Ngày 5.9, Hội Bảo trợ trẻ em và Hội Bảo vệ quyền trẻ em TP.HCM cho biết 2 đơn vị đã thống nhất ký công văn gửi Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 TP.HCM và các sở, ngành có liên quan về những kiến nghị của các cơ sở nuôi dưỡng và bảo trợ trẻ em ngoài công lập.
Trước đó, ngày 1.9, hai đơn vị cũng đã tổ chức buổi tập huấn chủ trương chính sách và công tác an toàn đối với trẻ em trong tình hình dịch Covid-19 cho hệ thống các cơ sở bảo trợ trẻ em ngoài công lập trên địa bàn TP.HCM, có sự tham dự của Cục Trẻ em (Bộ LĐ-TB-XH), Sở LĐ-TB-XH TP.HCM.
Đại diện các cơ sở cho biết, thực tế phát sinh từ dịch bệnh, thời gian qua có các trường hợp trẻ em không có người chăm sóc, nuôi dưỡng do có cha, mẹ, người chăm sóc trực tiếp mất vì Covid-19 hoặc người chăm sóc trực tiếp các em phải đi cách ly tập trung, nhưng địa phương không tìm được người chăm sóc thay thế nên phải liên hệ cơ sở để đề nghị gửi các em vào. Tuy nhiên, nhiều cơ sở do không đảm bảo cơ sở vật chất và có nguy cơ lây nhiễm cao nên không thể tiếp nhận.
Một số cơ sở cũng thông tin tại đơn vị mình đã có nhân viên và trẻ bị nhiễm Covid-19, có cơ sở lên tới 40 - 50 trường hợp, do đó việc quản lý, chăm sóc các em gặp nhiều khó khăn, nhất là nơi có nhiều trẻ nhỏ.
Trước tình hình dịch Covid-19 kéo dài, đến nay một số cơ sở gặp khó trong việc vận động các nguồn hỗ trợ tài chính, lương thực... cho trẻ em. Một số trẻ có bệnh nền, sức khỏe không tốt, việc điều trị và đảm bảo sức khỏe cho các em trong tình hình TP.HCM giãn cách xã hội hiện nay nhiều trở ngại. Vì vậy, các đơn vị đề nghị TP.HCM nghiên cứu và sớm có các chính sách đặc thù hỗ trợ riêng cho nhóm trẻ em này.
Các cơ sở cũng kiến nghị TP.HCM sớm tổ chức, bố trí một cơ sở có chức năng tiếp nhận, chăm sóc và nuôi dưỡng riêng các trẻ em không có người chăm sóc do người thân mất vì Covid-19, hoặc phải thực hiện việc cách ly và điều trị dài ngày, trẻ không có người chăm sóc thay thế.
Đồng thời, kiến nghị chấp thuận hỗ trợ mức 1 triệu đồng đối với 100% trẻ em bị nhiễm Covid 19 hiện đã và đang được cách ly chăm sóc và điều trị ngay tại các cơ sở giống như đối với các trẻ em mắc Covid-19 đang được chăm sóc và điều trị tập trung tại các cơ sở y tế theo Nghị quyết 68/2021 của Chính phủ.
Đề xuất hỗ trợ 1,5 triệu đồng/trẻ ở các cơ sở ngoài công lập
Liên quan vấn đề này, đại diện Sở LĐ-TB-XH TP.HCM đề nghị các cơ sở khi phát hiện đơn vị mình có trẻ em bị nhiễm Covid-19 hoặc bị thiếu lương thực, thực phẩm có thể liên hệ Phòng LĐ-TB-XH quận, huyện; UBND phường, xã qua các đường dây nóng, tổ phản ứng nhanh để được hỗ trợ gạo, rau củ; trợ giúp y tế như thuốc men, cấp cứu... Nếu địa phương làm chậm cần phản ánh ngay. Đối với các nhân viên làm công tác xã hội, chăm sóc trẻ ở các cơ sở phải mạnh dạn đề xuất trong gói hỗ trợ của TP.HCM.
Đại diện của Sở LĐ-TB-XH cũng cho hay, đơn vị đã hoàn thành xong các thủ tục và đã trình lên HĐND, UBND TP.HCM về việc bổ sung đối tượng gặp khó khăn nhận gói hỗ trợ Covid-19 trên địa bàn TP.HCM, trong đó có đối tượng bảo trợ xã hội như người cao tuổi, người khuyết tật, người khiếm thị; trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt sống ở cộng đồng, trẻ sống ở các mái ấm ngoài công lập. Nếu được thông qua, sẽ có khoảng 3.000 trẻ ở các cơ sở, mái ấm ngoài công lập... được hỗ trợ 1,5 triệu đồng/em.
Ông Đặng Hoa Nam, Cục trưởng Cục Trẻ em - Bộ LĐ-TB-XH, cho hay đơn vị sẽ làm việc với Sở LĐ-TB-XH TP.HCM để hỗ trợ các cơ sở này. Ông Nam đề nghị Hội Bảo trợ trẻ em và Hội Bảo vệ quyền trẻ em phối hợp Phòng Bảo vệ, chăm sóc trẻ em và Bình đẳng giới (Sở LĐ-TB-XH TP) cập nhật nhanh chóng tình hình trẻ em là F0, F1 tại các cơ sở; đánh giá nhanh nguy cơ lây nhiễm, tình trạng thiếu nguồn lương thực, thực phẩm... để Sở LĐ-TB-XH báo cáo TP.HCM chỉ đạo các địa phương có giải pháp hỗ trợ. Đối với các em F0, F1 không nơi nương tựa, không người chăm sóc, Sở LĐ-TB-XH cần xây dựng phương án chọn địa điểm để cách ly, chăm sóc các em, tương tự như việc thu dung người lang thang.
Hiện nay, TP.HCM có trên 40 cơ sở nuôi dưỡng bảo trợ trẻ em ngoài công lập đã và đang trực tiếp hỗ trợ cùng TP quản lý, chăm sóc và nuôi dưỡng hàng ngàn trẻ em với các độ tuổi khác nhau, trong đó có nhiều nhóm là trẻ khuyết tật; trẻ nhiễm HIV/AIDS; trẻ có vấn đề về sức khỏe, thiếu dinh dưỡng và bệnh lý nền khác. Các cơ sở này tự chủ về nhân sự và kinh phí hoạt động từ việc ăn, ở, đảm bảo về lương thực, thực phẩm, chăm sóc y tế cho đến việc học, đời sống tinh thần của các em. Nguồn lực chủ yếu để các cơ sở này hoạt động từ xã hội hóa, các chương trình, dự án, sự hỗ trợ của các tổ chức, doanh nghiệp, các nhà hảo tâm...
|
Bình luận (0)