Trong cuộc họp với các doanh nhân Hồng Kông ngày 27.8, Ngoại trưởng Vương Nghị cho rằng Hồng Kông đang đối mặt trước thách thức nghiêm trọng nhất kể từ năm 1997 và chính quyền đặc khu có khả năng giải quyết các vấn đề với sự tăng cường hỗ trợ từ đại lục, theo Reuters.
Ông Vương còn ca ngợi cộng đồng doanh nghiệp đóng vai trò tích cực trong việc giúp giới trẻ tham gia vào công cuộc phát triển kinh tế ở Hồng Kông.
Tuy nhiên, tờ China Daily đăng tải bài xã luận cảnh báo khoảng cách khác biệt giữa chính quyền đặc khu và người biểu tình đã tiến đến mức "không thể thu hẹp". Tờ báo này còn cho rằng chính quyền Hồng Kông "không thể nuốt nổi những viên thuốc mà người biểu tình kê toa".
Trước đó, cảnh sát Hồng Kông hôm 25.8 lần đầu tiên dùng vòi rồng để đối phó những người biểu tình quá khích giữa lúc cuộc tuần hành phản đối chính quyền đặc khu tiếp diễn, theo Reuters.
|
Hàng ngàn người biểu tình bất chấp mưa lớn, cầm dù tập trung tại một sân vận động rồi tuần hành đến khu đô thị mới Thuyền Loan hồi cuối tuần rồi. Phần lớn người biểu tình tuần hành trong ôn hòa vào ngày 25.8, tuy nhiên một số người có hành vi quá khích như đập phá vỉa hè, ném bom xăng.
Cảnh sát buộc phải điều động xe tải vòi rồng và dùng hơi cay để giải tán đám đông quá khích, nhưng chỉ trong khoảng thời gian ngắn. Trước đó, cảnh sát thông báo đã bắt giữ 29 người sau khi xảy ra đụng độ vào ngày 24.8. Hơn 700 người bị bắt kể từ khi những cuộc biểu tình phản đối chính quyền đặc khu bùng nổ hồi tháng 6 và kéo dài đến nay.
Từ mục tiêu ban đầu là phản đối dự luật dẫn độ gây tranh cãi, những người biểu tình sau đó muốn Đặc khu trưởng Lâm Trịnh Nguyệt Nga từ chức, yêu cầu giới chức dừng mô tả các cuộc biểu tình là “bạo động”, miễn khởi tố những người bị bắt, điều tra độc lập về cáo buộc cảnh sát “dùng vũ lực quá mức” và cải cách chính trị. Nhiều người Hồng Kông cho rằng Bắc Kinh đang làm xói mòn quyền tự trị của đặc khu này và các quyền của họ, theo Reuters.
Đặc khu trưởng Lâm hôm 25.8 cảnh báo chính quyền đặc khu có thể dùng vũ lực nếu bạo động tiếp tục bùng phát. Dù vậy, đến ngày 27.8, bà Lâm tuyên bố chính quyền đặc khu vẫn tự tin có thể tự giải quyết bất ổn và bà sẽ không từ bỏ việc xây dựng nền tảng cho đối thoại với người biểu tình, theo Reuters.
Bên cạnh đó, bà Lâm nhấn mạnh hiện nay không phải là lúc để tiến hành cuộc điều tra độc lập về cuộc khủng hoảng hiện nay, một trong những yêu cầu trọng tâm của phe biểu tình.
Bình luận (0)