Trên đỉnh Dốc Kiền

04/07/2021 06:04 GMT+7

Dốc Kiền , từ độ cao năm trăm mét đổ xuống hướng đông bắc theo sườn phía nam của núi Bà Nà, nối dài tuyến giao thông nguy hiểm với những khúc cua ngặt.

Vùng đất phía tây bắc Quảng Nam, giáp giới với Đà Nẵng ấy đang cất giấu nhiều “bí mật”...

Người ở lại dốc Kiền

Gia đình anh Cao Mẫn Thiên có một trang trại nhỏ ở cạnh cây số 43 trên đỉnh Dốc Kiền. Người đàn ông nhỏ thó, đen đúa ấy đã thay đổi cuộc sống ở đô thị, lặn lội đến nhiều công trường rồi định cư hẳn tại đây. Vị cựu học sinh Phan Châu Trinh Đà Nẵng, cựu hướng đạo sinh, cựu thành viên của câu lạc bộ thơ văn Thằng Bờm hồi nhà thơ Nguyễn Vỹ còn làm tờ tuần báo cho lứa tuổi học sinh này ở miền Nam..., trong ánh mắt của người đàn ông sinh năm 1967 này, tôi nhìn thấy ẩn chứa một niềm khát vọng sâu kín...
Trong trái tim nóng bỏng của tuổi 18, anh rời ghế nhà trường và đăng ký vào lực lượng Thanh niên xung phong ngay sau ngày đất nước thống nhất cùng với người yêu, mà sau này là vợ anh, với tất cả hạnh phúc lẫn đắng cay. Rời Thanh niên xung phong sau mấy năm lội suối băng rừng đi khắp các công trường lớn nhỏ, họ quay về thành phố. Thất nghiệp, vợ chồng dắt nhau lên Trung Mang phát rừng làm rẫy. Hết rẫy đến rừng, rồi đào ao nuôi cá, làm vườn nuôi hai đứa con ăn học. Vợ anh còn chăm heo gà, mang cá ra chợ bán và sau này còn đi nấu đám cưới thuê ở khắp xã Ba.
Bây giờ, khu vườn rừng nhà anh có mấy hồ cá rộng, mấy giàn phong lan rừng và hàng chục thùng nuôi cá kiểng. Chung quanh vườn là ao, chuồng nuôi heo gà, cây ăn trái, cỏ chăn nuôi và nhiều loại hoa. Hai căn nhà đơn sơ cho vợ chồng, con cái ngăn nắp đâu vào đó. Sân vườn và lối đi chỗ trồng cỏ xanh mượt, chỗ lát bê tông dẫn ra QL14G trước mặt. Lại có cả wifi luôn mở cho bạn bè truy cập mỗi lúc đến chơi, cũng là phương tiện để cả gia đình tiếp cận với thế giới rộng lớn bên ngoài.
Bạn bè anh Mẫn Thiên ở khắp mọi nơi, từ TP.HCM đến Đà Nẵng. Mỗi dịp đi phượt lên Đông Giang, Tây Giang và các khu du lịch sinh thái trong vùng họ đều ghé lại. Có dịp là hẹn nhau trên mạng để tổ chức các cuộc gặp mặt gia đình Thằng Bờm, Hướng đạo cũ, bạn học cũ ngay tại Trung Mang. Ra về, họ thường được vợ chồng Mẫn Thiên tặng vài giò phong lan, chai mật ong rừng hoặc mấy trái bí... làm kỷ niệm.

