Như Thanh Niên thông tin, ngày 13.2, Sở GD-ĐT TP.HCM đề xuất UBND TP.HCM cho học sinh đi học lại từ ngày 17.2, sau khi nghỉ vì dịch bệnh Covid-19. Sở GD-ĐT nêu rõ đã chỉ đạo thủ trưởng đơn vị thực hiện tốt công tác chuẩn bị, sẵn sàng đón học sinh trở lại trường học tập, rèn luyện.
Nên cho nghỉ tiếp để theo dõi
Thông tin trên được bạn đọc (BĐ) đặc biệt quan tâm. Nhiều BĐ là phụ huynh dẫn báo chí thông tin thời gian ủ bệnh của vi rút Corona có thể lên tới 24 ngày và đề xuất tiếp tục cho học sinh nghỉ học qua thời gian có thể ủ bệnh. BĐ Quốc Hải (TP.HCM) ý kiến: "Chậm học một thời gian tuy hơi khó khăn cho phụ huynh nhưng sức khỏe và phòng tránh rủi ro bệnh tật là trên hết, mong các lãnh đạo xem xét lại... Xin hãy suy nghĩ thật kỹ trước khi quyết định, vì đây là việc vô cùng hệ trọng, nếu có sơ suất thì hậu quả khôn lường".
"Với HS tiểu học, biện pháp đeo khẩu trang không có tác dụng nhiều. Các con không đủ ý thức, bắt đeo khẩu trang nguyên ngày sẽ bị khó chịu, lại đưa tay lên chỉnh sửa, tháo ra đeo vào, vô tình lại dễ lây nhiễm hơn. Đặc biệt là giờ ăn trưa và ngủ trưa - ăn tập thể, ngủ tập thể sẽ dễ lây nhiễm bệnh cho nhau vô cùng. Đề nghị Sở GD-ĐT xem xét lại, cho học sinh mầm non và tiểu học nghỉ thêm", BĐ Quang Dương (TP.HCM) đề xuất.
Chủ động phòng tránh, đừng quá hoang mang
Theo bác sĩ Trương Hữu Khanh, Trưởng khoa Nhiễm - Nội thần kinh, Bệnh viện Nhi đồng 1, hiện nay vẫn chưa xác định chính xác thời gian ủ bệnh của vi rút Corona là trong bao lâu.
“Nhiều nghiên cứu từ số lượng lớn bệnh nhân dương tính với vi rút Corona hiện nay đều xác nhận thời gian ủ bệnh không vượt quá 14 ngày. Trong môi trường Trung Quốc, số người bệnh rất nhiều, việc xác định những ca dương tính bắt đầu ủ bệnh từ đâu cũng rất khó. Nếu chính xác mình phải tìm những thông tin trên những bài báo cáo khoa học, những bài đã được giới chuyên môn xác nhận và được thế giới công nhận”, bác sĩ Khanh nói.
Theo ông, để phòng bệnh hiệu quả trong trường học, điều quan trọng nhất bây giờ là các thầy cô nên dạy cho học sinh cách phòng chống bệnh đúng quy trình, tự bảo vệ mình. Trường cũng cần phải dạy cho các em cách xử lý như thế nào khi trường có ca mắc bệnh. Điều này cực kỳ quan trọng.
Tương tự, TS-BS Nguyễn Văn Vĩnh Châu, Giám đốc Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TP.HCM, cũng cho rằng Trung Quốc xác định thời gian ủ bệnh do vi rút Corona gây nên có thể kéo dài 24 ngày.
Tuy nhiên ở Việt Nam, theo điều tra thì hầu hết bệnh nhân nếu có nhiễm thì phát bệnh tối đa sau 14 ngày tiếp xúc với người dương tính vi rút Corona. Ông cũng nhận định: “Theo tôi nghĩ thì nguy cơ lây lan vi rút Corona trong trường học ở TP.HCM là không cao, vì các em đã được nghỉ học 2 tuần để tự kiểm tra, cách ly trước khi đến trường. Hơn nữa, với những em đi về từ vùng dịch, hoặc bị sốt, nghi nhiễm các trường cũng đã cho nghỉ ở nhà. Chỉ cần giáo dục các em ý thức phòng bệnh tốt là có thể kiểm soát được tình hình”.
BĐ Vietroad (TP.HCM) cho rằng: "Chủ động phòng tránh còn hơn là chạy trốn. Không đi học thì cũng không thể nhốt mình trong nhà mãi mãi, vẫn phải tiếp xúc người khác. Ai dám bảo đảm an toàn. Thay vào đó hãy trang bị cho trẻ kỹ năng phòng tránh. Cứ cho nghỉ học, vậy nghỉ đến bao giờ?".
"Ủng hộ đi học trở lại cùng công tác phòng dịch tích cực từ nhà trường và phụ huynh. Quan trọng nhất là cùng bình tĩnh, nâng cao ý thức cộng đồng và từng cá nhân trong công tác phòng dịch", BĐ Minh Anh (Hà Nội) ý kiến.
Sức khỏe các cháu và cộng đồng là trên hết, nghỉ học bây giờ có thể kéo dài thời gian học hè.
Võ Thanh Bình (TP.HCM)
Đi học lại lúc này là phù hợp rồi. Tôi ủng hộ.
Nguyễn Đức (TP.HCM)
Có thể cho học sinh trở lại trường học nhưng không bán trú để tránh lây lan của việc ăn trưa và ngủ trưa.
Trần Minh Mẫn (TP.HCM)
|
Bình luận (0)