Tránh chấn thương khi chơi tennis

24/10/2015 15:10 GMT+7

Tennis đang dần trở nên phổ biến trong cuộc sống, thế nhưng chơi tennis như thế nào để khỏe và không “dính” chấn thương thì không phải ai cũng biết.

Tennis đang dần trở nên phổ biến trong cuộc sống, thế nhưng chơi tennis như thế nào để khỏe và không “dính” chấn thương thì không phải ai cũng biết.

Mục đích tập thể dục thể thao là để khỏe, nhưng tập luyện không đúng bài bản sẽ dễ gây chấn thương. Khi chơi không đúng cách, bị chấn thương mà không chữa trị thì dẫn đến các bệnh mạn tính như viêm khớp, thoái hóa khớp, đau thần kinh tọa, nứt, gãy xương sống.
Dục tốc bất đạt
Anh Trọng Kh., 50 tuổi, ở Gò Vấp (TP.HCM), trong một buổi đánh banh thường lệ như hằng tuần bỗng cảm thấy khuỷu tay đau nhói. Nghĩ rằng do căng cơ, anh tự mua thuốc giảm đau uống. Uống được 3 - 4 ngày, thấy đỡ đau, anh tiếp tục ra sân, chơi một hồi thì cảm giác đau lại xuất hiện nên anh nghỉ. Lần này, anh Kh. không ra tiệm thuốc tây nữa mà đến thẳng phòng mạch bác sĩ chuyên về xương khớp khám và mua thuốc giảm đau uống. Nghỉ ngơi được 1 tuần, nhớ sân, nhớ bạn tập, anh lại vác vợt đi. Cứ vậy, đau thì nghỉ chơi, nghỉ được vài bữa hết đau thì tiếp tục chơi, tình trạng đó kéo dài liên tục 2 tháng cho tới khi anh không thể nhấc nổi cánh tay ngay cả trong các hoạt động bình thường thì mới tìm đến bác sĩ y học thể thao cầu cứu.
Trường hợp anh Kh. không phải là hiếm gặp đối với những người chơi tennis. Tương tự anh Kh., anh Trần Minh Ngh., cũng từng bị rách chóp xoay ở vai do chơi tennis quá sức. Theo bác sĩ Tô Minh Châu, Tổng thư ký Hội Y học thể thao TP.HCM, phần lớn chấn thương trong tập luyện và thi đấu tennis đều không quá nặng. Thế nhưng, người chơi vẫn có thể phải hứng chịu những cơn đau dai dẳng nếu không có đủ kiến thức và một số kỹ năng cần thiết.
Một số người chơi vì tâm lý chạy theo phong trào nên tham gia theo kiểu “ăn xổi ở thì”, dễ dãi trong việc chọn giày, vợt không phù hợp với sức đánh, xem nhẹ việc trang bị những kiến thức cơ bản (không chú trọng làm nóng, làm nguội, tập luyện quá sức, sai kỹ thuật...), rất dễ dẫn tới tình trạng chấn thương.
Tennis là môn thể thao đòi hỏi sự vận động phối hợp của cả tay, chân và thân mình. Chấn thương trong bộ môn này thường xảy ra ở vai, thắt lưng và khớp gối, nhưng nhiều nhất vẫn là ở vai, bác sĩ Châu cho biết.
Vì sao chấn thương ?
Có rất nhiều cách để phân loại nguyên nhân chấn thương. Chấn thương ở vai chủ yếu do vai yếu, do đánh sai kỹ thuật hoặc cũng có thể do nhiều nguyên nhân khác. Trong tennis, việc đánh sai kỹ thuật thường ít gặp, nếu có chỉ ở những người mới chơi. Trong khi đó, chấn thương do quá tải mới gặp nhiều. Tình trạng quá tải xuất phát từ những lý do sau: làm nóng và làm nguội không tốt, tập với khối lượng quá lớn, tập quá lâu, tập với đối thủ quá mạnh, vợt quá nặng, tập với thời lượng quá nhiều, tập với cường độ lặp đi lặp lại không cho cơ thể nghỉ ngơi, ngày nào cũng đi tập...
Bên cạnh đó, chấn thương trong tennis cũng có thể do chưa biết cách phối hợp. Một số người khi đánh tại chỗ hoặc đánh trong chuồng thì rất tốt, nhưng khi ra sân thì không đánh được và bị chấn thương ngay. Điều này là do sự phối hợp không đồng bộ giữa phần hông, tay và chân. Ví dụ, hông xoay chưa đúng, bộ chân bước sai, tay đánh rướn, đánh với, đánh sai, chưa có kỹ thuật chạm banh cũng như cách di chuyển trên sân, đoán đường banh, hướng banh, cách khắc chế đối phương, bụng bự quá, giày không đảm bảo chất lượng... - bác sĩ Châu giải thích.
