TP.HCM sau 1 năm 'bình thường mới'

Thanh Xuân
Thanh Xuân
12/10/2022 18:32 GMT+7

Christopher và John (đến từ nước Anh) chia sẻ khi đang tham quan một số điểm tại TP.HCM: “Việt Nam là đất nước tuyệt vời, chúng tôi đặc biệt yêu thích những món ăn truyền thống và các loại trái cây nhiệt đới ở đây. Trong vài ngày tới chúng tôi dự định sẽ đến thăm địa đạo Củ Chi”.

Đó là một sáng thứ hai trong tuần đầu tiên của tháng 10. Trên các con phố hay vào chợ Bến Thành; từ quán vỉa hè hay các trung tâm thương mại, không khó để bắt gặp hình ảnh người nước ngoài mua sắm, ăn uống, thả bộ. Họ là một phần không thể thiếu trong bức tranh TP.HCM sau một năm "bình thường mới".

Nhật Thịnh

Hồi sinh trong từng con phố nhỏ

Một cuộc khảo sát nhỏ mà chúng tôi thực hiện với khoảng gần 30 người sinh sống, làm việc, học tập tại TP.HCM với chung một câu hỏi “Bạn cảm nhận sự hồi sinh của TP.HCM sau 1 năm mở cửa như thế nào” nhận về rất nhiều câu trả lời khác nhau. Với N.T.T (Q.7, TP.HCM) là... kẹt xe. “Suốt gần 2 năm khi dịch Covid-19 ập đến, tôi đã chụp được rất nhiều tấm ảnh những con đường không một bóng người, những góc phố không còn hàng quán, những trung tâm thương mại đóng cửa. Lần đầu khi gặp cảnh đó, tôi còn thấy thích vì di chuyển không mất thời gian. Đó là khi dịch vừa mới tới, chưa có xảy ra đau thương mất mát gì. Nhưng cùng với sự bùng phát, lây lan của đại dịch, đặc biệt là trải qua 5 tháng TP đóng cửa hoàn toàn tôi và rất nhiều người mới nhớ, mới thèm cảnh đông đúc, thậm chí là kẹt xe”, anh N.T.T kể, chưa hết bồi hồi. Giờ thì anh T. vẫn sợ kẹt xe, nhưng cảm giác cáu kỉnh đã được thay thế bằng một tâm trạng khác hẳn. “Tôi lại nhớ đến lúc không có xe nào để kẹt, thế là bình tĩnh chờ thôi”, anh T. nói.

“Sau 9 tháng phục hồi và phát triển - xã hội, TP cơ bản đã tìm lại được những gì đã mất. TP sẽ tiếp tục hành động quyết liệt hơn nữa để bù đắp những điều chưa làm được trong 2 năm đại dịch Covid-19”.

Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên

Chị N.H (Q.3) thì cảm nhận sự hồi sinh của TP.HCM qua những mặt bằng đã sáng đèn sau một thời gian dài đóng cửa bỏ không. “Khi dịch ập đến, tôi bị kẹt ở quê. Ngày 31.10 khi các chuyến bay tới TP.HCM chính thức mở hoàn toàn cho cả trẻ em, tôi và gia đình mới quay trở lại Sài Gòn. Khi đó, dọc con đường từ nhà đến cơ quan tôi, hàng loạt mặt bằng đóng cửa, từ nhà hàng, quán cà phê, shop thời trang, lưu niệm, cửa hàng nội thất, đồ gia dụng... nhìn mà đau lòng. Thế nhưng rồi mỗi ngày một vài cái sáng đèn trở lại. Đến giờ thì gần như cả dãy phố đã hồi sinh, mua bán nhộn nhịp trở lại như hồi trước dịch”, chị N.H nói.

Với bà L.T.S, chủ quán Phở Hiền ở Q.4 thì niềm vui giờ đây là cái ngõ nhỏ trong chung cư Đoàn Văn Bơ chật như nêm mỗi buổi sáng thức dậy. Bởi 1 năm trước khi TP.HCM đang trong cao điểm chống dịch, bà đã trải qua những cảm giác “khủng khiếp nhất trong hơn 70 năm sống trên cuộc đời của tôi” khi mỗi lần hé cánh cửa nhìn ra ngoài là cảnh tang thương vì dịch bệnh. Cái hẻm nhỏ nhưng có tới hơn chục quán ăn từ bún bò, phở, cơm tấm, bánh ướt, bún cá Nha Trang... giờ đây khách ra vô tấp nập trở lại. Người bán nước bê qua hàng phở thì tiện tay dẹp tô, lau bàn. Người bán phở thì kêu trà đá, rau má, sữa đậu nành, nước suối cho khách từ hàng nước. Sau đại dịch, họ xích lại gần nhau hơn. Bà L.T.S bán hàng cũng tùy hứng. Có người đến mua phở “bò bằm cho mẹ con bị bệnh” bà nêm thêm miếng gừng bằm “ăn cho ấm người nhanh khỏi”. Có đứa bé mua tô phở “20.000 thôi ạ”, bà làm cho một tô đầy khoát tay “bê về ăn đi” không lấy tiền vì biết hoàn cảnh của nó.

