Hôm qua (16.10), Đại hội (ĐH) đại biểu Đảng bộ TP.HCM lần thứ XI (nhiệm kỳ 2020 - 2025) bước sang ngày làm việc thứ 3.
Sẽ báo cáo ĐH thông báo kết luận của Bộ Chính trị về nhân sự
Tại buổi họp báo vào chiều cùng ngày, ông Phan Nguyễn Như Khuê, Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy TP.HCM, cho biết trong phần thảo luận về phương án nhân sự Ban Chấp hành (BCH) Đảng bộ TP.HCM khóa XI, các đại biểu (ĐB) thống nhất thông qua số lượng ủy viên BCH gồm có 65 người. Trong đó, 444 ĐB chính thức dự ĐH sẽ bầu trực tiếp 61 ủy viên, 4 ủy viên còn lại được bổ sung sau ĐH.
Về lý do khuyết 4 ủy viên, ông Khuê cho biết sau khi ĐH kết thúc sẽ xem xét, điều chuyển, bố trí lại những nơi cần có cơ cấu ủy viên BCH cho hợp lý. Hiện nay, trong quá trình chuẩn bị thì ở những vị trí cần cơ cấu chưa bảo đảm được các tiêu chuẩn cần thiết. Ông Khuê khẳng định việc giới thiệu nhân sự BCH khóa mới được thực hiện chặt chẽ các bước theo quy trình, đúng với Chỉ thị 35 của Bộ Chính trị về ĐH đảng bộ các cấp tiến tới ĐH đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng. Trong danh sách 72 nhân sự dự kiến được giới thiệu để ĐH bầu 61 ủy viên (công bố kết quả chiều 17.10), có 47 trường hợp giới thiệu tái cử, có 25 trường hợp giới thiệu ứng cử lần đầu; cơ cấu cán bộ nữ được giới thiệu có 13 người, có 7 trường hợp cán bộ trẻ; tuổi bình quân là 48,4.
Ngoài ra, ông Khuê cho biết trong phiên họp sáng nay (17.10), trước khi đi vào phần bầu cử BCH khóa mới, Đoàn Chủ tịch sẽ báo cáo ĐH một thông báo kết luận của Bộ Chính trị về nhân sự. Bên cạnh đó, sau phần báo cáo ghi nhận các ý kiến thảo luận tại tổ về báo cáo chính trị, Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong sẽ giải trình và làm rõ các ý kiến còn khác nhau về 26 chỉ tiêu mà báo cáo chính trị đề ra trong nhiệm kỳ tới.
Lào CaiNgày 16.10, Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh công bố kết quả Hội nghị lần thứ nhất Ban Chấp hành (BCH) Đảng bộ tỉnh khóa XVI bầu Ban Thường vụ Tỉnh ủy, các chức danh bí thư, phó bí thư và Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy Lào Cai. Theo đó, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Lào Cai khóa XVI gồm 15 người; ông Đặng Xuân Phong, Chủ tịch UBND tỉnh Lào Cai, được bầu làm Bí thư Tỉnh ủy khóa XVI.
Hà TĩnhNgày 16.10, Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX công bố các kết quả bầu cử. Theo đó, BCH Đảng bộ tỉnh đã bầu 15 người vào Ban Thường vụ Tỉnh ủy; ông Hoàng Trung Dũng, Phó bí thư thường trực Tỉnh ủy, được bầu làm Bí thư Tỉnh ủy khóa XIX.
Quảng TrịSau 3 ngày làm việc, Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII kết thúc hôm qua (16.10) và công bố danh sách BCH gồm 51 người, Ban Thường vụ 15 người. Ông Lê Quang Tùng, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Trị nhiệm kỳ 2015 - 2020, tái đắc cử Bí thư Tỉnh ủy nhiệm kỳ 2020 - 2025.
Đắk NôngNgày 16.10, Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XII công bố kết quả bầu cử các chức danh chủ chốt. Ông Ngô Thanh Danh, Phó bí thư thường trực Tỉnh ủy Đắk Nông khóa XI, được bầu làm Bí thư Tỉnh ủy Đắk Nông khóa XII.
Bình ThuậnNgày 16.10, Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh khóa XIV đã bầu ông Dương Văn An, Phó bí thư Tỉnh ủy, làm Bí thư Tỉnh ủy khóa XIV. Ông Dương Văn An có trình độ tiến sĩ kinh tế, cử nhân chính trị; từng trưởng thành từ công tác Đoàn thanh niên. Từ tháng 8.2008 - 8.2009, ông An là Trưởng ban Tổ chức T.Ư Đoàn; từ tháng 9.2009 ông được bầu làm Bí thư BCH T.Ư Đoàn (khóa IX, X); Phó chủ nhiệm thường trực Ủy ban Quốc gia về thanh niên VN.
Đồng NaiNgày 16.10, Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XI bước vào ngày làm việc cuối, bầu 52 ủy viên BCH Đảng bộ khóa XI. Sau đó, BCH họp phiên thứ nhất, bầu ông Nguyễn Phú Cường tái đắc cử Bí thư Tỉnh ủy nhiệm kỳ 2020 - 2025.
Trà VinhNgày 16.10, Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần XI công bố kết quả họp BCH lần thứ nhất. Theo đó, có 15 người được bầu vào Ban Thường vụ Tỉnh ủy khóa mới; ông Ngô Chí Cường được bầu làm Bí thư Tỉnh ủy.
Bạc LiêuTrong 3 ngày 14 - 16.10 diễn ra Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI, nhiệm kỳ 2020 - 2025. Đại hội đã bầu BCH Đảng bộ khóa mới gồm 47 ủy viên, bầu Ban Thường vụ Tỉnh ủy gồm 14 ủy viên. Ông Lữ Văn Hùng, Ủy viên T.Ư Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, tái đắc cử Bí thư Tỉnh ủy nhiệm kỳ 2020 - 2025.
