Theo Sở Y tế TP.HCM, trong tuần qua, thành phố ghi nhận 423 ca bệnh, tăng 142,4% so với trung bình 4 tuần trước. Trong đó, số ca bệnh tăng ở cả các trường hợp nhập viện điều trị nội trú và các trường hợp khám ngoại trú so với trung bình 4 tuần trước. Trong tuần qua, ghi nhận hầu hết các quận huyện đều có số ca mắc tăng so với số ca mắc trung bình 4 tuần trước (19/22 quận huyện)
Sở Y tế nói về dự báo TP.HCM thiếu thuốc điều trị bệnh tay chân miệng
Nhiều trường hợp phải đặt nội khí quản, lọc máu
Ngày 17.6, bác sĩ CK2 Nguyễn Minh Tiến, Bệnh viện Nhi đồng Thành phố, thời gian qua bệnh viện liên tiếp tiếp nhận nhiều ca bệnh tay chân miệng nặng diễn tiến nhanh. Bệnh trở nặng chỉ sau 2 ngày sốt, chuyển nặng độ 3, độ 4 phải lọc máu kết hợp nhiều phương pháp điều trj.
Trường hợp thứ nhất bé N.G.L (8 tháng, ngụ ở Vĩnh Long), hai ngày đầu bé sốt, nôn, ói, nổi hồng ban mụn nước ở lòng bàn tay chân, ngày thứ 3 sốt giật mình chới với, trợn mắt run chi nên nhập bệnh viện địa phương, được chẩn đoán bệnh tay chân miệng độ 3, điều trị theo phác đồ tình trạng không cải thiện nên chuyển Bệnh viện Nhi đồng Thành phố.
Tại đây trẻ biểu hiện lơ mơ mê, mạch nhẹ chi mát da nổi bông, nhịp tim lớn hơn 200 lần/phút, sốt cao liên tục, được chẩn đoán bệnh tay chân miệng độ 4. Kết quả xét nghiệm men tim tăng cao, men gan tăng nhẹ, toan chuyển hóa nặng, xử trí đặt nội khí quản giúp thở, chống sốc với dịch truyền vận mạch, an thần, hạ sốt tích cực. Tình trạng không cải thiện được, nên tiến hành lọc máu liên tục.
Kết quả sau 2 ngày điều trị tình trạng trẻ có cải thiện bớt sốt, nhịp tim giảm còn 145-150 lần/phút, huyết động ổn định, giảm dần thuốc vận mạch, được tiếp tục theo dõi điều trị tích cực.
Tương tự bé trai P.H.T (2 tuổi, ngụ ở Trà Vinh), bé trai P.Đ.K (3 tuổi, ngụ An Giang), bé gái N.N.H.M (6 tuổi, ngụ ở bà Rịa Vũng Tàu) sau 2 ngày đầu sốt, nổi hồng ban mụn nước ở lòng bàn tay chân, ngày thứ 3 sốt, giật mình chới với, nên nhập bệnh viện địa phương, được chẩn đoán bệnh tay chân miệng độ 3, điều trị theo phác đồ tình trạng không cải thiện nên chuyển Bệnh viện Nhi đồng Thành phố.
Tại đây các trẻ có biểu hiện lừ đừ, nhịp tim cao, nôn ói, sốt cao, được điều trị theo phác đồ, xử trí đặt nội khí quản giúp thở, truyền thuốc điều hòa miễn dịch, hạ sốt... Kết quả sau 3 ngày điều trị, các trẻ hồi phục, tình trạng cải thiện. Tất cả 4 trường hợp đều có xét nghiệm PCR phết họng trực tràng đều cho kết quả nhiễm EV7.
Còn tại khoa Hồi sức tích cực - Chống độc, Bệnh viện Nhi đồng 1 (TP.HCM) cũng đang tiếp nhận điều trị 4 ca tay chân miệng nặng, cả 4 ca đều phải thở máy, trong đó 1 ca lọc máu.
Triệu chứng chuyển nặng và biện pháp phòng ngừa tay chân miệng
Bác sĩ Tiến cho biết phụ huynh cần chú ý khi thấy trẻ sốt, nổi hồng ban mụn nước ở tay chân mông gối, loét miệng kèm các biểu hiện như giật mình chới với, ói nhiều, sốt cao khó hạ, thở bất thương, run tay chân, đi loạng choạng, ngồi không vững, nuốt khó, da nổi bông (vân tím), xanh tái, lơ mơ, co giật,… Khi có các dấu hiệu trên cần đưa trẻ tới bệnh viện để được các bác sĩ thăm khám và điều trị kịp thời.
Phụ huynh lưu ý phòng ngừa tránh để con em mắc bệnh tay chân miệng bằng cách vệ sinh cá nhân, ăn chín, uống chín, không dùng chung đồ dùng cá nhân (khăn, bàn chải đánh rang, chén bát đũa muỗng,…). Rửa tay xà phòng sau thay quần áo, tã lót trẻ, sau tiếp xúc phân, nước tiểu, nước bọt, trước và sau chế biến thức ăn. Rửa sạch đồ chơi, vật dụng, sàn nhà, thanh vịn, nắm cửa,…
Hướng dẫn trẻ rửa tay bằng xà phòng dưới vòi nước. Rửa tay trước sau ăn, sau chơi đồ chơi, trẻ lớn rửa tay sau khi đi vệ sinh, rửa tay khi tay dơ. Khi trẻ bệnh cần cách ly trẻ trong 8-10 ngày, quá trình chăm sóc tránh làm vỡ mụn nước gây lây lan bệnh.
Bình luận (0)