TP.HCM: Rút kinh nghiệm 2 lần trước để thực hiện tốt gói hỗ trợ Covid-19 đợt 3

Phạm Thu Ngân
Phạm Thu Ngân
23/09/2021 20:20 GMT+7

Phát biểu tại buổi giám sát các chính sách hỗ trợ Covid-19 tại TP.HCM do Đoàn đại biểu Quốc hội TP.HCM tổ chức, các đại biểu đã thẳng thắn chỉ ra những thiếu sót của 2 gói hỗ trợ trước đó.

Ngày 23.9, Đoàn đại biểu Quốc hội TP.HCM tổ chức hội nghị giám sát về việc thực hiện các chính sách hỗ trợ cho người dân khó khăn do bị ảnh hưởng Covid-19 trên địa bàn TP.HCM. Tham dự có đại diện các Sở LĐ-TB-XH, Sở Y tế, Sở Tài chính, Sở Kế hoạch - Đầu tư.
Tại buổi giám sát, Sở LĐ-TB-XH đã báo cáo về tiến độ triển khai các chính sách hỗ trợ theo Nghị quyết 68/2021 của Chính phủ và Nghị quyết 09/2021 của HĐND TP.HCM.
Theo đó, từ tháng 7, TP.HCM đã triển khai 2 gói hỗ trợ Covid-19. Trong đó, chi hỗ trợ trọng tâm cho nhóm người lao động tự do (lao động không có giao kết hợp đồng, gồm 6 nhóm ngành nghề theo Nghị quyết 09) cho hơn 1 triệu lượt người (trong đó đợt 1 đã hoàn thành, đợt 2 vẫn đang tiếp tục hỗ trợ). Đồng thời, tại đợt 2, theo Công văn 2627/2021 của HĐND TP.HCM, chính quyền TP.HCM đã và đang gấp rút chi hỗ trợ cho hơn 1,2 triệu hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ lao động khó khăn.

Covid-19 sáng 24/9: Cả nước 728.435 ca nhiễm, 493.488 ca khỏi | Điểm nóng đang “hạ nhiệt”

Tham gia hội nghị giám sát, các đại biểu đã thẳng thắn nhận xét, đánh giá về 2 gói hỗ trợ Covid-19 vừa qua, đồng thời, yêu cầu phải rút kinh nghiệm để thực hiện tốt chính sách chi hỗ trợ đợt 3, nhất là trong việc rà soát, bao quát các đối tượng khó khăn, tránh tình trạng người dân bức xúc.
Phát biểu tại buổi giám sát, ông Cao Thanh Bình, Trưởng ban Ban Văn hóa - xã hội HĐND TP.HCM dẫn chứng, ở 2 gói hỗ trợ Covid-19 trước, do thời gian thực hiện cấp bách, nên có nhiều lúc thực hiện bị động, chưa chặt chẽ các nhóm đối tượng.

Ông Cao Thanh Bình, Trưởng ban Ban Văn hóa - xã hội HĐND TP.HCM phát biểu tại buổi giám sát

SỸ ĐÔNG

"Cần rút kinh nghiệm từ 2 lần trước để thực hiện gói hỗ trợ Covid-19 đợt 3. Chúng ta khảo sát, dự báo số lượng người hỗ trợ để từ đó cân đối nguồn ngân sách nhưng khi đi vào thực tế thì phát sinh số lượng với mức chênh lệch khá lớn", ông Bình nói và cho biết thêm: "Ngoài ra, khi chúng tôi giám sát, một số xã, phường còn lúng túng hỗ trợ, nên kiến nghị trong quá trình thực hiện phải có hướng dẫn chi tiết, như thống nhất các biểu mẫu thống kê, lập danh sách được phê duyệt, ký duyệt...”.
Ông Nguyễn Sỹ Quang, Phó giám đốc Công an TP.HCM cũng đánh giá việc triển khai chính sách hỗ trợ Covid-19 ở một số nơi còn sót và chậm. Ông Quang đề nghị Sở LĐ-TB-XH phối hợp Sở TT-TT tuyên truyền để người dân và chính quyền cơ sở hiểu rõ, thực hiện chính sách hỗ trợ tốt. Đồng thời, đề nghị Sở LĐ-TB-XH phối hợp với Công an TP.HCM đối sánh dữ liệu an sinh và cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư để từ đó có thể giải quyết tình trạng sót lọt đối tượng.

