Từ sáng sớm ngày 24.8, lực lượng thanh niên tình nguyện và cán bộ P.Hiệp Bình Chánh (TP.Thủ Đức) đã chuẩn bị sẵn xe và lộ trình sẵn sàng đưa thực phẩm đến cho người dân trên địa bàn. Từ hôm qua (23.8), TP.HCM áp dụng biện pháp tăng cường công tác phòng chống dịch, người dân TP.HCM không được ra đường và sẽ được hỗ trợ “đi chợ hộ” do chính quyền phường, xã đảm nhiệm.
|
Tình nguyện viên làm shipper
Số lượng đơn đặt hàng nhiều nên công tác điều phối người giao hàng cũng tất bật từ sáng sớm. Lực lượng thanh niên tình nguyện chịu trách nhiệm vận chuyển những đơn hàng về từng khu phố, tại đây sẽ có tổ công tác chịu trách nhiệm giao đồ đến từng nhà dân.
|
Là lực lượng chính “đi chợ hộ” cho người dân, những nhóm thanh niên tình nguyện, bộ đội trong những ngày này sẽ làm nhiệm vụ shipper mỗi ngày đến từng tổ, khu phố hoặc đến tận nhà dân. Từ sáng cùng ngày, phường nhận được thông báo đã chốt được vài chục đơn hàng và yêu cầu shipper đến lấy thực phẩm để tiếp tục duyệt những đơn hàng khác. Đến hơn 10 giờ, các shipper cũng bắt đầu tủa đi phân chia đơn hàng.
Bà Nguyễn Thị Thùy Hương, Phó Chủ tịch UBND P.Hiệp Bình Chánh (TP.Thủ Đức) khi vừa chốt giao vài chục đơn hàng lại tiếp tục “đánh xe” đến GiGamall (đường Phạm Văn Đồng, TP.Thủ Đức) nhận thêm 18 đơn hàng của bà con đặt mua từ trước. Bà Hương nói, số lượng đơn hàng người dân đặt đã hơn 500 đơn, phường và đơn vị cung ứng sẽ không kịp giải quyết hết số đơn nhưng sẽ cố gắng mua hộ vài trăm đơn mỗi ngày.
|
Chuyến đi chợ với 18 đơn hàng nhưng số lượng thực phẩm mỗi đơn từ vài trăm đến cả triệu đồng cũng làm nhóm đi chợ hộ phải loay hoay sắp xếp một lúc lâu. Các đơn hàng chủ yếu là rau, củ, quả, dầu ăn, gạo và sữa. Ngoài những mặt hàng này, nhóm “đi chợ hộ” còn hỗ trợ mua tã, đồ dùng cho trẻ em khi nhận được cuộc gọi từ người dân.
18 đơn hàng nhưng số lượng thực phẩm nhiều, bà Hương liền gọi xe ô tô đến vận chuyển và sắp xếp theo từng khu phố. Bà Hương cho biết việc đi chợ giúp dân là một trong nhiều nội dung được phường đặc biệt quan tâm. Công việc này cần được đảm bảo xuyên suốt trong thời gian tăng cường chống dịch để người dân an tâm ở nhà.
|
Theo kế hoạch, phường phổ biến đường link (hoặc mã QR) đến người dân. Sau đó, người dân điền thông tin cá nhân và những thực phẩm (có hơn 80 danh mục) do phường đưa ra. Ngoài ra, người dân có thể ghi thêm những nhu yếu phẩm cần thiết không nằm trong danh mục cũng như thông tin cần lưu ý khi giao thực phẩm.
Bà Hương nói: “Với danh sách người dân đăng ký, chúng tôi sẽ đi chợ giúp dân lần lượt. Để tránh tình trạng mua rồi nhưng không ai đến nhận, chúng tôi cũng gọi lại xác minh việc mua hàng của người dân sau đó liên lạc với đơn vị cung ứng”.
|
Tổ dân phố đứng ra bảo lãnh, mua đồ giúp dân
Còn tại các khu phố, sau khi nhận được đơn hàng của người dân, tổ trưởng khu phố cùng bộ đội sẽ đến từng nhà dân để giao thực phẩm. Người dân có thể thanh toán trực tiếp bằng tiền mặt hoặc thanh toán qua thẻ tùy lúc.
Ông Nguyễn Ngọc Tuấn, Chủ tịch UBND P.Hiệp Bình Chánh nói thêm: “Trước ngày 23.8, phường đã tổ chức đi chợ giúp dân nên việc thanh toán cũng có thể linh động. Thậm chí tổ dân phố đứng ra bảo lãnh mua đồ giúp người dân”.
|
12 giờ trưa. Thời tiết TP.HCM lúc nắng lúc mưa, nhưng việc giao thực phẩm cho người dân vẫn không bị ngừng trệ. Một thanh niên tình nguyện giải thích: “Hàng phải đưa đến liền vì có nhiều thực phẩm để lâu sẽ hư”.
Ngoằn ngoèo trong các con hẻm 3-4 "xẹc", chúng tôi cũng chóng mặt khi cùng tổ công tác đặc biệt P.Hiệp Bình Chánh tìm đúng địa chỉ người dân để giao hàng. Những ngày này, tại các khu phố còn bố trí thêm lực lượng quân đội nhằm giúp khu phố quản lý tuyến đường, giao hàng cho người dân tại khu phố.
|
Loay hoay đến đầu giờ chiều, bà Hương thở phào khi hơn 200 đơn mua hàng đã được xử lý, bà Hương hướng dẫn nhóm shipper đọc kỹ từng địa chỉ khu phố để tránh nhầm lẫn rồi quay trở về phường để… ăn trưa.
|
Công việc của nhóm đi chợ hộ cứ thế liên tục lặp đi lặp lại từ sáng sớm đến tận chiều tối. Các shipper bất đắc dĩ dù biết mệt mỏi nhưng vẫn vui vẻ khi nhận được lời cảm ơn từ những người dân khi nhận được đơn hàng.
Bình luận (0)