Trái cây Việt “đĩnh đạc” xuất ngoại

07/06/2020 06:18 GMT+7

Ngày càng có nhiều loại trái cây Việt bước “đĩnh đạc” vào các thị trường khó tính như Mỹ, Nhật, EU...

Hôm qua (6.6), hội nghị trực tuyến xuyên biên giới giữa UBND tỉnh Bắc Giang (Việt Nam) với tỉnh Vân Nam (Quảng Tây, Trung Quốc) bàn giải pháp thúc đẩy xuất khẩu vải thiều đã được tổ chức. Đây cũng là lần đầu tiên hội nghị trực tuyến tiêu thụ vải thiều mở điểm cầu trên khắp cả nước.
Thống kê của Sở Công thương tỉnh Bắc Giang cho biết năm nay tổng sản lượng vải thiều của tỉnh đạt khoảng 160.000 tấn, tăng 10.000 tấn so với năm ngoái. Theo kịch bản, một nửa sản lượng này (80.000 tấn) sẽ được xuất khẩu, số còn lại tiêu thụ nội địa.
Trước đó, liên quan đến quả vải thiều xuất khẩu sang thị trường Nhật, chiều 3.6, chuyên gia kiểm dịch thực vật của Bộ Lâm - Ngư nghiệp Nhật Bản (MAFF) đã sang Việt Nam để kiểm soát việc xuất khẩu vải thiều sang Nhật. Như vậy, sau xoài, thanh long ruột trắng, thanh long ruột đỏ, quả vải Việt Nam đã “đĩnh đạc” bước chân vào thị trường khó tính Nhật Bản.

Giữ uy tín để mở rộng thị trường

Hiện trái cây Việt Nam đã thâm nhập thị trường của 60 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong đó có những thị trường khó tính như Mỹ, Nhật Bản, Úc, EU… Giữ kỷ lục mất nhiều thời gian đàm phán nhất để được xét lọt vào các thị trường khó tính, có thể kể đến quả vải tươi vào thị trường Úc (mất 12 năm), xoài vào thị trường Mỹ (mất 10 năm).
Dự kiến mùa vụ này, Bắc Giang xuất khẩu khoảng 80.000 tấn vải thiều Ảnh: Gia Hân

Dự kiến mùa vụ này, Bắc Giang xuất khẩu khoảng 80.000 tấn vải thiều

Ảnh: Gia Hân

Ông Nguyễn Đình Tùng, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Tập đoàn Vina T&T, cho biết đến nay có khoảng 10 loại trái cây Việt (thanh long đỏ, thanh long trắng, xoài, vú sữa, nhãn, vải, chôm chôm, bưởi, dừa, sầu riêng) được chấp nhận vào các thị trường khó tính.
Ông nói: “Trái vải được thu hoạch theo mùa vụ và đa phần xuất tiểu ngạch sang Trung Quốc với giá thấp. Trong đợt dịch Covid-19 này, nhiều kế hoạch xuất khẩu đảo lộn, đặc biệt với thị trường Trung Quốc. Thế nên, tìm đường để đưa trái cây Việt Nam sang các thị trường khác là nhiệm vụ sống còn. Hơn nữa, việc xuất khẩu được nhiều loại trái cây vào các thị trường khó tính như Nhật Bản, Mỹ, EU... là điều rất tốt cho ngành trái cây Việt, do bán hàng vào các thị trường này thì giá trị thu về cao hơn nhiều so với tiêu thụ nội địa và xuất khẩu tiểu ngạch”.
Công ty TNHH XNK trái cây Chánh Thu là một trong những doanh nghiệp (DN) đầu tiên làm việc với Bộ NN-PTNT, Viện Cơ điện nông nghiệp và công nghệ sau thu hoạch để chuẩn bị cho các thủ tục xuất khẩu trái vải sang Nhật.
Từ cuối năm 2019, công ty đã làm việc với tỉnh Bắc Giang, tổ chức các buổi tập huấn, đào tạo nông dân trong chăm sóc vườn vải từ trước dịch với diện tích thử nghiệm ban đầu khoảng 30 ha; chuẩn bị công tác đóng gói, thông tin thị trường.
Bà Ngô Tường Vy, Phó giám đốc Công ty Chánh Thu, cho biết năm nay chỉ mới xuất khẩu thử nghiệm quả vải sang Nhật, các mùa vụ sau, DN sẽ mở rộng diện tích hơn. Hiện tại, riêng quả vải, Công ty Chánh Thu đã xuất sang Úc và Mỹ. “Mỹ và Úc yêu cầu quả vải phải được chiếu xạ thì người Nhật yêu cầu quả vải phải được đóng gói và xử lý xông hơi khử trùng bằng Methyl Bromide tại các cơ sở được Cục Bảo vệ thực vật và MAFF công nhận với liều lượng tối thiểu là 32 g/m3 trong thời gian 2 tiếng đồng hồ dưới sự giám sát của chuyên viên kiểm dịch 2 nước”, bà Vy nói.
Ông Nguyễn Đình Tùng thì cảnh báo chỉ cần một lần sản phẩm xuất khẩu có chứa chất bảo quản không được phép, hoặc nhiễm nấm bệnh, sẽ bị bỏ hết lô hàng. “Vào được thị trường lớn phải giữ gìn uy tín để có cơ hội mở rộng thị phần mới là điều quan trọng”, ông Tùng nhấn mạnh và thông tin thêm, lượng trái cây xuất Việt Nam sang Mỹ hiện chưa cao, chỉ chiếm 2 - 3% thị phần, dao động khoảng 10.000 tấn mỗi năm.