Vợ chồng anh Mẫn Thiên với giò phong lan tặng khách

Ký ức những đồi chè

Ở xã Ba phía trên Dốc Kiền có cả con sông Vàng và dòng suối Vàng. Tháng 5, lúc tôi vừa đến chơi, nước bắt đầu cạn, nhiều chỗ có thể lội qua. Đây đó gặp năm ba người dân đi đãi vàng. Mẫn Thiên đưa chúng tôi vào sâu trong rừng để tìm chỗ nghỉ chân, ngắm cảnh và tắm suối. Lúc ăn trưa, anh ngồi với tôi trên một tảng đá lớn và chuyện trò. Anh kể những năm khó khăn cũng đã từng theo chân anh chị em công nhân ở Nông trường chè Quyết Thắng xuống suối đãi vàng kiếm thêm thu nhập mua sữa cho các con, vào rừng đi tìm mật ong mang xuống chợ bán.
Dốc Kiền lúc đó hiểm trở lắm, nhất là những mùa mưa bão trước năm 2000. Xe chở cây, chở gỗ và các xe khách gặp tai nạn chết người thường xuyên. Sau khi mở rộng tỉnh lộ 604, tuy đã giảm độ dốc, nhưng sau những trận mưa lụt từ năm 2005 - 2010, gần đây đất đá lại sạt lở, cắt đứt giao thông từ các huyện Đông Giang, Tây Giang với Đà Nẵng nhiều ngày.
Nông trường Quyết Thắng, trước năm 1973 là cơ sở sản xuất của kháng chiến, gọi là Khu sản xuất Quảng Đà, chuyên trồng các loại cây lương thực và chăn nuôi phục vụ chiến trường. Sau chiến tranh, cùng với việc xây dựng các nông trường quốc doanh của tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng cũ, gần mấy ngàn héc ta đất đồi ở đây chuyển thành Nông trường Quyết Thắng. Từ năm 1978 trở đi, cùng với Nông trường Đức Phú ở Núi Thành, nơi đây chuyển sang chuyên canh chè, với sản phẩm chè Quyết Thắng nổi tiếng.
Những năm đó, tôi làm việc trong ngành nông nghiệp và được phân công ra Phú Bình, Bắc Thái ký hợp đồng mua giống chè mang về trồng ở đây. Tôi lo việc hợp đồng mua bán, còn các kỹ sư trồng trọt phụ trách chọn giống đưa về ươm cây và tổ chức trồng đại trà... Bây giờ, nông trường chỉ còn gần 300 ha và được giao khoán cho công nhân chăm sóc, chế biến các loại chè dưới danh nghĩa một công ty. Chè sản xuất đa dạng hơn để tiêu thụ trong nước và hợp đồng xuất khẩu. Tuy vậy, vùng chè Quyết Thắng ở xã Ba phía trên Dốc Kiền này đang trở nên một điểm du lịch dã ngoại thu hút nhiều du khách vì không khí trong lành, cảnh quan khá đẹp. Nhiều đôi bạn trẻ ở thành phố còn tranh thủ đến đây chụp ảnh cưới.

