Chợ An Đông, Tân Định, Bến Thành… một thời tấp nập kẻ bán người mua, nay thế nào? Những lối xưa chợ cũ ở đất Sài thành sẽ ra sao nếu một ngày người kẻ chợ không còn ai bám chợ?
Bà giáo đi bán vải
Điều thú vị là khi chúng tôi đi vào chợ An Đông đã bắt gặp không ít tiểu thương là những nhà giáo nối tiếp nghề chợ từ gia đình. Bà Phạm Thị Liên, 63 tuổi, chủ sạp vải Khải Tín, Minh Phượng ở chợ An Đông, hiện đang tiếp tục nghề vải của mẹ đã 30 năm nay. Trước đó, bà là giáo viên tiếng Anh ở trường Ngô Mây, Q.Phú Nhuận. Hai vợ chồng bà Liên cùng là nhà giáo. Năm bà Liên 40 tuổi, do kinh tế khó khăn, mẹ lại già yếu không ra sạp được nên bà Liên quyết định nghỉ hưu sớm, ra chợ vải thay mẹ.
Bà giáo Phạm Thị Liên bên sạp vải kế thừa từ mẹ ở chợ An Đông |
LÊ VÂN |
Tương tự, bà giáo già Dương Lan, người gốc Hoa, 72 tuổi, vốn cũng là giáo viên dạy toán, đã bán vải ở chợ từ năm 2003. Bà Lan kể: “Hồi đó, vừa đi dạy, cô vừa đi phụ người chị chồng ở chợ. Sau này khi về hưu thì cô ra bán cho đến bây giờ. Chị chồng cô bán từ thời còn chợ cũ lợp tôn, có 3 nhà lồng”.
Duyên cớ nào đưa những nhà giáo thành người “kẻ chợ”? Với bà Liên, đó là “cớ” mưu sinh. Bà Liên kể: “Lúc đó mình cũng nghĩ mãi, hai vợ chồng đắn đo ai sẽ nghỉ để ra ngoài làm kiếm tiền, ai ở lại giữ nghề? Những năm bao cấp khổ lắm, tính ra rồi lại tính vô mà chi tiêu ngặt nghèo”. Cũng như bà Liên, bà Lan và chồng đều là giáo viên.
Bà Lan kể lại thời gian khi tập tành nghề chợ: “Hồi mới ra chợ cũng cực lắm, người ta dân chợ biết nhanh nhảu chào mời. Còn mình thì có khi thấy khách mà không nói nên lời. Nhưng được cái người mua hàng cũng hay lắm, họ biết hết, mình cứ từ từ mà bán là được. Như cô chủ trương không nói thách, ví dụ muốn bán món đó thì chỉ tăng lên chút đỉnh cho người ta bớt là vừa. Người ta chưa hiểu thì họ đi, nhưng đi một vòng họ mới thấy mình nói thật hay thách thì quay lại. Lâu rồi họ quen nên cứ ghé lại”.
Giọng nói nhỏ nhẹ, bà Liên chia sẻ “bí quyết” nghề chợ: “Ra chợ mình cứ nhắc nhớ phải ráng giữ cung cách của mình. Người ta chụp giựt gì thì kệ, mình cứ nhỏ nhẹ, thuận mua vừa bán”.
Có chút tiếc nuối khi hai bà giáo già đã tính chuyện về nghỉ, sang lại sạp vải. Một cô kể: “Chợ xưa sung túc lắm, sau cơn dịch này thì càng trầm lắng. Thời các cô đi phụ gia đình, người ta bảo “ra chợ là có tiền”. Tiểu thương giờ đông, ai cũng ra chợ nhưng chợ lại khó hơn. Nói cho ngay hồi đó người ta hay đi may đồ, còn giờ người ta mua đồ may sẵn. Vì vậy giờ ra chợ chưa chắc đủ tiền thuế”.
Bà Trương Muội, 77 tuổi, trong sạp bánh mứt của mình |
LÊ VÂN |
Nếu một ngày trương muội không ra sạp...
Chưa bao giờ tiểu thương chợ An Đông trải qua những đợt ế ẩm kéo dài như khoảng 5 năm trở lại đây. Sau dịch Covid-19, những sạp chợ đóng im ỉm hoặc đề bảng sang sạp ngày một nhiều. Ngay những người đã bám chợ lâu năm qua nhiều thế hệ cũng không khỏi âu lo trước viễn cảnh ngày mai chưa biết ra sao.
Chị M., chủ sạp giò chả ở tầng hầm khu tạp hóa, kể: “Mình ngồi để hóng khách vậy thôi, hồi đó bán chả lụa giao không biết bao nhiêu, giờ ngày bán được 3 kg, có khi 3 ngày không bán được ký nào”. Nhà chị M. bán giò chả từ đời ông bà nội, nổi tiếng ở khu Ông Tạ. Nay tới chị M. bán thay cha mẹ già. “Mẹ tui bán ở nhà lồng chợ An Đông hồi còn chưa xây trung tâm thương mại, khi xây chợ thì đẩy xe ra Cây Me bán tiếp (khu ven chợ). Sau vào tầng hầm mới bán tới giờ”.
Theo chị M.: “Tuy bán không bằng ngày xưa nhưng chợ này nuôi rất nhiều người giàu. Như hàng bán hành tiêu tỏi ớt ở ngoài chợ chạy, sau vào chợ mua được sạp. Nhờ thu hút lượng khách Trung Quốc lớn, nên chợ nuôi nhiều “đại gia”. Chỉ có tôi là “mạt” dần, vì ngày xưa bán làm gì có Như Lan, bánh mì Lệ, bánh mì Hà Nội, bánh mì Những chàng trai bán rẻ như cho…”.
Những sạp chợ buồn hiu khi vắng khách |
LÊ VÂN |
Ở chợ An Đông có “lão thương” được nhiều người yêu quý là bà Trương Muội, 77 tuổi, ở sạp đồ khô, bánh mứt khu tầng hầm. Bà Muội đã ra chợ bán từ lúc 14 tuổi. Buổi đầu, bà theo mẹ bán rau củ quả từ bên chợ Lá sát Bệnh viện An Bình. Khi chợ An Đông được cất thành chợ truyền thống 3 nhà lồng (cá - thịt - tạp phẩm), thì bà chuyển vào bán tới giờ sau nhiều lần chuyển đổi ngành nghề từ rau củ sang đồ khô, rồi tới bán bánh mứt như hiện nay.
Sạp bánh mứt của bà Muội hiện có tới 4 sạp liền kề với hơn chục nhân viên trẻ. Nhưng bà Muội chưa chịu nghỉ hưu. “Lão thương” 77 tuổi vui vẻ nói: “Về hưu làm gì, mình còn làm được mình cứ đi cho minh mẫn chứ, ở nhà là chết á”. Bí quyết bám chợ của bà Muội truyền cho hai người con và những tiểu thương trẻ ở chợ là sự lạc quan, tếu táo đến mức vắng bà là sạp bánh mứt buồn hiu.
Bà Muội rổn rảng nói: “Khó khăn cũng có lúc thôi, trên thế gian này có gì suôn sẻ hết đâu. Miễn sao mình “biết sống” thì sẽ vượt qua. Như hồi dịch đó phải nghỉ 5 - 6 tháng, mình cứ gói ghém lại, hết dịch lại bung ra bán”.
Nếu một ngày Trương Muội không ra sạp? “Thì chắc bả hết thở rồi đó! Sống chết cũng phải bám chợ chớ!”, bà Muội cười hào sảng nói.
Trăm năm 'kẻ chợ' Sài thành
Bình luận (0)