Tranh cãi quanh di sản vừa được công nhận của Nhật Bản

06/07/2015 19:44 GMT+7

(TNO) UNESCO vừa quyết định công nhận di sản thế giới đối với 23 khu công nghiệp cũ của Nhật Bản, sau khi Tokyo thừa nhận việc ngược đãi các lao động nước ngoài trong thời Thế chiến thứ 2 tại các khu công nghiệp này,

(TNO) UNESCO vừa quyết định công nhận di sản thế giới đối với 23 khu công nghiệp cũ của Nhật Bản sau khi Tokyo thừa nhận việc ngược đãi các lao động nước ngoài trong thời Thế chiến thứ 2 tại các khu công nghiệp này, nhưng không chấp nhận bồi thường cho các nạn nhân.

'Đảo Tàu chiến' của Nhật vừa được công nhận di sản thế giới - Ảnh: AFP
Người dân Nhật Bản hôm nay 6.7 ăn mừng sự kiện UNESCO công nhận quần thể di tích, trong đó có Gunkanjima hay còn gọi là Đảo Tàu chiến của nước này, là di sản thế giới.
Đảo Tàu chiến nằm ở tỉnh Nagasaki, phía nam Nhật Bản là quần thể khu công nghiệp bao gồm mỏ than, bến tàu được Tokyo cho là đã đóng góp vào sự phát triển kinh tế, đưa Nhật Bản trở thành nước có ngành công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới như ngày nay.
Tuy nhiên, khu công nghiệp được hình thành từ những năm 1940 này đồng thời là nơi hàng chục ngàn lao động Hàn Quốc và Trung Quốc bị đưa đến đây vào những năm Nhật Bản xâm chiếm 2 nước láng giềng này thời Thế chiến thứ 2. Những lao động này bị coi là tù nhân, bị bắt làm việc trong điều kiện tồi tệ như nô lệ. Nhiều người trong số này đã chết, một số còn sống đang kiện chính phủ và các công ty Nhật Bản phải bồi thường.
Hàn Quốc ngay từ đầu phản đối Nhật Bản nộp hồ sơ yêu cầu UNESCO xem xét để công nhận di sản đối với khu công nghiệp cũ này; Seoul đồng thời yêu cầu Tokyo phải công nhận đã ngược đãi lao động Hàn Quốc. Hội đồng gồm 21 nước thành viên của UNESCO xem xét hồ sơ của Nhật Bản đã trì hoãn ra quyết định cho đến ngày 5.7 nhằm tạo điều kiện cho Tokyo và Seoul tự thương lượng, theo tờ The Guardian (Anh).
Nhật Bản tuyên bố thừa nhận có sự ngược đãi đối với lao động nước ngoài trước khi UNESCO quyết định công nhận di sản thế giới đối với khu công nghiệp này. Tuy nhiên, Tokyo không chấp nhận bồi thường cho những nạn nhân từng làm việc tại đây, The Guardian cho hay.
Về phía Trung Quốc, đại sứ nước này tại UNESCO, bà Zhang Xiuquin phát biểu: "Nhật Bản vẫn chưa đưa ra cách giải quyết đầy đủ đối với tất cả những vấn đề liên quan đến việc sử dụng lao động cưỡng bức", Tân Hoa xã cho biết. Bà Zhang kêu gọi Nhật Bản phải đảm bảo rằng "những đau khổ của từng cá nhân phải được nhớ đến, và danh dự của họ phải được xem xét công bằng".
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.