Chiều 18.12, trao đổi với PV Thanh Niên, ông Phạm Xuân Tiến, Phó giám đốc Sở GD-ĐT Hà Nội, cho biết các mùa đông năm trước, Sở GD-ĐT Hà Nội có quy định khi nhiệt độ dưới 10 độ C , học sinh tiểu học và trẻ mầm non sẽ được nghỉ học; từ 7 độ C trở xuống học sinh THCS được nghỉ học.
Nhiệt độ chuẩn được xác định theo bản tin dự báo thời tiết trên Đài truyền hình Việt Nam lúc 6 giờ 15 phút.
Tuy nhiên, theo ông Tiến, quy định này trong thời gian gần đây đã nhận được phản ánh từ chính phụ huynh học sinh và các nhà trường là không còn thực sự phù hợp. Nhiều phụ huynh học sinh cho rằng, thời tiết trong bản tin lúc 6 giờ có thể là dưới 10 độ, nhưng chỉ sau 1 - 2 tiếng nền nhiệt đã tăng lên trên 10 độ C và rất khô ráo. Do vậy, không nhất thiết phải cho học sinh nghỉ học.
“Việc cho học sinh nghỉ học ở nhà trong khi bố mẹ vẫn phải đi làm, không ai ở nhà trông con đã khiến sinh hoạt, công việc của nhiều gia đình xáo trộn, thậm chí phải đưa con đến công sở. Điều đó khiến việc trẻ được nghỉ học để tránh rét không còn ý nghĩa”, ông Tiến nói.
Ông Tiến cũng cho biết, Sở GD-ĐT Hà Nội đã lấy ý kiến các phòng GD-ĐT; cơ sở giáo dục về quy định cho học sinh nghỉ học vào mùa đông áp dụng trong nhiều năm qua, nhiều ý kiến cho rằng: nếu nhiệt độ hạ thấp từ 10 độ C trở xuống nhưng không kèm theo mưa gió, vẫn nên cho học sinh đến trường, phụ huynh chú ý mặc đủ ấm cho con em mình. Điều này vừa giúp các gia đình không bị xáo trộn khi con phải nghỉ học bất ngờ, vừa đảm bảo tiến độ chương trình giáo dục của các nhà trường, học sinh không phải học bù, học dồn ép do nghỉ học kéo dài.
Do vậy, theo ông Tiến, dự kiến từ mùa đông năm nay, khi bản tin dự báo thời tiết lúc 6 giờ 15 của Đài truyền hình Việt Nam dự báo nhiệt độ xuống dưới 10 độ C cũng không có nghĩa học sinh tiểu học và mầm non của Hà Nội sẽ nghỉ học như các năm trước. Trong trường hợp thời tiết diễn biến khắc nghiệt, ví dụ nhiệt độ xuống quá thấp hoặc kèm theo mưa, Sở GD-ĐT Hà Nội sẽ xin ý kiến của UBND thành phố và có hướng dẫn cụ thể.
Đi học muộn hơn, không bắt buộc mặc đồng phục
Ông Phạm Xuân Tiến cũng khẳng định, yêu cầu đặt ra là các trường phải chuẩn bị cơ sở vật chất thật tốt để đảm bảo sức khỏe cho học sinh trong những ngày rét lạnh kéo dài; các trường cần điều chỉnh thời gian học sao cho học sinh không phải đến trường quá sớm vì chỉ cần bắt đầu giờ học muộn hơn 30 - 60 phút là nền nhiệt đã tăng lên đáng kể và học sinh được ngủ thêm một chút, không phải dậy quá sớm.
Về chương trình học, ông Tiến cũng nhấn mạnh lại yêu cầu các đơn vị, nhà trường không tổ chức các hoạt động tập trung học sinh ngoài trời trong những ngày rét đậm, rét hại.
Trước đó, Sở GD-ĐT Hà Nội đã có văn bản gửi phòng GD-ĐT các quận, huyện và các đơn vị trực thuộc về việc đảm bảo sức khỏe và phòng, chống rét cho học sinh.
Theo đó, Sở này yêu cầu để đảm bảo các điều kiện về cơ sở vật chất, các trường cần kiểm tra và sửa chữa kịp thời các phòng học, phòng học chức năng, phòng bán trú, phòng ăn... đảm bảo tránh gió lùa, đủ ánh sáng và giữ ấm cho học sinh. Đặc biệt, các trường mầm non cần có nước ấm để chăm sóc và phục vụ các cháu.
Văn bản của Sở GD-ĐT nêu rõ: “Không tổ chức các hoạt động tập trung học sinh ngoài trời trong những ngày rét đậm, rét hại; phối hợp cha mẹ học sinh quan tâm, nhắc nhở học sinh mặc đủ ấm; không bắt buộc học sinh phải mặc đồng phục trong những ngày giá rét”.
Đáng chú ý, Sở GD-ĐT yêu cầu trong những ngày rét đậm, căn cứ điều kiện thời tiết mỗi vùng, các trường có thể điều chỉnh thời gian học, sao cho học sinh không phải đến trường quá sớm. Trường hợp học sinh đến muộn vì lý do thời tiết, cần giải quyết để học sinh không phải nghỉ học.
Bình luận