Trong nhiều trường hợp điều trị các vết thương hở, bác sĩ thường kê kháng sinh để ngăn ngừa nguy cơ nhiễm trùng. Cách lạm dụng kháng sinh này là một trong những nguyên nhân góp phân gây kháng kháng sinh, theo Daily Mail.
Do đó, một trong những cách giúp giảm việc lạm dụng kháng sinh là xác định được khi cần bị nhiễm trùng.
Khi một vết thương bị nhiễm trùng thì môi trường bên trong vết thương đó sẽ chứa một mức độ độc tố, enzymes và pH nhất định. Các nhà khoa học tại Viện Hàn lâm Khoa học Trung Quốc đã tạo ra loại băng y tế có thể phản ứng với các yếu tố trên.
Nghiên cứu được tiến hành trên những con chuột bị nhiễm vi khuẩn E.coli kháng thuốc hoặc dung nạp thuốc. Khi kháng sinh đi vào cơ thể, vi khuẩn dung nạp thuốc vẫn có thể sống sót bằng cách chuyển sang trạng thái ngưng hoạt động hoặc giảm tốc độ phát triển.
Khi tiếp xúc vi khuẩn dung nạp thuốc, băng y tế chuyển từ màu xanh lá sang màu vàng và đưa kháng sinh vào vết thương để giết vi khuẩn.
Nếu trong vết thương là vi khuẩn kháng thuốc, băng sẽ chuyển sang màu đỏ. Hiệu ứng chuyển sang màu đỏ là do băng tiếp xúc với một loại enzyme đặc biệt do vi khuẩn kháng thuốc tiết ra.
Lúc này, các nhà khoa học mới dùng ánh sáng đèn chiếu vào băng y tế. Băng sẽ phóng thích các hóa chất làm suy yếu vi khuẩn kháng thuốc, giúp tăng hiệu quả điều trị bằng kháng sinh, theo Daily Mail.
Nhóm nghiên cứu kỳ vọng phát minh của họ sẽ mang lại nhiều lợi ích nhờ chi phí thấp. Trong khi đó, các phương pháp phát hiện vi khuẩn kháng thuốc trong vết thương thường tốn nhiều thời gian và đòi hỏi thiết bị đắt đỏ.
Trong tự nhiên, vi khuẩn có thể biến đổi để thành siêu vi khuẩn kháng thuốc. Tuy nhiên, quá trình này cần thời gian. Việc lạm dụng kháng sinh ở người và động vật lại đẩy nhanh quá trình đó.
Vi khuẩn kháng thuốc là một trong những mối đe dọa lớn nhất với sức khỏe toàn cầu. Ước tính mỗi năm có khoảng 700.000 người trên khắp thể giới tử vong vì vi khuẩn kháng thuốc, theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), theo Daily Mail.
Bình luận (0)