Trường đại học nào có doanh thu cao nhất Việt Nam?

Đăng Nguyên
Đăng Nguyên
11/06/2021 19:54 GMT+7

Dựa theo báo cáo của nhà trường, Trường ĐH RMIT Việt Nam có doanh thu cao nhất Việt Nam năm 2020, với hơn 1.800 tỉ đồng.

Ngày 11.6, tiến sĩ Lê Trường Tùng, Chủ tịch HĐQT kiêm Hiệu trưởng Trường ĐH FPT, đưa ra thống kê các trường đại học có doanh thu cao nhất Việt Nam năm 2020. Trong đó  có 15 trường ĐH (5 trường tư thục, 9 trường công lập và 1 trường quốc tế) có doanh thu dao động từ hơn 500 tỉ đồng đến hơn 1.800 tỉ đồng. 

Doanh thu hơn 1.800 tỉ đồng 

Top 15 doanh thu của các trường ĐH ở Việt Nam tăng khoảng 10% so với năm 2019. Trường ĐH Ngoại Thương ra khỏi Top 15, nhường chỗ cho ĐH Duy Tân. 
Cụ thể, trường ĐH có doanh thu cao nhất Việt Nam năm 2020 là RMIT Việt Nam với doanh thu 1.853 tỉ đồng. Tiếp theo đó là các trường: ĐH Bách khoa Hà Nội (1.096 tỉ đồng), ĐH Công nghệ TP.HCM (989 tỉ đồng), ĐH Cần Thơ (954 tỉ đồng), ĐH FPT (861 tỉ đồng), ĐH Công nghiệp TP.HCM (785 tỉ đồng), ĐH Văn Lang (776 tỉ đồng), ĐH Nguyễn Tất Thành (775 tỉ đồng)...
Hai trường ĐH có doanh thu thấp hơn trong danh sách 15 trường ĐH được thống kê là ĐH Kinh tế TP.HCM (575 tỉ đồng) và ĐH Duy Tân (536 tỉ đồng). 

Bảng thống kê các trường có doanh thu cao nhất Việt Nam năm 2020

Lê Trường Tùng

Theo tiến sĩ Lê Trường Tùng, nguồn thông tin này lấy từ báo cáo trực tiếp của các trường, có kiểm tra lại với các hiệu trưởng/chủ tịch đối với những số liệu thấy cần phải xem xét.
Chẳng hạn, số liệu của Trường ĐH RMIT Việt Nam lấy từ báo cáo RMIT Annual Report 2020. Đơn vị tiền tệ cũng được quy đổi ra VND từ nhiều nguồn tiền tệ khác như đô la Mỹ (USD), đô la Úc (AUD) hay bảng Anh. 
Khi thống kê, ông Tùng không tính cho các "tổ hợp nhiều trường" như các ĐH quốc gia, cũng loại bỏ doanh thu dịch vụ y tế của các ĐH y khoa có bệnh viện và các khoản hỗ trợ lớn từ ngân sách nhà nước.
Theo tiến sĩ Tùng, trong năm 2020, RMIT Việt Nam có hơn 9.500 sinh viên, doanh thu là 105,94 triệu AUD, lợi nhuận 16,79 triệu AUD, tăng vài phần trăm so với con số doanh thu 101,95 triệu AUD và lợi nhuận 13,24 triệu AUD hồi năm 2019.
Năm 2020 là năm khó khăn cho các trường ĐH ở Úc vì đại dịch Covid-19 khi phụ thuộc nhiều vào du học sinh. Lợi nhuận của RMIT Việt Nam đã góp phần làm giảm lỗ của RMIT, từ lỗ 73 triệu AUD còn lỗ 56 triệu AUD trong năm tài chính 2020.
"Doanh thu một trường ĐH trên dưới một ngàn tỉ đồng (vài chục triệu USD) là to hay nhỏ? Chỉ một campus nhỏ chưa đến 10.000 sinh viên của RMIT tại Việt Nam đã đứng vững vàng đầu danh sách, thì hiển nhiên là quá nhỏ. Doanh thu RMIT ở Úc năm 2020 gấp hơn 10 lần doanh thu RMIT Việt Nam, đạt con số 1,3 tỉ AUD, và vẫn chưa được xếp trong Top 5 các trường doanh số cao ở Úc. Để lọt vào Top 15 doanh thu đại học ở Mỹ cần doanh thu 3 tỉ USD, ở Anh trên 500 triệu bảng Anh và ở Úc phải gần 1 tỉ AUD. Doanh thu trường ĐH quốc nội lớn nhất Việt Nam cần tăng lên bao lần để sánh vai trong Top 15 của Anh, Úc, Mỹ?", tiến sĩ Tùng nói. 
 

