Trọng dụng nhân tài là vấn đề then chốt
Theo số liệu của Ủy ban Nhà nước về người Việt ở nước ngoài, trí thức người Việt ở Mỹ có 200.000 người, chiếm đến một nửa tổng số trí thức người Việt ở nước ngoài. Trong đó, 55% trình độ đại học hoặc tương đương, 23% trình độ thạc sĩ, cao hơn tỷ lệ trung bình ở Mỹ, 10% là tiến sĩ.
Do đó, ông Hà Kim Ngọc cho biết, có rất nhiều Việt kiều là trí thức có tên tuổi ở Mỹ, nhất là trong những lĩnh vực khoa học, kỹ thuật cơ bản, vật lý, vũ trụ, công nghệ thông tin... Có nhiều người đã được vinh danh trong thời gian qua.
Đại sứ Việt Nam tại Mỹ Hà Kim Ngọc |
đậu tiến đạt |
Đại sứ nhấn mạnh đây là nguồn tài nguyên, nguồn lực rất lớn, có thể huy động để đóng góp cho sự phát triển của đất nước và các địa phương. Vừa qua, đã có nhiều trí thức về nước để hợp tác, đào tạo, giáo dục và khởi nghiệp.
Tuy nhiên, theo Đại sứ Hà Kim Ngọc, đây chỉ là bước khởi đầu. Tiềm năng còn rất lớn, nên chúng ta cần tiếp tục huy động nguồn lực này để đóng góp cho đất nước.
Đại sứ Hà Kim Ngọc cũng chia sẻ câu chuyện khi ông gặp ông Kendrick Nguyễn, một doanh nhân gốc Việt nổi tiếng tại Mỹ về lĩnh vực đầu tư bán lẻ và blockchain với giá trị hơn 1 tỉ USD. Kendrick cho biết công ty của ông có thể đầu tư vào Hàn Quốc, Đài Loan, Brazil, nhưng ông vẫn muốn về quê hương Việt Nam.
Ông Ngọc nhấn mạnh, lý do đầu tiên để những trí thức và các công ty khởi nghiệp của người Việt muốn trở về Việt Nam là vì họ muốn đóng góp cho quê hương của mình.
Bên cạnh những câu chuyện thành công như trên, ông Ngọc cho biết đã có nhiều câu chuyện trí thức gặp khó khăn khi về Việt Nam làm việc, và lúc trở về Mỹ đã nói với ông: “Chúng em không được sử dụng như những trí thức trong nước hay nước ngoài, dù chúng em có trình độ không kém gì họ, thậm chí còn hơn”.
Vì vậy, để hiện thực hóa và tận dụng các nguồn lực trên thì cần cơ chế chính sách trong nước, để họ có môi trường làm việc hấp dẫn, có đủ phương tiện để làm việc. Và điều quan trọng là phải trọng dụng nhân tài đó.
“Đây là vấn đề mà trong hội nghị tôi cũng có kiến nghị, đặc biệt các địa phương phải có chính sách cụ thể, phát huy thế mạnh của địa phương mình, xuất phát từ nhu cầu của mình để có chế độ ưu đãi cho trí thức và doanh nghiệp Việt kiều”, Đại sứ Hà Kim Ngọc chia sẻ.
Lấy ví dụ về thu hút tri thức nước ngoài về nước đóng góp trong lịch sử, Đại sứ Hà Kim Ngọc nhắc lại câu chuyện sau Cách mạng tháng 8 Bác Hồ đã thu hút được nhiều đại trí thức về nước, như Trần Đại Nghĩa, Lương Định Của…
“Người ta sẵn sàng từ bỏ địa vị giàu sang để về đồng cam cộng khổ với đồng bào trong nước thì mình phải trọng dụng họ”, Đại sứ Hà Kim Ngọc nói, và cho rằng đó mới là vấn đề then chốt.
Tạo thêm điều kiện cho trí thức trẻ từ nước ngoài về Việt Nam
Đại sứ Việt Nam tại Mỹ cũng chia sẻ các kiến nghị về việc trọng dụng nhân tài Việt kiều về nước làm việc. Thứ nhất, các cơ quan T.Ư phải đưa ra những biện pháp rất thiết thực, hiệu quả để thu hút kiều bào trí thức.
Ông Ngọc cũng góp ý thêm về cơ chế tiếp nhận, xử lý, phản hồi những sáng kiến, khuyến nghị của kiều bào. Theo ông, mỗi một cuộc gặp có nhiều khuyến nghị, sáng kiến của kiều bào được nêu ra, nhưng sau đó các cơ quan trong nước có thể bận chưa phản hồi xem đã vận dụng những kiến nghị đó như thế nào, khiến các trí thức kiều bào có cảm giác là những sáng kiến của họ chưa được tận dụng đúng mức. Điều đó chưa tạo được động lực để họ tiếp tục cống hiến.
"Như con ong đi kiếm mật, người thụ hưởng phải trân trọng nó", Đại sứ Hà Kim Ngọc nhấn mạnh.
Về phía các địa phương, cần làm 3 việc: tạo ra môi trường, cơ sở hạ tầng và chế độ chính sách, để khuyến khích và trọng dụng nhân tài. Bên cạnh đó, phải tập trung vào những lĩnh vực của thời đại, như công nghệ cao, đổi mới. Các địa phương nếu đầu tư vào những cái mới đó sẽ phát huy được sở trường của các trí thức kiều bào, tạo ra môi trường thực sự hấp dẫn để họ về đây.
Hợp tác với Mỹ để Việt Nam trở thành trung tâm sản xuất vắc xin, thuốc điều trị và trang thiết bị y tế
Về vấn đề hợp tác y tế giữa 2 nước, Đại sứ Hà Kim Ngọc cho biết, hướng ưu tiên sắp tới là hợp tác với Mỹ để Việt Nam trở thành trung tâm sản xuất vắc xin, thuốc điều trị, và trang thiết bị y tế.
Đại sứ cho biết, "trong giai đoạn dịch bùng phát ở TP.HCM, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long trực tiếp gọi điện cho chúng tôi đề nghị đàm phán mua máy thở. Đó là những cái chúng ta rất cần".
Trong chuyến thăm Việt Nam của Phó tổng thống Mỹ Kamala Harris vào tháng 8 vừa qua, phía Mỹ khai trương văn phòng khu vực của CDC (Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh) tại Hà Nội. Theo Đại sứ Hà Kim Ngọc, đây cũng là một bước ngoặt rất quan trọng.
Sử dụng vắc xin Pfizer tại Việt Nam |
đậu tiến đạt |
Thời gian vừa qua, hai nước hỗ trợ lẫn nhau. Từ tháng 4.2020, Việt Nam trợ giúp Mỹ thiết bị và vật phẩm y tế, giờ tới lượt Mỹ trợ giúp Việt Nam về vắc xin, tới nay là 24,5 triệu liều. Đồng thời, phía Mỹ cũng đánh giá rất cao Việt Nam đã sử dụng hiệu quả nguồn vắc xin do Mỹ tài trợ.
Đại sứ Hà Kim Ngọc cho rằng, đây là nền tảng rất tốt để chúng ta thúc đẩy hợp tác trong tương lai, nhưng quan trọng nhất vẫn là tự chủ về vắc xin.
Bình luận (0)