Gặp chúng tôi tại sân bay Tân Sơn Nhất, chị H.M (Trần Đình Xu, Q.1) nói, mở lại đường bay là điều chị cảm nhận rõ nhất về một TP.HCM được mệnh danh là đầu tàu, là trung tâm kinh tế của cả nước đã thực sự hồi sinh trở lại. Là người di chuyển nhiều bằng đường hàng không, đầu tháng 7.2021 khi các chuyến bay đến và đi từ TP.HCM tạm ngưng để chống dịch là lúc chị M.H cảm nhận rõ nhất sự khốc liệt của đại dịch thế kỷ. “Một con đường có thể chỉ kết nối TP với một quận, huyện, hay một tỉnh/thành nào đó. Còn sân bay là nơi kết nối TP.HCM với cả thế giới. Sân bay ngưng hoạt động cũng có nghĩa sự kết nối này bị cắt đứt. Thế nên sân bay mở cửa trở lại cũng là TP mở cửa, bầu trời mở cửa... và quả thật, TP.HCM đã sang một trang mới sau 1 năm mở cửa. Tôi, thậm chí di chuyển nhiều hơn cả trước lúc xảy ra đại dịch”, chị M.H nói trước khi xách chiếc va li nhỏ đi vào trong khu vực check-in.

Đằng sau những quyết định lịch sử

Ngày 1.10.2021, TP.HCM bắt đầu mở cửa hoạt động sau 5 tháng ròng rã chống dịch Covid-19. Đây được cho là quyết định mang tính lịch sử, giúp kinh tế TP “lội ngược dòng” ngoạn mục, từ mức giảm sâu ở quý 3, 4/2021 lần lượt âm 24,97% và âm 11,64% thì sang 9 tháng năm 2022 kinh tế TP.HCM tăng trưởng 9,71% và dự báo sẽ đạt hơn 9,4% trong cả năm 2022. Đặc biệt, TP đã vươn lên dẫn đầu về thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài, vị trí mà nhiều lần rơi vào tay các địa phương khác. Trên thực tế, dù có vị trí chiến lược thuận lợi, dân số đông, lao động có trình độ chuyên môn, là trung tâm sản xuất và dịch vụ công nghệ cao lớn nhất cả nước, trước đây, TP.HCM luôn là quán quân về thu hút vốn FDI.

Thế nhưng nhiều năm nay, không ít địa phương có lợi thế về quỹ đất, nguồn lao động, hạ tầng... đã vươn lên cạnh tranh quyết liệt. Vì thế, bảng xếp hạng các tỉnh/thành dẫn đầu về thu hút vốn ngoại liên tục thay đổi. Theo các chuyên gia, sự trở lại của TP.HCM trên đường đua thu hút vốn FDI là nhờ chiến lược phù hợp, tập trung vào các ngành công nghiệp chế biến, chế tạo; công nghệ, công nghệ cao, bất động sản thay vì những ngành thâm dụng lao động, thâm dụng đất mà TP không còn lợi thế. Nhưng trên tất cả, những kết quả này có được là nhờ quyết định mở cửa 1 năm trước.

Nói về quyết định lịch sử này, Chủ tịch TP.HCM Phan Văn Mãi cho biết, TP xác định mục tiêu kép vừa phòng chống dịch vừa chăm lo phát triển kinh tế, nhưng đặt yêu cầu tối thượng là bảo vệ sức khỏe, tính mạng người dân lên trên hết, trước hết. Đồng thời, khi đưa ra các biện pháp phòng chống dịch luôn chú trọng hạn chế thấp nhất tác động tiêu cực đến chuỗi sản xuất kinh doanh. “Nỗ lực phòng chống dịch để ổn định và phát triển kinh tế, bởi TP.HCM là thị trường lớn của cả nước, là cửa ngõ giao thương quốc tế, nên nếu đứng im quá lâu sẽ ảnh hưởng đến sự phát triển chung của cả nước. Tập thể lãnh đạo TP.HCM cũng nhận thấy rằng phục hồi kinh tế sớm ngày nào càng giúp cho cuộc sống người dân trở về trạng thái bình thường mới ngày đó”.

Với quan điểm như vậy, Thành ủy đã có quyết định lịch sử, chủ động ban hành nghị quyết cho giai đoạn phục hồi kinh tế ngay khi TP cơ bản kiểm soát được dịch bệnh và tổ chức thực hiện với quyết tâm cao. Tập thể Thường trực UBND TP.HCM đã liên tục đi thực tế, làm việc với sở ngành, chủ đầu tư, doanh nghiệp để tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc về giải ngân vốn đầu tư công, giải phóng mặt bằng, các dự án trọng điểm, có vốn lớn… “Khắc phục nhanh nhất có thể những đứt gãy trong chuỗi sản xuất, tìm ra động lực tăng trưởng mới”, Chủ tịch Phan Văn Mãi nhấn mạnh trong cuộc trao đổi với Thanh Niên nhân dịp TP.HCM tròn 1 năm mở cửa.

Khó khăn vẫn còn ở phía trước nhưng với sự đồng lòng chung sức người dân, doanh nghiệp và chính quyền, sau 1 năm mở cửa, TP.HCM đang trở lại, xứng đáng là đầu tàu kinh tế của cả nước.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.