Số ca tử vong do Covid-19 liên tục giảm tại TP.HCM và nhiều tỉnh

TP.HCM chính thức thông qua gói hỗ trợ Covid-19 đợt 3

Bà Nguyễn Thị Lệ, Chủ tịch HĐND TP.HCM cũng cho hay HĐND TP.HCM đã ban hành Nghị quyết 97 thông qua gói hỗ trợ đợt 3. Trong đó, có 5 nhóm đối tượng được hưởng gói hỗ trợ Covid-19 đợt 3, cụ thể gồm:
Thứ nhất, thành viên trong hộ nghèo, hộ cận nghèo; người thuộc diện hưởng chế độ trợ cấp bảo trợ xã hội hằng tháng đang gặp khó khăn.
Thứ hai, người lao động có hoàn cảnh thật sự khó khăn do bị mất việc làm, không có thu nhập trong thời gian thành phố thực hiện giãn cách xã hội kéo dài, đang thực tế có mặt trên địa bàn xã, phường, thị trấn.
Thứ ba, người phụ thuộc của đối tượng nêu trên gồm: cha, mẹ, vợ hoặc chồng và các con ở nhà nội trợ hoặc không có khả năng làm việc, sống phụ thuộc, sống chung trong một hộ đang có mặt trên địa bàn xã, phường, thị trấn tại thời điểm khảo sát và lập danh sách.
Thứ tư, cha, mẹ, vợ hoặc chồng và các con ở nhà nội trợ hoặc không có khả năng làm việc, sống phụ thuộc, sống chung trong một hộ của người đang hưởng lương hưu, người đang hưởng trợ cấp mất sức lao động, người lao động đang tham gia bảo hiểm xã hội, người lao động được doanh nghiệp trả lương của tháng 8.2021 có hoàn cảnh thật sự khó khăn, đang có mặt trên địa bàn xã, phường, thị trấn tại thời điểm khảo sát và lập danh sách.
Thứ năm, người lưu trú trong các khu nhà trọ, khu lưu trú, khu dân cư nghèo có hoàn cảnh thật sự khó khăn, trong thời gian thành phố thực hiện giãn cách và đang có mặt tại địa bàn xã, phường, thị trấn.
Các diện được hỗ trợ cũng bao gồm những trường hợp đang cách ly, đang điều trị bệnh tại các cơ sở y tế không có mặt tại địa phương.
Nghị quyết 97 cũng nêu rõ 4 trường hợp mà TP.HCM không hỗ trợ, gồm: người đang hưởng lương hưu; người đang hưởng trợ cấp mất sức lao động; người lao động đang tham gia bảo hiểm xã hội; người lao động được doanh nghiệp trả lương của tháng 8.2021.
Mức hỗ trợ là 1 triệu đồng/người/lần, kinh phí từ nguồn ngân sách thành phố. Nguyên tắc hỗ trợ là chi đủ, chi đúng, không bỏ sót, không trùng lắp, không phân biệt thường trú, tạm trú, lưu trú; trừ những đối tượng tự nguyện không nhận hỗ trợ. Đồng thời, việc hỗ trợ phải công khai, minh bạch, thuận lợi về thủ tục cho người thụ hưởng nhưng không lợi dụng chính sách để trục lợi cá nhân.
Trước đó, theo tờ trình của UBND TP.HCM, dự kiến có hơn 7,3 triệu dân đang gặp khó khăn do dịch Covid-19 sẽ nhận được hỗ trợ.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.