Nhà thơ Trương Anh Tú đang sống và làm việc tại Đức, vừa trở về Việt Nam tham gia nhiều buổi trò chuyện về thơ ca với sinh viên trong nước.
Nhiều bài thơ của anh đã được dịch sang tiếng nước ngoài, đến với độc giả quốc tế hay được sử dụng giảng dạy tại nhiều trường đại học ở những quốc gia khác nhau.
Nhân dịp đầu năm mới, nhà thơ Trương Anh Tú trò chuyện với Thanh Niên xung quanh chuyện đưa thơ Việt ra thế giới.
Nhà thơ Trương Anh Tú |
NVCC |
Giá trị thực của tác phẩm mới có thể định danh tác giả
Vừa qua, có chuyện một chương trình vinh danh “nhà thơ thế giới” bị cơ quan quản lý “tuýt còi” chưa được cấp phép tổ chức. Khi đọc tin tức như vậy, anh có suy nghĩ gì?
Tôi có loáng thoáng nghe câu chuyện “nhà thơ thế giới” gây xôn xao dư luận vừa qua.
Những chuyện như thế nếu chúng ta biết quan sát, biết nhìn nhận thì vẫn có thể rút ra những bài học thú vị.
Đó chỉ là một ví dụ điển hình của những giá trị ảo mà chúng ta có thể gặp khắp nơi, cho dù được tô vẽ đến đâu. Muốn tạo ra những giá trị, những danh hiệu, trước hết người ta phải sống và cống hiến cho những giá trị.
Theo anh, thành thực thì thơ Việt đương đại đã có “nhà thơ thế giới”, tức là được độc giả thế giới biết đến chưa?
Một nhà thơ (hay một nhà văn) đương đại muốn được độc giả thế giới biết đến cần hội đủ ít nhất 2 điều kiện.
Thứ nhất, tác phẩm phải thực sự có giá trị, mang những giá trị phổ quát của nhân loại, là tiếng nói của cuộc sống, của thời đại.
Thứ hai, tác phẩm phải được đầu tư giới thiệu, được chuyển ngữ thành công sang các thứ tiếng trên thế giới. Đáng tiếc, cả 2 điều kiện này ở Việt Nam còn rất hạn chế.
Nhưng trước khi đi tìm “nhà thơ thế giới”, sẽ cần thiết và bổ ích hơn nếu chúng ta thành thực tìm hiểu thơ Việt đương đại đã có và có bao nhiêu nhà thơ thực sự là nhà thơ (với đúng nghĩa của danh xưng này) và có bao nhiêu tác phẩm giá trị tương ứng?
Chúng ta có thể hào phóng ban phát những đỉnh cao, tặng nhau những mỹ từ to tát để động viên, khuyến khích, nhưng thực ra cuối cùng chỉ có giá trị thực của tác phẩm mới có thể định danh tác giả.
Nhà thơ là một danh hiệu cao quý. Ngoài cảm xúc, khả năng bẩm sinh, khả năng tư duy, sáng tạo, khả năng tạo ra một ngôn ngữ, một giọng điệu riêng, nhà thơ phải là người mang trong mình sứ mệnh xây dựng, kiến tạo cái đẹp; là người bảo vệ lẽ phải, vừa thức tỉnh vừa đại diện cho lương tâm xã hội, khai sáng tri thức, cống hiến cho sự tiến bộ, cho hạnh phúc của con người.
Một người cầm bút ở Việt Nam hay ở bất kỳ một quốc gia nào khác, với khả năng và ý thức trách nhiệm như đã nói ở trên, sẽ có thể tạo ra những tác phẩm có giá trị và sớm hay muộn cũng sẽ được bạn đọc thế giới biết đến.
Tôi hy vọng, cùng với sự đầu tư của Nhà nước về dịch thuật, cùng với tài năng, tâm huyết và lòng đam mê, cùng với sự dấn thân cho văn chương và đời sống của các nhà văn, nhà thơ, văn chương Việt sẽ từng bước hội nhập với thế giới, để độc giả thế giới biết đến.
Phải cho ra những tác phẩm có giá trị chung của nhân loại
Nhiều bài thơ của anh đã được dịch sang tiếng nước ngoài. Đặc biệt, tập thơ song ngữ tiếng Việt và tiếng Ba Lan của anh đã đến với sinh viên nhiều trường đại học ở Ba Lan. Anh nghĩ như thế nào về cơ hội để tác phẩm thơ của nhà thơ Việt Nam đương đại đến với độc giả nước ngoài?
Như tôi đã nói ở trên, cơ hội để tác phẩm thơ của nhà thơ Việt Nam đương đại có thể đến với độc giả nước ngoài được hay không trước hết nằm ở chính tác phẩm.
Nhà thơ Trương Anh Tú tại buổi tọa đàm "Trương Anh Tú tự tình - Hãy nở cùng tôi" tại Trường đại học Văn hóa Hà Nội |
NVCC |
Nghĩa là, ngoài những yếu tố ngôn ngữ, cảm xúc, cách biểu cảm, đặc trưng văn hóa… tác giả Việt phải cho ra những tác phẩm có giá trị chung của nhân loại.
Đó là hòa bình và tự do, là những giá trị nhân văn mà bất cứ ở đâu con người cũng hướng tới, để bạn đọc quốc tế có thể thấy họ, thấy dòng chảy thời đại đang sống để soi chiếu, chiêm nghiệm và bị thuyết phục bởi chính giá trị nghệ thuật, tư tưởng của tác phẩm.
