Trước đó, Thanh Niên có loạt bài về tình trạng loạn mua bán thông tin cá nhân trên mạng gây ra nhiều hệ lụy như: các nhóm tội phạm lừa đảo công nghệ cao, băng nhóm làm ăn phi pháp dùng tài khoản ngân hàng (làm từ CCCD, CMND của người khác) để nhận và chuyển tiền bất hợp pháp; tiềm ẩn nhiều nguy cơ phát sinh tội phạm như: lừa đảo chiếm đoạt tài sản, rửa tiền, đánh bạc, tổ chức đánh bạc...; ảnh hưởng trực tiếp tình hình an ninh, trật tự; cần phải xử lý thật nghiêm, không để các đối tượng lộng hành.
Bên cạnh đó, Thanh Niên cũng ghi nhận khuyến cáo của các cơ quan chức năng đối với người dân, tránh bị những kẻ có động cơ xấu thu thập, sử dụng CCCD, CMND của người dân vào mục đích phạm tội.
Một đối tượng (bìa phải) chuyên nhận làm thẻ ngân hàng cho khách từ CCCD, CMND mua bán trên mạng |
CÔNG NGUYÊN |
Cần một cơ chế giám sát
Bạn đọc (BĐ) Trịnh Cương chia sẻ: “Những bài viết liên quan thực trạng nêu trên của Thanh Niên rất hay, thời sự, kịp thời cảnh báo để mọi người nâng cao cảnh giác... Chính tôi bị bọn lừa đảo gọi vào số di động trong hai tháng (3 và 4.2022). Chưa hết, vào lúc 10 giờ 10 ngày 28.6, một người tiếp tục gọi cho tôi. Tất nhiên, do đã cảnh giác và đọc được nhiều thông tin về tình trạng này trên báo chí, nên tôi không để bị lừa”.
Tương tự, BĐ Duong Duy Linh cho biết: “Nhiều ngày, có từ 5 - 10 cuộc điện thoại gọi cho tôi chào mua bất động sản, cho vay tài chính... Điều đáng ngạc nhiên là họ đọc họ tên tôi vanh vách. Câu hỏi đặt ra là: Vì sao họ có thông tin chính xác như vậy? Đề nghị cơ quan pháp luật có biện pháp xử lý”.
Câu hỏi BĐ Duong Duy Linh nêu cũng là vấn đề được nhiều BĐ quan tâm. Theo BĐ Khải Thành, cơ quan chức năng đã đưa ra nhiều khuyến cáo như: không mua bán, cầm cố CCCD, CMND của chính mình; không cho người lạ mượn, chụp 2 mặt CCCD, CMND; không đăng tải, chia sẻ hình ảnh CCCD, CMND lên mạng xã hội; không cung cấp thông tin CCCD, CMND cho những dịch vụ không thiết yếu, không có cam kết bảo đảm an toàn thông tin cá nhân trên các nền tảng mạng xã hội.
Tuy nhiên, trong hoạt động giao dịch dân sự, kinh doanh hằng ngày, chúng ta thường phải sử dụng các loại giấy tờ cá nhân (CMND, CCCD, hộ chiếu…). Bên cạnh đó, hoạt động thương mại điện tử cũng đang ngày càng phát triển. Để tham gia hoạt động này, ít nhiều mỗi người đã cung cấp cho phía đối tác những thông tin liên quan đến cá nhân mình.
Một công ty, đơn vị kinh doanh “thượng tôn pháp luật” sẽ không bao giờ dám sử dụng những dữ liệu mà khách hàng, đối tác cung cấp ngoài mục đích đã được hai bên cam kết, thỏa thuận. Thế nên cần một cơ chế giám sát đối với những công ty, doanh nghiệp nắm giữ thông tin cá nhân của người khác.
Đừng tự biến mình thành nạn nhân
BĐ cũng đề nghị lực lượng chức năng, đặc biệt là lực lượng phòng chống tội phạm công nghệ cao, mạnh tay và thực hiện thường xuyên hơn nữa việc rà soát đối với những cá nhân, đường dây có dấu hiệu tội phạm liên quan đến các hoạt động mua bán dữ liệu cá nhân, sử dụng vào những mục đích xấu.
Bên cạnh đó, nhiều BĐ cho rằng mỗi người dân cũng cần có ý thức trong việc bảo mật thông tin cá nhân của mình, tránh bị các đối tượng xấu lợi dụng như cảnh báo của BĐ Nguyễn Huy Vũ: “Thỉnh thoảng khi chúng ta lướt mạng xã hội thường gặp những quảng cáo như: cho vay không cần cầm cố, chỉ cần cung cấp CCCD, CMND; hoặc cung cấp thông tin cá nhân để nhận những giải thưởng “từ trên trời rơi xuống”... chỉ cần nhấp vào link là đã phần nào tự biến mình thành nạn nhân của những đối tượng xấu. Do vậy, người dân cần nâng cao cảnh giác để tránh bị lộ lọt thông tin cá nhân”.
Thực tế cho thấy, việc rao bán, sử dụng thông tin cá nhân của người khác tồn tại ở nhiều cấp độ khác nhau, từ việc sử dụng thông tin cá nhân, nhất là số điện thoại, email, địa chỉ nhà để dùng vào mục đích tiếp thị, mời gọi sử dụng các loại hàng hóa, dịch vụ… đến hành vi nghiêm trọng hơn là dùng vào những mục đích phạm tội mà cơ quan công an đã nhiều lần cảnh báo. Từ đó cho thấy cần phải luật hóa và có hành lang pháp lý chặt chẽ với mức chế tài nghiêm khắc hơn nữa để bảo vệ dữ liệu cá nhân cũng như trừng phạt thích đáng với loại tội phạm mua bán thông tin cá nhân.
Cần giám sát các trung tâm ngoại ngữ, gia sư dành cho trẻ em xem có lộ lọt dữ liệu từ khâu nào không, bởi tôi từng cho con vào học ở một trung tâm ngoại ngữ. Chỉ một ngày sau, đã có ngay cuộc gọi xưng là từ một trung tâm gia sư, đọc rõ tên tuổi của tôi và con để chào mời. Đáng nói, không chỉ một lần mà rất nhiều lần khiến tôi có cảm giác như đang bị “khủng bố”.
TheLive
Việc một số đối tượng lợi dụng thông tin cá nhân của người khác vào mục đích xấu chỉ là phần “ngọn”. Phần “gốc” phải đặt vấn đề: Các tổ chức, doanh nghiệp chấp nhận thông tin mà không xác thực người dùng có chính chủ hay không liệu có chịu trách nhiệm nào không?
Nguyễn Thị Hoa Lúa
Chỉ cần gõ từ khóa “danh sách khách hàng” vào công cụ tìm kiếm là có thể ra cả trăm website cung cấp có phí lẫn miễn phí. Đề nghị cơ quan chức năng làm việc với các cá nhân, doanh nghiệp vận hành các website loại này xem việc chấp hành pháp luật của họ về vấn đề liên quan ra sao.
Bình luận (0)