Trường ĐH nào nhiều sinh viên nhất? 

Cũng theo một thống kê của tiến sĩ Lê Trường Tùng, Trường ĐH Cần Thơ đang dẫn đầu là trường lớn nhất Việt Nam theo quy mô đào tạo. Năm 2020, Top 15 trường ĐH lớn đều có quy mô đào tạo trên 20.000 sinh viên. Trường ĐH Nông lâm TP.HCM lần đầu vào Top 15, "đẩy" Trường ĐH Kinh tế TP.HCM ra ngoài danh sách này.

Bảng thống kê về quy mô đào tạo các trường ĐH tại Việt Nam năm 2020

Lê Trường Tùng

Bảng thống kê cho thấy sự trỗi dậy mạnh mẽ của các trường tư thục, chiếm 5 trên 15 vị trí trong danh sách, theo tiến sĩ Tùng.
Tuy 15 trường trong bảng thống kê trên chỉ chiếm khoảng 5-6% số lượng trường ĐH trong nước nhưng tổng quy mô chiếm hơn 20%, tức là cứ 5 sinh viên Việt Nam có 1 sinh viên học tại các trường này. So với 2019, quy mô đào tạo các trường lớn tăng trung bình 8.86%.
Tiến sĩ Tùng cũng cho biết, theo một phân loại của Mỹ, trường đại học dưới 5.000 sinh viên là trường nhỏ (small), 5.000-15.000 sinh viên là trung bình (medium) và trên 15.000 sinh viên là trường lớn (large). Trên 30.000 sinh viên là trường rất lớn (huge).
Các thông tin về tài chính  ít được các trường minh bạch
Theo tiến sĩ Lê Trường Tùng, ông đã thực hiện thống kê này từ năm 2019. Việc làm này xuất phát từ mong muốn có cái nhìn tổng thể bức tranh giáo dục ĐH ở Việt Nam. Từ đó, có thể so sánh với các trường ĐH trên thế giới. Nhìn vào số liệu có thể thấy quy mô đào tạo của các trường ĐH của Việt Nam khá cao nhưng doanh thu còn rất thấp.
Tuy nhiên, theo tiến sĩ Tùng, số liệu này có thể vẫn chỉ là tương đối chính xác chứ chưa phải tuyệt đối. Lý do là một số trường có báo cáo kiểm toán rõ ràng từ đơn vị bên ngoài như RMIT, FPT nhưng nhiều trường khác chỉ đưa ra số liệu từ nhà trường.
"Bộ GD-ĐT đã làm được việc rất tốt là bắt buộc các trường phải công khai minh bạch các thông tin trong đề án tuyển sinh. Tuy nhiên, ngoài các thông tin chung, các thông tin về tài chính vẫn ít được các trường minh bạch cụ thể. Trong khi với các trường nước ngoài, báo cáo kiểm toán hết sức chi tiết. Ngay cả trường ĐH có bệnh viện, ở nước ngoài cũng có báo cáo kiểm toán thể hiện cụ thể riêng. Các trường ĐH tiến tới cần mời đơn vị kiểm toán bên ngoài để có báo cáo tài chính độc lập để giải trình minh bạch với xã hội", tiến sĩ Tùng chia sẻ.
 
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.