Ngoài ra, theo bác sĩ Tô Minh Châu, nguyên nhân chấn thương rất thường gặp ở những người chơi không chuyên nghiệp, chẳng hạn họ chỉ chơi vì yêu thích, chơi bằng ý chí và chơi vì được rủ rê là chính. Khi đánh với thời lượng và khối lượng không xác định, tức là đánh theo ngẫu hứng và tùy hứng mà hoàn toàn không có chiến lược rất dễ phát sinh chấn thương.
Khi bị chấn thương khớp vai, thông thường người bệnh sẽ cảm thấy có cái gì đó không ổn tại khớp vai trong một tư thế đặc biệt nào đó chứ không phải tư thế nào cũng đau, chính vì vậy mới có tâm lý chủ quan, kéo dài dai dẳng. Ví dụ, tổn thương chóp xoay, trong tư thế bình thường, vai vẫn hoạt động, nhưng khi thực hiện một tư thế nghịch, đặc biệt là tư thế đưa tay lên 135 độ, hoặc tư thế cú giao banh, hay sử dụng cú đánh trái tay thì vai sẽ xuất hiện cảm giác đau buốt.
Làm gì để tránh chấn thương ?
Hiện đang là mùa mưa, để tránh chấn thương không đáng có, cần hạn chế đánh ráng. Vì khi sân ướt, banh thấm nước rất nặng, lực vụt vào khiến banh bay rất nhanh, nên người đỡ lên lưới rất dễ “dính đòn”.
Cách lên lưới cũng là một trong những yếu tố cần cân nhắc trong khi đánh. Theo đó, lên lưới mà tay phản xạ không tốt thì vô cùng nguy hiểm. Khi lên lưới cần phải biết biến chiêu. Người chơi chỉ lên lưới khi thấy mình đủ linh hoạt, còn không thì nên hạn chế, bởi khi chưa biết biến chiêu, banh tới cứ theo phản xạ quơ, đập ầm ầm, mà đập quá tầm, quá đà buộc phải rướn hoặc đánh chưa tới banh, đánh nghịch tay, đánh ở vị trí không thích hợp với cơ thể, thì nguy cơ chấn thương sẽ xảy ra. Vì lẽ đó, với dân quần vợt chuyên nghiệp, khi đến thời điểm quyết liệt hoặc mang tính chất quyết định họ mới lên lưới, bác sĩ Châu cho biết.
Do đó, mấu chốt để tránh chấn thương là chúng ta phải trông chừng lẫn nhau, lắng nghe tiếng nói của cơ thể, điều chỉnh mức độ tập và ham muốn ở mức hài hòa cũng như kiểm tra cơ thể có quá tải không, vì trước khi xảy ra chấn thương bao giờ cơ thể cũng có dấu hiệu quá tải.
Nếu tập thấy phong độ càng lên, vận động càng khỏe, ăn ngon, ngủ ngon thì rất tốt. Nhưng nếu tập mà ngày hôm sau ngủ dậy cảm thấy rã rời, nhịp tim, huyết áp tăng, người mệt mỏi, không sẵn sàng để làm việc thì đó là dấu hiệu cảnh báo cơ thể đang quá tải, cần điều chỉnh lại, và quan trọng là nên đến gặp bác sĩ thể thao để nhận những lời khuyên bổ ích.
Theo bác sĩ Châu, để hạn chế chấn thương, ngay từ đầu phải có thái độ tích cực đối với thể thao. Người chơi phải xác định rõ ràng đến với thể thao là ham thích nhưng tránh thái độ quá khích, biết cách kiểm soát cường độ vận động, thời gian vận động, chiến lược chiến thuật. Thời lượng thích hợp nhất chơi môn quần vợt là khoảng từ 2 - 3 buổi 1 tuần, và tổng thời lượng đánh có thể dao động từ 60 - 120 phút, nhưng tốt nhất là trong khoảng 90 phút. Khi thấy chớm đau, cơn đau lặp lại có tính chất chu kỳ thì nên đi khám ngay, đừng đợi đến lúc cầm vợt không nổi thì mới đến bác sĩ.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.