Trí thức trẻ khuyến nghị: Muốn chuyển đổi số cần '4 chung'

Vũ Thơ
Vũ Thơ
26/11/2021 17:14 GMT+7

Tại Diễn đàn Trí thức trẻ Việt Nam toàn cầu lần thứ 4, các đại biểu cho rằng, muốn chuyển đổi số cần 4 giải pháp chung: dịch vụ chung, tiêu chuẩn chung, hạ tầng chung và nhận thức chung.

Chiều 26.11, Diễn đàn Trí thức trẻ Việt Nam toàn cầu lần thứ 4 về “Phát huy trí thức trẻ Việt Nam trong công cuộc chuyển đổi số quốc gia” đã diễn ra phiên bế mạc, với sự tham dự của anh Nguyễn Ngọc Lương, Bí thư T.Ư Đoàn, Chủ tịch Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam.

Trong 2 phiên thảo luận chiều 25 và sáng 26.11, các đại biểu tham dự diễn đàn đã tích cực trao đổi, đưa ra các đề xuất, các cơ chế, chính sách phát huy trí thức trẻ Việt Nam chủ động, nỗ lực cống hiến, đóng góp cho sự nghiệp đổi mới sáng tạo của đất nước.

Phát triển hệ thống giáo dục số quốc gia

Ở chủ đề "Nghiên cứu - sáng tạo", đã thu hút 43 nhà khoa học trẻ. Các chuyên gia đưa ra kiến nghị trong nghiên cứu cơ bản phục vụ phát triển khoa học công nghệ, cần tăng cường và phát huy liên kết nghiên cứu liên ngành, đa lĩnh vực giữa các trường, viện nghiên cứu và doanh nghiệp. Trong đó, cần chọn lựa công nghệ cao, khả thi trong điều kiện Việt Nam; tiếp nhận và chuyển giao công nghệ giữa các nước…

Trong ứng dụng khoa học công nghệ cần tối ưu hóa và nâng cao hiệu quả sản xuất bền vững như: ứng dụng công nghệ in 3D vào cuộc sống; tăng năng suất canh tác thông qua việc ứng dụng của công nghệ.

Các đại biểu thảo luận tại diễn đàn

đăng Hải

Đặc biệt, các nhà khoa học kiến nghị cần sớm xây dựng hành lang pháp lý; xây dựng công cụ ứng dụng công nghệ thông tin trong y tế (AI, telehealth…) của các cá nhân tham gia ở nhiều cấp độ. Dữ liệu cần được liên thông, thống nhất, đồng nhất và quan trọng nhất được chia sẻ, ủng hộ của nhiều bên liên quan, dễ dàng cho tiếp cận trong việc sử dụng nghiên cứu.

Đồng thời, nhóm kiến nghị tạo ra hệ sinh thái hoàn chỉnh trong phát triển bền vững con người, hướng tới việc giáo dục định hướng thanh thiếu niên, tạo ra đam mê nghiên cứu, định hướng sau này. Muốn vậy, cần tạo ra môi trường giáo dục chủ động: chủ động học, thực hành và tìm kiếm tri thức có chọn lọc; phát triển hệ thống giáo dục số quốc gia, nơi toàn bộ học sinh, sinh viên, người đi làm có thể học tập, nghiên cứu, trao đổi kiến thức... đồng thời, được công nhận những kết quả, chứng chỉ đã đạt được.

Tại nhóm thảo luận về chủ đề “Ứng dụng và chuyển giao”, các chuyên gia đưa ra giải pháp 4 chung về chuyển đổi số gồm: nhận thức chung, hạ tầng chung, tiêu chuẩn chung và dịch vụ chung.

