Trang trại chăn nuôi thông minh của 2 nữ sinh lớp 9

Lê Thanh
Lê Thanh
15/10/2020 17:55 GMT+7

Trang trại chăn nuôi thông minh là mô hình đã đoạt giải nhất phần thi sản phẩm sáng tạo dành cho học sinh khối THCS tại Hội thi Tin học trẻ TP.Cần Thơ năm 2020.

Hai nữ sinh đồng sáng tạo mô hình thông minh là Trần Huỳnh Tú Quyên và Nguyễn Thúy Lan Phương, học sinh lớp 9A1, Trường THCS Vĩnh Trinh, xã Vĩnh Trinh, huyện Vĩnh Thạnh, TP.Cần Thơ. Mô hình cũng được chọn là một trong những sản phẩm tiêu biểu giới thiệu tại Ngày hội Sáng tạo công nghệ năm 2020 khu vực miền Nam vừa diễn ra tại TP.HCM, do T.Ư Đoàn và Bộ GD-ĐT tổ chức.
Nói về ý tưởng làm ra sản phẩm này, Trần Huỳnh Tú Quyên chia sẻ: “Trong thời đại công nghệ 4.0, nhu cầu sử dụng những tiện ích của con người cũng có phần thay đổi. Người ta ưa chuộng những thiết bị vừa tiện lợi vừa mang lại hiệu quả làm việc, chi phí giá thành phù hợp”.
Để áp dụng công nghệ vào thực tế của việc chăn nuôi, Tú Quyên dẫn chứng: “Trước kia, để nuôi một đàn gà lấy thịt hoặc lấy trứng là cả một quá trình chăm sóc của con người. Nhiều lần được tham quan tại các trang trại nuôi gà, em nhận thấy việc cho gà ăn, uống đều phải có người chăm sóc trực tiếp nên rất tốn thời gian và công sức. Bên cạnh đó, gà có thể mắc một số bệnh do biến đổi của nhiệt độ, thời tiết nếu không phát hiện kịp thời sẽ dẫn đến lây lan và chết hàng loạt, gây thiệt hại về kinh tế của chủ trang trại. Vì vậy, em và một người bạn quyết tâm nghiên cứu để tạo ra mô hình trang trại chăn nuôi thông minh”.

Mô hình đã đoạt giải nhất phần thi sản phẩm sáng tạo dành cho học sinh khối THCS tại Hội thi Tin học trẻ TP.Cần Thơ năm 2020, do Thành đoàn và Sở GD-ĐT TP.Cần Thơ vừa tổ chức vào giữa tháng 7

Hùng Dũng

Theo Nguyễn Thúy Lan Phương, một người bạn đồng sáng tạo mô hình với Tú Quyên, mô hình dễ dàng sử dụng, chi phí lại thấp. “Với mô hình thu nhỏ như tụi em vừa làm chỉ tốn có 500.000 đồng. Tuy nhiên, mô hình trang trại có quy mô lớn hơn sẽ nhiều tiền hơn nhưng chắc chắn sẽ giảm chi phí khoảng 50% cho người chăn nuôi so với việc chăn nuôi theo mô hình truyền thống”, Lan Phương nói.
Chia sẻ về nguyên lý hoạt động, Tú Quyên cho biết: “Mô hình được kết nối với điện thoại thông minh qua một thiết bị cảm biến esp8266 để giúp người chăn nuôi thực hiện một số chức năng điều khiển từ xa như: Cho gà ăn, bơm nước uống cho gà uống, đo nhiệt độ trong chuồng trại, bật sưởi ấm cho gà và tắt đèn khi thời tiết nóng, cảnh báo trộm”.
Tú Quyên hy vọng: “Từ mô hình này, em rất mong được kết hợp với các doanh nghiệp để sản xuất đại trà sản phẩm nhằm thương mại hóa trên thị trường cho người nông dân tiếp cận”.
Đánh giá về tính khả thi của mô hình này nếu áp dụng vào chăn nuôi, thầy Nguyễn Hùng Dũng, giáo viên dạy tin học của Trường THCS Vĩnh Trinh (TP.Cần Thơ), cho biết: “Đây là mô hình chăn nuôi thông minh rất độc đáo đối với trình độ của học sinh mới học lớp 9 sáng tạo ra. Mô hình khi áp dụng vào chăn nuôi trang trại trong thực tế sẽ giảm nhân công lao động, dẫn đến giảm chi phí sản xuất và nâng cao lợi nhuận cho người chăn nuôi”.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.