phép cắt điện.
Bà Văn Thị Bạch Tuyết, Phó trưởng đoàn ĐBQH TP.HCM, thông tin có hơn 70 điều khoản trong luật Xử lý vi phạm hành chính sẽ được lấy ý kiến sửa đổi, bổ sung để phù hợp thực tiễn.
Bình luận (0)