Ông được trải qua và chỉ huy những binh chủng hiện đại nhất: Từ pháo binh đến không quân. Ông cũng trải qua những giờ phút đấu trí cân não trong vai điệp viên mang bí số A15 cùng tổ điệp báo Công an Hà Nội dùng thuốc nổ đánh đắm chiến hạm Amyot d’inville của Pháp (9.1950) ở vùng biển Sầm Sơn - Thanh Hóa.
Từ tuổi 15 tham gia Cứu quốc quân đến khi nghỉ hưu, trung tướng Chu Duy Kính đã góp phần vào chiến thắng phát xít Nhật, thực dân Pháp, đế quốc Mỹ, quân bành trướng Trung Quốc ở biên giới phía bắc.
Trung tướng Chu Duy Kính (giữa) giao lưu ra mắt hồi ký Lính bay (2016) |
Khải Mông |
Trốn nhà lên Chiến khu Yên Thế
“Tôi quê ở Bắc Ninh, học ở Trường Đình Bảng. Mà Đình Bảng được Trung ương Đảng, đồng chí Tổng Bí thư Trường Chinh chọn làm căn cứ, đặt cơ sở, nơi thảo bản chỉ thị lịch sử “Nhật - Pháp bắn nhau và hành động của chúng ta” - kim chỉ nam chuẩn bị tổng khởi nghĩa… Cho nên phong trào cách mạng của chúng tôi nó cao. Đêm 9.3, Nhật đảo chính Pháp. 10.3 ta đã giành chính quyền được ở Trung Mầu. Tôi cũng đi dự mít tinh ở cuộc đó”, ông Kính nhớ lại khởi đầu đến với cách mạng của mình.
Khi Trung Mầu giành chính quyền, ban lãnh đạo có tổ chức biểu diễn vở kịch Khởi nghĩa Bắc Sơn. Cậu thiếu niên họ Chu thấy xốn xang trong người. Điều cậu thích nhất là được cầm súng chiến đấu với phát xít Nhật, nhưng hoạt động ở quê nhà không có súng thật mà chỉ có súng gỗ. Vừa lúc đó, một người bạn cùng làng gia đình có trại ở Yên Thế về nghỉ hè. Cậu ta kể chuyện trên ấy du kích Việt Minh nhiều lắm, họ đánh đồn Yên Thế mang về bao nhiêu súng. Nghe thích quá, Kính liền rủ cậu bạn này đưa mình đi Yên Thế. Ban đầu bạn nhận lời nhưng sau đó lại từ chối vì còn phải về Hà Nội học.
Nhờ bạn vẽ đường, Chu Duy Kính rủ Hồ Bắc (sau này là nhạc sĩ) cùng nhau đi. Tháng 5.1945, hai anh em cùng tuổi (sinh năm 1930) trốn nhà lên Chiến khu Yên Thế và trở thành chiến sĩ liên lạc Cứu quốc quân Yên Thế. Ở chiến khu, Chu Duy Kính được huấn luyện quân sự từ những động tác đơn giản đứng, ngồi, quỳ, nằm, bắn, sử dụng súng trường. Còn nhỏ tuổi nên các anh phân công cậu đi làm trinh sát.
“Về sau tôi trở thành quân của bà Hà Thị Quế, đi đánh đồn Yên Thế lần thứ hai”, trung tướng Chu Duy Kính kể và nói tiếp: “Yên Thế khởi nghĩa trước Bắc Giang 1 tháng. Tháng 7 khởi nghĩa cướp chính quyền Yên Thế. Tháng 8 mới ra cướp chính quyền Bắc Giang. Ngày 19.8 khởi nghĩa cướp chính quyền ở Bắc Giang thắng lợi”, ông Kính nhớ lại.
Trung tướng Chu Duy Kính |
Tư liệu gia đình |
Cuộc đời quân ngũ và những chiến công
Đêm 17 rạng ngày 18.1.1950, tại sân bay Bạch Mai (Hà Nội), 28 cán bộ và chiến sĩ của Tiểu đoàn 108 (Mặt trận Hà Nội), chỉ được trang bị có mìn và lựu đạn trứng, được hỗ trợ của dân quân du kích địa phương, đã chui qua đường cống đột nhập và tổ chức một trận đánh đặc công long trời lở đất. Trận đánh đã phá hủy 26 máy bay (25 chiếc Junker cùng Dakota và 1 máy bay trinh sát), kho xăng hoàn toàn bị cháy rụi. Người đề xuất phương án chui qua đường cống và tham gia đánh đặc công là Chu Duy Kính, người tù vừa vượt ngục thành công theo đường cống thoát ra ngoài.
Trung tướng Lê Quang Đạo (1921 - 1999) nhắc đến một kỷ niệm về trung tướng Chu Duy Kính: Khoảng năm 1947 cơ quan Thành ủy đóng ở tỉnh Hà Đông, chiều chiều anh chị em cơ quan thường rủ nhau ra tập bơi ở sông Tích Giang. Chu Duy Kính lúc này 17 tuổi làm liên lạc cho Thành ủy đã hướng dẫn Lê Quang Đạo những động tác cơ bản về kiểu bơi ếch. Nhờ học bơi lần ấy đã giúp Lê Quang Đạo vượt được một cuộc vượt sông khá nguy hiểm sau Tết 1949 khi qua sông Đuống trong vùng hậu địch theo đường dây lên Việt Bắc an toàn.
Từ thắng lợi của trận đánh tại sân bay Bạch Mai, Bí thư Thành ủy Hà Nội Trần Quốc Hoàn cho phép Chu Duy Kính được nghỉ an dưỡng 2 tháng. Vậy mà vừa được 2 tuần thì ông lại nhận nhiệm vụ mới từ Bí thư Thành ủy, trở thành chiến sĩ điệp báo mang bí số A15, tham gia đánh chìm chiến hạm của hải quân Pháp ở Sầm Sơn tháng 9 năm đó.
Có lẽ vì chiến công sân bay Bạch Mai mà sau đó, ông được cử đi học cao xạ, trong chiến dịch Điện Biên Phủ, ông là chính trị viên đại đội pháo cao xạ, rồi chính trị viên tiểu đoàn pháo cao xạ lập thành tích bắn rơi 9 máy bay Pháp. Hòa bình lập lại, Chu Duy Kính được điều về Trung đoàn không quân Việt Nam.
Cuộc đời binh nghiệp của ông từ người chiến sĩ Cứu quốc quân đến Phó tư lệnh chính trị kiêm Chủ nhiệm chính trị Quân chủng Không quân, Tư lệnh Quân khu thủ đô, năm 1989 được phong quân hàm trung tướng. Ông Chu Duy Kính chia sẻ: “Tôi không ngờ còn may mắn sống đến hôm nay. Hoạt động nội thành bị địch bắt tù tưởng đã chết trong tù rồi. Làm công tác tình báo nếu bị địch bắt chắc chắn bị xử tử. Trong công việc, với bất cứ nhiệm vụ nào được giao, tôi đều cố gắng hết sức hoàn thành”.
(còn tiếp)
Bình luận (0)