Trở về bến cũ

19/02/2021 09:49 GMT+7

Mỗi con phố Hà Nội đều có sử tích riêng mà thế hệ sau cần tìm hiểu. Yêu lắm khu phố của tôi, Hà Nội của tôi.

Đây Hale, kia hồ Tây

Tôi may mắn được sinh ra trên phố Nguyễn Du rất đẹp gần hồ Hale (nay là hồ Thiền Quang). Khi lớn lên, trong khuôn viên bán đảo của hồ có Nhà văn hóa Thanh niên, nay là Nhà văn hóa Học sinh sinh viên. Thập niên 1970, tôi học lớp đào tạo bí thư, phó bí thư chi đoàn ở đây, sau đó học tiếp lớp cán sự đoàn, rồi lớp tổng đội phụ trách thiếu nhi.
Sau khi cậu tôi qua đời, mợ tôi đưa hai chị em tôi về sống chung với ông bà ở khu Trúc Bạch. Ngôi nhà tôi ở kiểu Pháp có 2 tầng, mỗi tầng cao 6 mét. Lưng ngôi nhà là hồ Trúc Bạch, đứng trên sân thượng nhìn lướt qua hồ thấy đường Cổ Ngư rất rõ, có cảm giác nhận ra cả người quen xuất hiện trên đường này, nay là đường Thanh Niên.
Từ nhà tôi đi qua phố Phó Đức Chính là tới đầu dốc đường Thanh Niên, nhà thuyền Hồ Tây ở ngay bên tay phải. Ngày bé, tôi thường theo cậu tôi và em trai tôi mang theo cái chai lấy nước Hồ Tây để đổ dế ở gần chùa Trấn Quốc. Khi về, chúng tôi không trở lại đường cũ mà thong dong hết đường Thanh Niên. Thỉnh thoảng tôi dừng chân ở gốc cây đa nhặt búp đa phùng má thổi, mặc cho người cậu và em trai thỉnh thoảng giục “nhanh lên”.
Qua đền Quán Thánh nghe tiếng leng keng chuông tàu điện, nhưng khi tàu dừng thì ba cậu cháu không lên tàu ngay mà chờ chuyển bánh rồi nắm tay vịn nhảy lên, bọn trẻ chúng tôi “thích thế”. Ông bán vé làu bàu “con gái mà cũng nhảy tàu”. Cái tính nghịch ngợm “thích thế” thì đành gãi đầu chịu nghe mắng.
Gần nhà tôi là phố Đặng Dung đi ra phố Phan Đình Phùng, mùa hè hoa sấu rụng trắng như tuyết, mùa thu lá rụng trải vàng lối đi. Và đây, nhà thờ Cửa Bắc do người Pháp xây dựng từ năm 1861 gọi là nhà thờ Đức mẹ Hà Nội. Khi còn trẻ, vào mùa đông, tôi và bạn gái thường đạp xe dạo quanh đây, thỉnh thoảng gặp đạo diễn, nhà thơ Phan Vũ mặc ba đờ xuy (pardessus) thả từng bước trên phố Phan Đình Phùng và Nguyễn Biểu, vì nhà Phan Vũ ở phố Hàng Bún, đôi lần chúng tôi hỏi thăm nhau. Sau này bài thơ Hà Nội phố của anh ra đời tôi mới hiểu lý do anh trầm tư trên phố vắng và biết anh có biệt tài làm thơ.
Buổi sáng mùa hè đi trên phố Hoàng Diệu thấy vỏ ve sầu lột xác rất nhiều dưới gốc cây xà cừ, buổi trưa là chúng dạo lên “tình ca ve sầu” không bổng không trầm rất êm tai. Rẽ phải vào phố Tôn Thất Đàm là đến lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh, khi các em và các cháu tôi còn nhỏ thường cùng tôi đến quảng trường Lăng vui chơi vào các buổi tối.

Ngày bé, tôi thường theo cậu tôi và em trai tôi mang theo cái chai lấy nước Hồ Tây để đổ dế...

Ảnh Lưu Quang Phổ

Khu phố xưa gần Lăng Bác

Hình ảnh “khi xưa ta bé” là sau ngày thủ đô giải phóng, mợ tôi may cho cái áo dài gấm màu tím cẩm rồi cho hai chị em đi xích lô ra khu vườn phía sau quảng trường Ba Đình chụp ảnh, tôi chỉ cười chúm chím vì sún hai cái răng cửa.
Thời tiểu học, tôi học trong trường Nguyễn Trãi, số 67 phố Cửa Bắc (nay là Trường THPT Phan Đình Phùng) trong địa phận khu Trúc Bạch. Đợt bầu cử Quốc hội khóa 2, tổ bầu cử số 52 đặt hòm phiếu tại trường Nguyễn Trãi. Ngày 8.5.1960, Bác Hồ đã thực hiện quyền công dân của mình đến đây bỏ phiếu, 8 năm sau Bác còn nhiều lần là cử tri của khu Trúc Bạch, Ba Đình. Vào một ngày xuân, học sinh chúng tôi đã được Bác cho phép vào tham quan Phủ Chủ tịch và ăn kẹo tết của Bác. Sau này, dù đi đâu xa nhà, ở đâu xa quê hương, những kỷ niệm này đã trở thành son sắt.
Thập niên 1980, tôi sống và làm việc ở TP.HCM, cuối năm nào cũng về Hà Nội và không quên tới Lăng Bác thưởng ngoạn hoa đào. Gần đây nhất là tết Kỷ Hợi 2019, rất may dịp tết chưa bị dịch Covid-19, vợ chồng tôi từ Đức trở lại thăm Lăng Hồ Chủ tịch và khu vườn của Bác. Ông Becker, chồng tôi, luôn mỉm cười trước một màu xanh thanh tịnh, nhà sàn khiêm tốn. Cánh gió lao xao những rặng cây như chào đón du khách quốc tế đang đến và đón nhận tình yêu của những đứa con xưa về thăm Người. Quay trở ra thấy đàn cá trong ao đang tung tăng đùa giỡn, lối nhỏ ôm quanh ao cá hữu duyên vương vấn bước chân bao cảm xúc.
Nhiều du khách dừng chân bên thành cầu chụp ảnh đàn cá thân thiện, chỉ chừng trăm mét nữa thôi tạm biệt khu vườn nhiều chủng loại cây đã từng được bàn tay vun xới và in dấu chân của Bác. Ngoài kia, trước lăng của Người, gió thiêng mềm như lụa trên ngọn cờ đỏ bay hoài không mệt mỏi vẫy chào vạn vật. Vọng về từ thinh không lời ca “Hôm nay đứng bên người, con xin khắc sâu lời người trọn đời thủy chung”…
Năm nay đã là hai cái tết chỉ vì Covid-19 mà chưa về thăm quê hương. Lúc này nhớ lại bồi hồi ứa nước mắt.
Mỗi con phố Hà Nội đều có sử tích riêng mà thế hệ sau cần tìm hiểu. Tôi chỉ đủ thời gian kể về những con phố trong Q.Ba Đình gần nhà tôi, là nơi Bác Hồ chọn làm lễ đọc Tuyên ngôn độc lập khai sinh nước Việt Nam dân chủ cộng hòa.
Yêu lắm khu phố của tôi, Hà Nội của tôi.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.