Giám sát sử dụng thuốc bảo vệ thực vật

Ông Hoàng Trung, Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật (BVTV, Bộ NN-PTNT), cho biết sau trái vải vào được Nhật Bản, Cục BVTV đang xúc tiến mở cửa thị trường Mỹ, Hàn Quốc, New Zealand, Ấn Độ, Đài Loan đối với trái bưởi; Úc, New Zealand với trái chanh leo; Ấn Độ, Chile, Đài Loan... với trái chôm chôm.
Hiện các thị trường khó tính đặt yêu cầu về dư lượng thuốc BVTV, các loại sâu bệnh trên trái cây cơ bản là giống nhau, chỉ khác về cơ chế giám sát. Để vào được thị trường khó tính rất gian nan, nhưng giữ được thị trường xuất khẩu này một cách bền vững thì đòi hỏi trách nhiệm và sự vào cuộc giám sát vùng nguyên liệu của nhiều phía từ cơ quan chuyên môn, chính quyền địa phương và trực tiếp nhất là người sản xuất.
Đơn cử như vải thiều, để có được vùng nguyên liệu đủ điều kiện xuất khẩu, Cục BVTV ngoài việc cử cán bộ kỹ thuật theo dõi giám sát trực tiếp tại đồng ruộng cũng phải chi gần 1 tỉ đồng cho chương trình lấy mẫu giám sát dư lượng thuốc BVTV để vượt qua tất cả yêu cầu đặt ra của phía Nhật Bản.
“Khó khăn lớn nhất vẫn là giám sát sử dụng thuốc BVTV. Các lô hàng phần lớn bị trả về đều tồn dư thuốc BVTV vượt ngưỡng cho phép của nước nhập khẩu. Thế nên, công tác giám sát phải thường xuyên, liên tục trong quá trình sản xuất, hướng dẫn cho người sản xuất sử dụng đúng chủng loại thuốc, đảm bảo thời gian cách ly”, ông Trung nói.
Ông Đỗ Hoàng Phương, Tổng giám đốc Công ty XNK thực phẩm Toàn Cầu, cho rằng xuất khẩu trái cây vào các thị trường khó tính hiện vướng nhất ở chi phí vận chuyển quá cao và công nghệ bảo quản. Ví dụ như trái vải, nếu vận chuyển đường hàng không thì cước lên đến 4 - 6 USD/kg tùy thời điểm, trong khi bằng đường biển thì cước chưa đến 0,2 USD/kg.

Ảnh: G.Hân, C.Hân, C.Nhân - Đồ họa: Đông Xuân

Bà Ngô Tường Vy giải thích rõ hơn, cước hàng không với 1 kg vải Việt Nam khi chưa có dịch Covid-19 từ 3,5 - 4 USD/kg, trong mùa dịch lên hơn 6 USD/kg, nay xuống 5,5 USD/kg (chưa gồm bao bì).
Ngoài ra, phải cộng thêm 0,5 USD/kg chiếu xạ, chi phí sơ chế đóng gói 15.000 - 20.000 đồng (tương đương 70 - 90 US cent/kg). Như vậy, chưa tính cân nặng bao bì, chi phí quảng bá, marketing... 1 kg vải Việt xuất khẩu trong đợt dịch này phải cộng thêm gần 7 USD. “Để trái cây Việt tăng sức cạnh tranh, DN rất cần được hỗ trợ cước hàng không với những lô hàng đầu tiên mang tính chất giới thiệu cho người tiêu dùng quen với sản phẩm”, ông Phương đề xuất.
Nhân dịp Hội nghị trực tuyến xúc tiến tiêu thụ vải thiều năm 2020 tổ chức tại TP.Bắc Giang (tỉnh Bắc Giang), ngày 6.6, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, lãnh đạo các bộ, ngành T.Ư đã cắt băng xuất hành đoàn xe chở vải thiều Bắc Giang tiêu thụ trong và ngoài nước.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cắt băng xuất hành đoàn xe vải thiều Bắc Giang tiêu thụ trong, ngoài nước Ảnh: TTXVN

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cắt băng xuất hành đoàn xe vải thiều Bắc Giang tiêu thụ trong, ngoài nước

Ảnh: TTXVN

Chiều cùng ngày, Thủ tướng và đoàn công tác của Chính phủ đã có buổi làm việc với Ban Thường vụ tỉnh Bắc Giang. Về định hướng, mục tiêu nhiệm vụ của Bắc Giang thời gian tới, Thủ tướng nhấn mạnh cần xác định và lựa chọn mô hình kinh tế xuyên suốt để phát triển, chuyển mô hình tăng trưởng từ chiều rộng sang chiều sâu; có định hướng, tiêu chí rõ ràng; đặc biệt cần thu hút dòng vốn đầu tư chất lượng, các nguồn lực phát triển để đẩy nhanh tốc độ phát triển của địa phương…
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cùng đoàn công tác cũng đã đến dâng hương tưởng nhớ Chủ tịch Hồ Chí Minh và thăm “Vườn quả Bác Hồ” tại xã Trù Hựu, H.Lục Ngạn; thăm cụm di tích quốc gia Tiên Lục thuộc xã Tiên Lục, H.Lạng Giang.
TTXVN
Theo Cục BVTV, thị trường Trung Quốc đến nay đã cấp được 1.700 mã số vùng trồng và 1.832 mã số cho cơ sở đóng gói để xuất khẩu chính ngạch 9 loại quả tươi: xoài, thanh long, nhãn, vải, chôm chôm, dưa hấu, mít, chuối, măng cụt. Các thị trường khác như Mỹ, EU, Hàn Quốc, Nhật Bản, New Zealand, Úc, Đài Loan... đến nay đã cấp được 348 mã số vùng trồng cho 5.935 ha đối với các loại quả: chôm chôm, vú sữa, chanh, bưởi, nhãn, xoài và 34 cơ sở đóng gói hàng xuất khẩu vào các thị trường này.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.