Kiên GiangNgày 16.10, Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Kiên Giang lần thứ XI khai mạc, với sự tham dự của 342 đại biểu. Ủy viên Bộ Chính trị, Phó thủ tướng thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình đến dự và chỉ đạo đại hội. Tại đại hội, ông Mai Văn Chính, Phó trưởng ban Tổ chức T.Ư, triển khai quyết định của Bộ Chính trị chỉ định ông Nguyễn Thanh Nghị, Ủy viên T.Ư Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Kiên Giang, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Kiên Giang, Thứ trưởng Bộ Xây dựng tham gia làm Ủy viên Ban Cán sự Đảng Bộ Xây dựng; đồng thời triển khai quyết định của Thủ tướng Chính phủ điều động, bổ nhiệm ông Nguyễn Thanh Nghị giữ chức Thứ trưởng Bộ Xây dựng.
Thanh Niên |
Tập trung phát triển đô thị sáng tạo, nhà ở…
Vào sáng cùng ngày, ĐH nghe trình bày 10 báo cáo tham luận của ĐB tại hội trường. Nội dung tham luận xoay quanh các chỉ tiêu, nhiệm vụ cụ thể cho 5 năm tới trên các lĩnh vực kinh tế, xã hội, đô thị, đầu tư, giáo dục…
Báo cáo tham luận “Phát triển TP.Thủ Đức - khu đô thị sáng tạo tương tác cao phía đông TP.HCM giai đoạn 2020 - 2035”, ĐB Nguyễn Thanh Nhã, Giám đốc Sở QH-KT TP.HCM, dành nhiều thời gian phân tích những lợi thế của khu đô thị sáng tạo phía đông (gồm 3 quận: 2, 9 và Thủ Đức), cũng như chỉ ra những tồn tại hạn chế và đề ra giải pháp cho tầm nhìn phát triển 20 năm tới. Theo ông Nhã, “hạt nhân” phát triển dựa trên nền tảng kinh tế tri thức thông qua 8 trung tâm đổi mới sáng tạo: khu đô thị mới Thủ Thiêm, khu liên hợp thể dục thể thao quốc gia Rạch Chiếc, khu công nghệ cao, khu Đại học Quốc gia TP.HCM, trung tâm công nghệ sinh thái Tam Đa, Long Phước, khu đô thị tương lai Trường Thọ, khu cảng quốc tế Cát Lái… TP.HCM cũng đề ra mục tiêu trong giai đoạn 2020 - 2025, nơi đây sẽ tạo ra 20.000 việc làm trình độ cử nhân, kỹ sư và chuyên gia... Để đạt các mục tiêu đề ra, TP cần triển khai đồng bộ 6 nhóm giải pháp cốt lõi về quy hoạch, quản lý đất đai, tài sản đô thị, đầu tư hạ tầng, chuyển đổi số, thu hút đầu tư.
Vấn đề nhà ở cho 1 triệu dân tăng thêm sau mỗi 5 năm cũng được các ĐB đặt ra, nhất là trong thời gian qua nhu cầu nhà ở cho người lao động thu nhập thấp chưa được đáp ứng, xây dựng không phép ở các huyện ngoại thành phức tạp. Theo báo cáo của Sở Xây dựng từ năm 2016 - 2019 dù nhu cầu rất lớn, nhưng chỉ có 23 dự án nhà ở xã hội hoàn thành, chiếm 3,5% tổng sản lượng nhà ở phát triển mới của TP.HCM.
Về giải pháp trong nhiệm kỳ tới, Sở Xây dựng TP.HCM cho biết sẽ ưu tiên sử dụng vốn ngân sách để đầu tư xây dựng nhà ở xã hội thuộc sở hữu nhà nước để cho thuê; rà soát bố trí 20% đất ở trong các dự án nhà ở thương mại trên 10 ha để tạo lập quỹ nhà ở xã hội. Ngoài ra, TP.HCM cũng ưu tiên bố trí ngân sách tạo lập quỹ đất sạch khu vực ngoại thành dọc các trục giao thông công cộng như metro, đường vành đai để thực hiện dự án nhà ở xã hội, đấu giá quyền sử dụng đất…
Liên quan kế hoạch di dời 20.000 căn nhà trên và ven kênh, nhiệm kỳ qua chỉ di dời được 2.479 căn (đạt 12,4% kế hoạch), ĐB Trần Thanh Tùng, Chủ tịch UBND Q.8, trong phần thảo luận cho biết Q.8 còn 12.389 căn nhà lụp xụp ven và trên kênh rạch (nhiều nhất so với 23 quận, huyện khác của TP.HCM), trải đều trên 16 phường với 52.503 nhân khẩu đang sinh sống. Các căn nhà đa phần diện tích 20 - 40 m2, có những căn chỉ 10 m2 nhưng có đến 4 người sinh sống, có hộ đến 20 nhân khẩu. Những khu dân cư này trước đây hình thành tự phát, mật độ xây dựng cao nên hệ thống hạ tầng kỹ thuật không đáp ứng được nhu cầu sinh hoạt của người dân, gây khó khăn cho công tác PCCC... Theo ông Tùng, do nguồn vốn ngân sách chưa đáp ứng được nhu cầu đầu tư chỉnh trang đô thị, nên TP.HCM nghiên cứu làm cuốn chiếu từng phần, có cơ chế đặc thù trong việc bố trí nguồn vốn và công tác bồi thường giải phóng mặt bằng...
Bình luận (0)