Trí thức trẻ hiến kế về việc thực hiện chuyển đổi số quốc gia

đăng hải

Nhóm đã kiến nghị cần ban hành bộ tiêu chuẩn chung dịch vụ cho ngành, vùng, đảm bảo tính liên thông, đồng bộ; xây dựng dịch vụ số lấy con người làm trung tâm, đúng nhu cầu, thân thiện và dễ sử dụng. Đồng thời, cần thống nhất nhà nước quản lý hạ tầng cơ sở dữ liệu, phân quyền khai thác theo ngành, vùng, địa phương…

Khát khao được đóng góp nhiều hơn cho đất nước

Phát biểu tại phiên bế mạc diễn đàn, anh Nguyễn Ngọc Lương cho biết sau 2 ngày làm việc tích cực, sôi nổi, hiệu quả, diễn đàn đã phát huy tiềm năng, chất xám, trí tuệ của các đại biểu trí thức trẻ tham dự, tập trung thảo luận, đưa ra các giải pháp và đề xuất, khuyến nghị vào 4 nhóm chủ đề gồm: nghiên cứu - sáng tạo; ứng dụng và chuyển giao; kết nối; phát triển.

Đã có 32 tham luận, 36 ý kiến phát biểu, 19 đề xuất, khuyến nghị và 2 dự án đăng ký, góp phần tham gia thực hiện hiệu quả chương trình Chuyển đổi số quốc gia của Chính phủ.

Anh Nguyễn Ngọc Lương phát biểu tại diễn đàn

đăng hải

“Chúng tôi cho rằng, các nhóm chủ đề được trảo luận đều mang tính thời sự, cấp thiết trong bối cảnh phát triển kinh tế - xã hội, bối cảnh thúc đẩy công cuộc chuyển đổi số của nước ta, đòi hỏi cần có sự gắn kết chặt chẽ giữa phát triển nhanh với phát triển bền vững.

Qua báo cáo kết quả thảo luận 4 nhóm chủ đề vừa được trình bày, chúng ta có thể thấy rằng các đại biểu đã thể hiện tinh thần trách nhiệm cao, sự sáng tạo, hiệu quả trong nghiên cứu khoa học, thể hiện sự tâm huyết thông qua các ý kiến góp ý, các đề xuất, khuyến nghị cụ thể”, anh Lương đánh giá.

Ban tổ chức trao bằng khen của T.Ư Đoàn cho các cá nhân tiêu biểu có nhiều đóng góp cho thành công của diễn đàn

đăng hải

Anh Lương cho biết, các đại biểu tham dự diễn đàn đã đề xuất các giải pháp biến các ý tưởng, sáng kiến, nghiên cứu về chuyển đổi số thành các dự án, sản phẩm thực tế, hướng đến phát triển kinh tế - xã hội đất nước trong thời kỳ mới; hình thành các định hướng ưu tiên trong nghiên cứu và ứng dụng chuyển đổi số vào thực tiễn.

“Thông qua các hoạt động diễn đàn, chúng ta có thể cảm nhận được sự khát khao mong muốn được đóng góp nhiều hơn cho sự phát triển quê hương, đất nước với những đề tài, nghiên cứu, hoạt động thiết thực, có tính khả thi cao. Đồng thời, diễn đàn đã thực sự là nơi để các bạn trí thức trẻ có điều kiện tiếp cận, gặp gỡ, chia sẻ lẫn nhau, cùng nhau đưa ra các thuận lợi, khó khăn, thách thức và cùng nhau tìm kiếm các giải pháp để thúc đẩy sự phát triển của đất nước. Diễn đàn đã góp phần mở rộng hơn nữa Mạng lưới Trí thức trẻ Việt Nam toàn cầu”, anh Lương nhấn mạnh.

Đồng thời, anh Lương cho biết, ban tổ chức sẽ tổng hợp các ý kiến của đại biểu, xây dựng thành bản báo cáo gửi tới lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chính phủ và các cơ quan chức năng có liên quan.

Diễn đàn Trí thức trẻ Việt Nam toàn cầu lần thứ 4, năm 2021 do T.Ư Đoàn tổ chức với sự phối hợp, hỗ trợ của Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài, Bộ TT-TT, Bộ KH-ĐT, Bộ KH-CN và các đơn vị liên quan.

Diễn đàn có các đơn vị tài trợ: Ngân hàng Thương mại CP công thương Việt Nam (Vietinbank); các đơn vị đồng hành là Công ty CP Smart Hub, Trung tâm Đổi mới sáng tạo quốc gia (NIC), Cơ quan Phát triển quốc tế Mỹ (USAID).

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.