Một thống kê của Văn phòng Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng chống thiên tai cho thấy, trước khi đón bão Rai, trong lịch sử, các tỉnh Trung và Nam Trung bộ từng hứng chịu nhiều cơn bão mạnh vào những tháng cuối năm. Bão đổ bộ vào khoảng thời gian này thường là những cơn bão rất mạnh, gây ra thiệt hại nặng nề về cả người và tài sản.
Dự báo đường đi của bão RAI sẽ là cơn bão số 9 đi vào Biển Đông và ảnh hưởng đất liền các tỉnh Nam và Trung Trung bộ trong tháng cuối năm nay |
Cơ quan dự báo khí tượng thủy văn nhật bản |
Trước đó, tháng 11.1997, bão số 5 có tên quốc tế là bão Linda hình thành ngay trên khu vực quần đảo Trường Sa, với sức gió cấp 10, giật cấp 11, cấp 12. Bão Linda sau đó đổ bộ vào khu vực đất mũi Cà Mau đã làm gần 3.000 người chết và mất tích, trên 3.000 tàu thuyền bị chìm, hư hỏng; 136.334 ha nuôi trồng thủy sản bị thiệt hại; 107.892 nhà bị sập, đổ; 204.564 nhà bị hư hại.
Bão Linda gây thiệt hại về kinh tế ước tính gần 7.200 tỉ đồng.
Đường đi của cơn bão Linda tháng 11.1997 |
Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng chống thiên tai |
Bão Rai diễn biến ra sao khi vào Biển Đông? |
Tháng 10.2006, bão số 6, có tên quốc tế là cơn bão Xangsane, đổ bộ vào miền Trung. Đây là cơn bão có cường độ mạnh nhất khi đổ bộ vào đất liền trong 20 năm tính đến thời điểm đó, với cường độ gió cấp 12, giật cấp 13, cấp 14.
Sau bão, 76 người chết và mất tích, 532 người bị thương; gần 350.000 căn nhà bị đổ, hư hại; gần 1.000 tầu thuyền bị chìm và hư hại. Theo ước tính, thiệt hại về kinh tế do bão Xangsane gây ra lên tới trên 10.000 tỉ đồng. Đây là mức thiệt hại lớn nhất do một cơn bão gây ra, tính đến năm 2006.
Cơn bão Durian (bão số 9) năm 2006 cũng là cơn bão mạnh, gây nhiều thiệt hại tại các tỉnh Trung bộ và Nam bộ |
Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng chống thiên tai |
Đến tháng 12.2006, miền Trung tiếp tục hứng chịu cơn bão số 9, tên quốc tế là bão Durian. Cơn bão này di chuyển dọc ven biển Khánh Hòa xuống vùng biển phía nam qua Bình Thuận (đảo Phú Quý), gây gió cấp 10, cấp 11, giật trên cấp 12, cá biệt có thời điểm cấp 15 vào sáng 4.12.2006.
Sau đó, bão tiếp tục di chuyển đến TP.HCM (H.Cần Giờ), vào Tiền Giang, Bến Tre và một phần phía bắc của Trà Vinh, tiếp tục đến Vĩnh Long, và kết thúc ở TP.Cần Thơ vào trưa 5.12.
Bão Durian đã làm 85 người chết, 11 người mất tích, trên 160.000 căn nhà bị đổ, hư hại, ước tính thiệt hại về tài sản lên đến 7.314 tỉ đồng.
Cơn bão Damrey gây thiệt hại nặng nề cho các tỉnh miền Trung trong tháng 12.2017 |
Gần đây nhất, năm 2017, miền Trung từng đón bão số 12, tên quốc tế là bão Damrey, với sức gió cấp 11, cấp 12, giật cấp 13, cấp 14, đổ bộ vào khu vực Bình Định - Khánh Hòa, gây lũ lớn gần mức lịch sử tại các tỉnh Nam Trung bộ.
Bão và mưa lũ đã làm 123 người chết và mất tích, 3.550 nhà sập đổ, gần 300.000 nhà hư hỏng, thiệt hại 73.744 lồng bè nuôi thủy sản… Tổng thiệt hại về kinh tế do cơn bão này gây ra lên tới 22.679 tỉ đồng.
Bão Rai đang tiếp tục di chuyển hướng về Biển Đông
Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia cho biết, đến chiều 14.12, cơn bão Rai ở vùng biển ngoài khơi Philippines đã mạnh lên cấp 10, giật cấp 12 và đang tiếp tục di chuyển hướng về Biển Đông. Dự báo trong khoảng đêm 17 và rạng sáng 18.12, bão Rai sẽ đi vào Biển Đông và trở thành cơn bão số 9 trong năm nay.
Cũng theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, cơn bão Rai sẽ là cơn bão mạnh ảnh hưởng trực tiếp đến đất liền các tỉnh Trung và Nam Trung bộ trong tháng cuối cùng của năm nay. Đặc biệt, khi đi vào Biển Đông, bão Rai sẽ chịu tương tác với không khí lạnh nên diễn biến về cường độ, hướng đi của bão còn phức tạp.
Trước diễn biến khó lường của bão Rai, sáng nay 15.12, Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng chống thiên tai sẽ họp trực tuyến với các bộ, ngành T.Ư và lãnh đạo 19 tỉnh, thành phố khu vực Trung bộ, Nam bộ để chuẩn bị ứng phó cơn bão Rai.
Bình luận (0)