Những đại thụ vùng cao

Từ trên đỉnh Dốc Kiền, tôi từng mở một cuộc phượt về hướng tây đến thị trấn P’rao và đến thăm làng dân tộc chuyển sang làm du lịch văn hóa Bhờ Hôồng, thăm già làng Briu Prăm, người nổi tiếng với việc phục hưng các giá trị đặc sắc văn hóa Cơtu. Lúc sinh thời, ông đã lội khắp núi rừng, thu hái hàng chục ký hạt kiền kiền để chuyển cho các cơ quan hữu trách làm giống nhằm khôi phục các “rừng gốc” đã tạo nên tên tuổi một vùng rừng nổi tiếng phía tây Đà Nẵng...
Cụ Briu Prăm từng nói: Cái tên Dốc Kiền chính là để nhắc nhở khu rừng kiền kiền nguyên sinh của vùng đất này.
Bhờ Hôồng là một làng gồm 60 hộ đồng bào dân tộc Cơtu thuộc xã Sông Kôn, cạnh xã Ba (H.Đông Giang), được ngành du lịch Quảng Nam phối hợp với một công ty lữ hành tại Hội An đưa vào khai thác du lịch văn hóa sinh thái miền núi từ mấy năm nay. Cựu đại biểu Quốc hội Briu Prăm sau khi nghỉ hưu đã về sống với dân làng cũ và vận động hơn 60 hộ dân trong làng xây dựng lại nhà làng truyền thống (gươl) làm nơi sinh hoạt cộng đồng, khôi phục các ngành nghề truyền thống, sưu tầm và dạy cho lớp trẻ trong làng sử dụng các loại nhạc cụ, hát các điệu hát múa đặc sắc của dân tộc mình.
Lúc đó, tại thôn Gừng ở thị trấn P’rao (H.Đông Giang) cũng có một già làng độc đáo: cụ Atùng Vẻ. Cụ đã mất, nhưng nhiều người Cơtu lớp sau nối tiếp sự nghiệp của cụ, hằng ngày vẫn tiếp tục sưu tầm, phục chế các nhạc cụ và những làn điệu dân ca dân tộc Cơtu. Vài chục năm trước, cụ Atùng Vẻ từng đi bộ đến các bản làng xa, thậm chí qua tận vùng giáp biên với huyện Nam Đông - A Lưới (Thừa Thiên-Huế), ở lại các bản làng nhiều ngày để thu thập những kiến thức, giá trị đã mai một... Ông từng nói với tôi: “Mình lo sợ bọn trẻ bây giờ cứ ra ngồi mấy quán cà phê dọc đường Hồ Chí Minh nghe tân nhạc mà quên mất truyền thống cha ông...”. Trong gươl của làng Gừng những khi chưa có dịch, bao giờ cũng đông khách. Các nghệ nhân biểu diễn nhiều loại nhạc cụ, những vũ điệu tung tung za zá, những bài hát lý... cuốn hút du khách. Nhiều nhà nhiếp ảnh nổi tiếng trong nước và nước ngoài đã dừng lại đây để sáng tác.
Nối tiếp sự nghiệp của những đại thụ vùng cao như Priu Prăm và Atùng Vẻ, lớp hậu duệ người Cơtu ở phía trên Dốc Kiền đã làm sáng danh các làng bản vùng cao. Họ muốn làng Gừng, làng Bhờ Hôồng tĩnh lặng thuở nào sớm “hòa nhập” vào không gian đặc trưng của vùng chè xanh mượt ở xã Ba, các danh thắng tự nhiên để tạo thành vùng du lịch đặc thù ở Đông Giang. Vùng đất này nối tiếp các khu du lịch phía dưới Dốc Kiền, như làng trái cây Nam bộ, khu du lịch trượt nước... tạo ra một vùng du lịch sinh thái sinh động cho phía tây Đà Nẵng.
***
Khi chia tay gia đình anh Mẫn Thiên, tôi dừng lại cái quán tạp hóa nhỏ của cô Xí Muội, người con gái Cơtu đã bôn ba nhiều nơi trước khi quay về làng Trung Mang. Chỉ nửa tiếng ngồi uống cà phê, bên ngoài QL14G lúc xế chiều đã thấy hàng chục chuyến xe du lịch đời mới lên xuống... Xí Muội nói đi đâu cũng không bằng về quê. “Đất Trung Mang, Dốc Kiền, xã Ba bây giờ đắt lắm, như lô đất cháu đang làm quán chỉ rộng 7 m, sâu 30 m nay đã có giá trên một tỉ đồng rồi! Nhưng đây là đất của cha mẹ nên không bán!”, Xí Muội kể.
Tôi chưa biết giá đó có đúng sát thị trường đất đai ở đây không, nhưng rõ ràng cuộc sống đã thay đổi khá nhanh kể từ năm vợ chồng anh Mẫn Thiên rời thành phố lên đỉnh Dốc Kiền lập nghiệp. “Nhiều gia đình từ Đà Nẵng cũng lên đây mua đất làm chỗ nghỉ, mở trang trại, tìm nơi hít thở không khí trong lành... thì dại gì mình đi đâu!”, anh quả quyết.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.