Vài năm gần đây, những bài thơ của tôi nằm trong “tầm ngắm” của các dịch giả, để họ chuyển ngữ sang tiếng Anh, tiếng Ba Lan, tiếng Trung… chắc hẳn cũng phải hội đủ ít, nhiều những yếu tố này. Họ cần tìm thấy một giọng thơ, một tiếng nói thơ Việt đương đại để có thể chuyển ngữ, giới thiệu với bạn đọc quốc tế.
Ngay cách đây ít ngày, khi bài thơ Hạt chữ của tôi vừa được giới thiệu trên Báo Thanh Niên, một giảng viên đang dạy đại học ở Đài Loan (Trung Quốc) đã nhắn tin cho tôi, đề nghị được chuyển ngữ bài thơ. Một nhạc sĩ trong nước cũng gửi cho tôi bản ký âm ca khúc phổ nhạc từ bài thơ này. Tôi tin rằng, giá trị tác phẩm chính là "giấy thông hành" hữu hiệu nhất để tác phẩm có thể đến với bạn đọc khắp nơi.
Anh quan điểm thế nào về sáng tác để những bài thơ vượt qua biên giới quốc gia?
Như có lần tôi đã trả lời phỏng vấn, đại ý, một người cầm bút nếu cứ đi hết tính dân tộc của mình, anh ta sẽ đến với thế giới. Nhà thơ Nguyễn Du, nhà thơ Hồ Xuân Hương đã đến với thế giới bằng chính tâm hồn Việt Nam, bằng thân phận con người, bằng tiếng nói của thời đại mình.
Nhà thơ Trương Anh Tú cùng các sinh viên Trường đại học Khoa học xã hội và nhân văn (Đại học Quốc gia TP.HCM) trong buổi tọa đàm "Chia sẻ kinh nghiệm sáng tác thơ - Gặp gỡ nhà thơ Trương Anh Tú - Ta cùng một trái đất xanh" |
NVCC |
Ai cũng có thể nhìn thấy, thời đại chúng ta đang sống có rất nhiều thách thức. Đó là sự hủy hoại, tàn phá môi trường thiên nhiên do chính sự tham lam, ích kỷ của con người. Đó là các cuộc xung đột, là bạo lực và chiến tranh với thuốc súng đang chực chờ đe dọa ở nhiều nơi trên thế giới. Tuy nhiên, thế giới cũng đang mở ra rất nhiều vận hội để trao đổi, hợp tác, cùng phát triển.
Văn chương nghệ thuật nói chung, thơ ca nói riêng không thể đứng ngoài cuộc sống, đứng ngoài những vận hội ấy. Chúng ta không thể hát mãi những bài hát cũ, sợ mưa, sợ nắng, co ro trong chiếc "vỏ ốc" bé nhỏ an toàn.
Bằng vẻ đẹp của ngôn ngữ, của nghệ thuật, bằng chính trái tim, tâm hồn Việt Nam hôm nay, văn chương Việt đương đại phải mang đến cho bạn đọc những hiện thực lớn, mang đến những tác phẩm có thể mở ra một thế giới tự do rộng lớn như chính cuộc sống, để suy ngẫm, chiêm nghiệm, để nâng cao sự hiểu biết, thức tỉnh cái đẹp, đóng góp cho sự tiến bộ của nhân loại.
Như thế, tự thân tác phẩm văn học đã không biên giới.
Trong chuyến trở về Việt Nam vừa qua, anh đã có nhiều buổi trò chuyện với sinh viên. Qua những buổi trò chuyện đó, anh thấy những người trẻ yêu thơ đang khát khao điều gì?
Ngay trong và sau các buổi tọa đàm, tôi đều nhận được những phản hồi tích cực của các thầy, cô giáo và của rất nhiều em học sinh, sinh viên. Kết thúc các buổi tọa đàm, tôi vẫn tiếp tục nhận được “một rừng“ các câu hỏi nối dài của các bạn trẻ. Trong đó, có câu đề nghị tôi giải thích, nói rõ hơn một câu tôi đã nói (trong một bài trả lời phỏng vấn) rằng: “Hãy để văn chương được chính là văn chương”. Như thế là các bạn trẻ đã và đang suy tư về chữ nghĩa, về bổn phận của văn chương, của người cầm bút.
Tôi tin tưởng rằng, bất kỳ ở đâu, khi thơ ca cất lời và được lắng nghe, ở đó tình yêu thương sẽ đơm hoa, kết trái. Ở đó, những con chữ sẽ như những hạt mầm mọc lên những "cánh đồng" văn chương bất tận, như chính những mùa màng bội thu mà chúng ta luôn thiết tha hy vọng.
Còn anh, anh khát khao điều gì với thơ trong năm mới?
Cũng như nhiều bạn đọc, bạn viết đã đồng cảm, chia sẻ, việc 2 tập thơ Những mùa hoa anh nói và Hoa ban mai của tôi có mặt tại thư viện các trường đại học tại Mỹ, tại Ba Lan; được dùng làm tư liệu nghiên cứu, giảng dạy tiếng Việt cho sinh viên ở Đài Loan (Trung Quốc), Hàn Quốc…; được trích dẫn làm đề thi và in trong sách giáo khoa ở Việt Nam; được các trường đại học trong nước tiếp nhận, giới thiệu với sinh viên, học sinh là một chỉ dấu tốt đẹp của thơ ca.
Thơ ca luôn cư ngụ trong đời sống tâm hồn con người khi thơ ca được viết ra từ chính trái tim, từ ánh sáng của tình yêu và trí tuệ.
Tiếng Việt thật đẹp! Đất nước Việt Nam thật đẹp! Tôi khát khao cùng thơ ca viết tiếp những giấc mơ hạnh phúc; giấc mơ cho một thế giới hòa bình của tình yêu thương, của lòng nhân hậu, của một thế giới mở ra bằng trái tim con người.
Xin cảm ơn anh!
Bình luận (0)