Sáng 7.12, HĐND TP.HCM khai mạc kỳ họp thứ 8 (kỳ họp thường kỳ cuối năm).
Phát biểu khai mạc kỳ họp, Chủ tịch HĐND TP.HCM Nguyễn Thị Lệ cho biết kỳ họp sẽ xem xét, cho ý kiến và quyết định nhiều nội dung quan trọng.
Cụ thể, các đại biểu tập trung đánh giá tình hình kinh tế - văn hóa - xã hội và quốc phòng an ninh; xem xét thông qua các nghị quyết liên quan đến các lĩnh vực kinh tế, đô thị, văn hóa - xã hội, giáo dục, y tế, biên chế - tổ chức trong những năm tới.
Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên trao đổi với đại biểu trước khi khai mạc kỳ họp |
nhật thịnh |
Gần 20 năm mỏi mòn chờ rạch Xuyên Tâm - con kênh bẩn nhất Sài Gòn - hồi sinh |
Một nội dung quan trọng khác là xem xét điều chỉnh, bổ sung kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025 nguồn vốn ngân sách địa phương. Đặc biệt, kỳ họp sẽ xem xét nhiều dự án cấp bách: triển khai đường cao tốc TP.HCM - Mộc Bài; quyết định chủ trương đầu tư dự án nạo vét, cải tạo môi trường, xây dựng hạ tầng rạch Xuyên Tâm (từ kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè đến sông Vàm Thuật); điều chỉnh chủ trương đầu tư sửa chữa, trùng tu một số di tích, trường học...
Chủ tịch HĐND TP.HCM thông tin kỳ họp sẽ xem xét, thông qua dự án cao tốc TP.HCM - Mộc Bài và cải tạo rạch Xuyên Tâm |
nhật thịnh |
Kỳ họp cũng sẽ cho ý kiến về hệ số điều chỉnh giá đất năm 2023 trên địa bàn; thông qua danh mục dự án thu hồi đất để phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng; dự án chuyển mục đích đất trồng lúa trên địa bàn TP.
Về lĩnh vực văn hóa xã hội, kỳ họp xem xét thông qua chính sách hỗ trợ giáo dục đối với trẻ mầm non, học sinh, học viên cao học và nghiên cứu sinh người dân tộc thiểu số tại TP.HCM giai đoạn 2022 - 2025. Các chính sách đặc thù về củng cố, nâng cao năng lực Trạm Y tế phường, xã, thị trấn đến năm 2025…
Về công tác chất vấn và trả lời chất vấn, dự kiến kỳ họp sẽ chất vấn Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi, Sở Công thương và Chủ tịch UBND Q.6 nhằm làm rõ nội dung, kết quả đạt được, tiếp tục thúc đẩy việc thực thi nhiệm vụ của các cơ quan quản lý nhà nước trong thực hiện chính quyền đô thị.
Dự kiến kỳ họp cuối năm sẽ chất vấn Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi về tổ chức chính quyền đô thị |
nhật thịnh |
Về công tác chất vấn và trả lời chất vấn, dự kiến kỳ họp sẽ chất vấn Chủ tịch UBND TP.HCM, Giám đốc Sở Công thương và Chủ tịch UBND Q.6 nhằm làm rõ nội dung, kết quả đạt được, tiếp tục thúc đẩy việc thực thi nhiệm vụ của các cơ quan quản lý nhà nước trong thực hiện chính quyền đô thị.
Chủ tịch HĐND TP.HCM đánh giá những nghị quyết được thông qua tại kỳ họp lần này đóng vai trò quan trọng trong sự phát triển kinh tế - xã hội năm 2023 và nhiều năm tới, tác động trực tiếp đến đời sống của người dân thành phố.
Kỳ họp cuối năm của HĐND TP.HCM diễn ra trong 3 ngày, kéo dài đến ngày 9.12.
Dự án đầu tư xây dựng đường cao tốc TP.HCM-Mộc Bài được UBND TP.HCM trình HĐND TP tại kỳ họp thứ 8 HĐND Khóa X.
Dự án xây dựng cao tốc TP.HCM dự kiến có điểm đầu bắt đầu từ đường Vành Đai 3 thuộc H.Củ Chi, TP.HCM, điểm cuối kết nối vào Quốc lộ 22 khu vực cửa khẩu Mộc Bài (Tây Ninh).
Theo quy hoạch, mặt cắt ngang đoạn qua địa phận TP.HCM có 8 làn xe, đoạn còn lại trên địa phận tỉnh Tây Ninh có 6 làn xe. Chiều dài toàn tuyến khoảng 50 km, trong đó đoạn qua TP.HCM khoảng 23,7 km; đoạn qua địa phận tỉnh Tây Ninh khoảng 26,3 km. Thời gian thực hiện dự án giai đoạn 1 dự kiến năm 2022-2027.
Dự án được đầu tư theo phương thức đối tác công tư (BOT), nhà đầu tư thu phí hoàn vốn theo hợp đồng BOT. nhà nước hỗ trợ chi phí bồi thường giải phóng mặt bằng từ nguồn vốn từ ngân sách của TP.HCM và Tây Ninh.
Dự kiến tổng mức đầu tư giai đoạn 1 khoảng 16.729 tỉ đồng, trong đó chi phí xây dựng 6.355 tỉ đồng; chi phí bồi thường giải phóng mặt bằng ở địa bàn TP.HCM 5.901 tỉ đồng, tỉnh Tây Ninh 1.532 tỉ đồng; chi phí khác 2.941 tỉ đồng.
Dự án nạo vét, cải tạo môi trường, xây dựng hạ tầng rạch Xuyên Tâm (từ kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè đến sông Vàm Thuận) Q.Bình Thạnh, Q.Gò Vấp do Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng hạ tầng đô thị TP làm chủ đầu tư. Tổng vốn thực hiện dự kiến trên 9.600 tỉ đồng. Nguồn vốn đầu tư dự án trích từ ngân sách TP, thời gian thực hiện dự kiến từ 2023-2028. Cụ thể, giai đoạn 2021-2025 bố trí 6.649 tỉ đồng để chi trả tiền bồi thường, giải phóng mặt bằng trên địa bàn Q.Bình Thạnh và Q.Gò Vấp; sau đó lập dự án, thiết kế bản vẽ và khởi công dự án. Giai đoạn 2026-2028 bố trí 3.015 tỉ đồng để tổ chức thi công, quyết toán dự án.
Dự kiến Q.Gò Vấp sẽ giao mặt bằng triển khai thi công vào tháng 8.2024, Q.Bình Thạnh bàn giao mặt bằng để triển khai thi công từ tháng 4.2025.
Bình luận (0)