Quân đoàn Pháo binh số 2 (Đệ nhị pháo binh - tức Lực lượng tên lửa chiến lược) là đơn vị bí mật nhất của Quân giải phóng nhân dân Trung Quốc (PLA), phụ trách tên lửa quy ước và hạt nhân. Đây là một trong bốn quân chủng của PLA, cùng với hải quân, lục quân và không quân.
Các sĩ quan tại Quân đoàn Pháo binh số 2 đã giới thiệu những hình ảnh hiếm hoi về hoạt động của họ bằng cách mời các nhà báo từ những cơ quan truyền thông nhà nước Trung Quốc đến tham quan đại bản doanh của họ ở gần Bắc Kinh cách đây vài ngày.
Theo tờ The Hindu, phát biểu của các sĩ quan này phản ánh cảm giác ngày càng tự tin sau khi một trung tướng của PLA tuyên bố cách đây vài ngày rằng: Trung Quốc có năng lực “đánh trả” trước thông báo của Mỹ về việc chuyển dịch 60% hạm đội đến Thái Bình Dương.
Tiêu điểm trong chuyến tham quan của các nhà báo Trung Quốc là Lữ đoàn tên lửa quy ước số 1 - đơn vị được thành lập vào năm 1993 - song rất ít người có cơ hội tận mắt chứng kiến hoạt động của họ.
Lữ đoàn tên lửa quy ước số 1 lần đầu tiên thu hút sự chú ý của công chúng vào năm 1995, khi Trung Quốc thông báo PLA sẽ thử tên lửa ngoài khơi. Sáu tên lửa đã được bắn đi trong một tuần và đều trúng vào mục tiêu.
Mùa xuân năm tiếp theo, lữ đoàn này bắn thêm bốn tên lửa trong một cuộc thử nghiệm khác. Lần này, tất cả cũng đều trúng mục tiêu, theo tờ China Daily.
Cuộc thử nghiệm thông báo cho thế giới biết rằng: Trung Quốc có cả đơn vị tên lửa hạt nhân và quy ước, do đó củng cố hệ thống răn đe của nước này.
Trước đó, Trung Quốc chỉ có các đơn vị tên lửa hạt nhân. Cuộc chiến vùng Vịnh năm 1990 đã giúp các lãnh đạo của họ nhận ra rằng tên lửa quy ước đóng vai trò lớn hơn trong chiến tranh hiện đại.
“Các tên lửa quy ước là át chủ bài trong chiến tranh hiện đại. Vì thế, chúng tôi phải sẵn sàng bất kỳ lúc nào. Chúng tôi phải có khả năng phản ứng nhanh để tấn công, bắn trúng mục tiêu với độ chính xác cao và tiêu diệt chúng hoàn toàn”, ông Đàm Vệ Hồng, Lữ đoàn trưởng Lữ đoàn tên lửa quy ước số 1 nói với tờ China Daily.
Ông này bổ sung rằng tất cả 114 tên lửa mà lữ đoàn của ông bắn từ trước đến nay đều trúng mục tiêu.
Các sĩ quan tiết lộ, mỗi năm lữ đoàn dành 1/3 khoảng thời gian ở ngoài căn cứ, thử nghiệm các thiết bị phóng tên lửa trong những địa hình khác nhau, từ vùng rừng rú ở phía nam Trung Quốc đến các cao nguyên lộng gió phía tây bắc ở khu tự trị Tây Tạng.
Ông Đàm nói lữ đoàn này đã phát triển một hệ thống điều khiển mới “thay thế hệ thống cũ vốn dựa trên các khẩu lệnh” nhằm củng cố năng lực phóng tên lửa hàng loạt.
“Hệ thống mới có thể tiến hành phóng một loạt tên lửa trong cùng thời điểm, điều không thể làm được trong quá khứ”, tờ China Daily hôm 11.6 trích lời viên sĩ quan.
Vào hôm 9.6, trung tướng Nhậm Hải Tuyền, người dẫn đầu đoàn đại biểu Trung Quốc tham dự Đối thoại Shangri-la ở Singapore - nơi Mỹ thông báo chiến lược hướng sang Thái Bình Dương tuyên bố: Trung Quốc đã tăng cường năng lực nhằm “đánh trả” mọi mối đe dọa đến lợi ích cơ bản của nước này.
Dù nhấn mạnh Trung Quốc sẽ “không tấn công trừ khi bị tấn công”, ông Nhậm nói: “Chúng tôi vẫn đối mặt với một tình hình rất phức tạp, đôi khi khốc liệt. Chúng tôi sẽ chuẩn bị cho mọi sự phức tạp, như câu nói: Hành động cho điều tốt đẹp nhất và chuẩn bị cho điều tồi tệ nhất”.
Sơn Duân
>> Đài Loan mất máy tính tối mật
>> Vũ khí mới của Mỹ ở Thái Bình Dương
>> Nhật, Ấn lần đầu tập trận hải quân song phương
>> Tàu sân bay Ấn Độ bắt đầu chạy thử
>> Philippines cân nhắc ký hiệp ước quân sự với Singapore
>> Chiến đấu cơ Triều Tiên áp sát Hàn Quốc
>> Đến lượt Trung Quốc công bố báo cáo về sức mạnh quân sự Mỹ, Nhật
>> Mỹ lo ngại Trung Quốc và Đài Loan "liên thủ" ở biển Đông
>> DDG-1000: Siêu chiến hạm tàng hình để khắc chế Trung Quốc
>> Trung Quốc muốn tăng sức mạnh hải quân
Bình luận (0)