Từ 1.7, ai không phải đổi thẻ căn cước?

28/02/2024 10:13 GMT+7

Luật Căn cước đổi tên thẻ căn cước công dân (CCCD) thành thẻ căn cước, tuy nhiên không phải bất cứ ai cũng bắt buộc đổi sang thẻ căn cước.

Từ 1.7, luật Căn cước chính thức có hiệu lực, thẻ căn cước sẽ thay thế cho thẻ CCCD. Mẫu thẻ mới được đề xuất với nhiều thông tin thay đổi in trên mặt thẻ, như: mục "quê quán" đổi thành "nơi đăng ký khai sinh", "nơi thường trú" đổi thành "nơi cư trú", không còn đặc điểm nhân dạng, vân tay ngón trỏ trái và ngón trỏ phải…

Nhiều người thắc mắc rằng, với việc thẻ CCCD có tên gọi mới, ai sẽ phải đổi sang thẻ căn cước, ai không phải đổi?

Từ 1.7, ai không phải đổi thẻ căn cước?- Ảnh 1.

Từ 1.7, thẻ CCCD có tên gọi mới là thẻ căn cước

TUYẾN PHAN

Từ 1.7, ai không phải đổi thẻ căn cước?- Ảnh 2.
Từ 1.7, ai không phải đổi thẻ căn cước?- Ảnh 3.

Mẫu thẻ căn cước dành cho người từ đủ 6 tuổi trở lên, theo đề xuất của Bộ Công an

BCA

Ai không phải đổi thẻ căn cước?

Theo quy định tại luật Căn cước, một số trường hợp bắt buộc đổi sang thẻ căn cước, kể từ 1.7 tới đây, gồm: thẻ CCCD hết hạn, công dân Việt Nam từ đủ 14 tuổi trở lên làm thủ tục cấp lần đầu, chứng minh nhân dân (còn hạn sử dụng) sau ngày 31.12.2024…

Ngược lại, trường hợp không phải đổi ngay sang thẻ căn cước là những người đã được cấp thẻ CCCD và vẫn còn thời hạn sử dụng. Tuy nhiên, khi đến thời hạn đổi thẻ (theo độ tuổi), những người này sẽ bắt buộc phải đổi sang thẻ căn cước, vì khi đó mẫu thẻ CCCD không còn sản xuất nữa.

Một trường hợp khác được nhiều bạn đọc quan tâm, đó là công dân Việt Nam trên 60 tuổi có cần đổi thẻ căn cước hay không?

Liên quan đến vấn đề trên, cả luật CCCD năm 2014 và luật Căn cước đều quy định: thẻ CCCD (hoặc thẻ căn cước) phải được đổi khi công dân đủ 25 tuổi, đủ 40 tuổi và đủ 60 tuổi.

Phải cung cấp mống mắt khi làm thẻ căn cước, liệu có lộ, lọt?

Như vậy, 60 tuổi là mốc cuối cùng mà công dân Việt Nam bắt buộc phải cấp đổi thẻ căn cước (hoặc thẻ CCCD). Sau lần cấp đổi này, thẻ được hiểu là có giá trị sử dụng không thời hạn.

Từ những dữ liệu trên có thể khẳng định, công dân trên 60 tuổi đã được cấp thẻ CCCD thì không cần phải đổi sang thẻ căn cước, trừ khi người đó có nhu cầu hoặc thẻ bị mất, hư hỏng.

Tuy một số trường hợp không bắt buộc phải đổi thẻ căn cước như đã nêu, nhưng theo đại tá Vũ Văn Tấn, Phó cục trưởng Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội (C06 - Bộ Công an), người dân nên đi bổ sung dữ liệu sinh trắc học về ADN, mống mắt và giọng nói vào cơ sở dữ liệu căn cước. Những loại thông tin này, nhất là thông tin về mống mắt, là điểm mới của luật Căn cước so với luật CCCD. Việc bổ sung sẽ mang lại rất nhiều lợi ích.

Từ 1.7, ai không phải đổi thẻ căn cước?- Ảnh 4.

Người trên 60 tuổi đã được cấp thẻ CCCD thì không cần phải đổi sang thẻ căn cước

PHÚC BÌNH

Vì sao người trên 60 tuổi không phải đổi thẻ căn cước?

Quá trình xây dựng luật Căn cước, một số ý kiến cho rằng luật không quy định đổi thẻ căn cước đối với người trên 60 tuổi thì việc đổi tên thẻ căn cước không có ý nghĩa đối với nhóm đối tượng này.

Tuy nhiên, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho hay, sau khi luật Căn cước có hiệu lực (kể từ 1.7), cả thẻ CCCD gắn chip và thẻ căn cước đều được chấp nhận sử dụng song song, không có sự khác biệt về giá trị.

Riêng với người trên 60 tuổi, đặc điểm nhân dạng của họ cơ bản đã ổn định, ít thay đổi nên không cần thiết phải quy định việc cấp đổi thẻ đối với những người ở độ tuổi này.

Xem nhanh 20h ngày 29.2: Mống mắt trên thẻ căn cước là gì?

Dù vậy, luật cũng quy định công dân được cấp đổi sang thẻ căn cước khi có yêu cầu. Vì thế, những người trên 60 tuổi đã được cấp thẻ CCCD gắn chip nếu có nhu đổi sang thẻ căn cước thì vẫn được thực hiện theo quy định.

Để làm thủ tục cấp thẻ căn cước, công dân có thể tới cơ quan quản lý căn cước của công an cấp huyện, công an cấp tỉnh nơi mình cư trú, hoặc tới cơ quan quản lý căn cước của Bộ Công an (đối với những trường hợp theo quy định).

Cơ quan quản lý căn cước của Bộ Công an (Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội) sẽ là đơn vị duy nhất có thẩm quyền cấp, cấp đổi, cấp lại thẻ căn cước. Cơ quan quản lý căn cước của công an cấp huyện hoặc cấp tỉnh chỉ tiếp nhận hồ sơ, thu nhận thông tin rồi chuyển về cơ quan quản lý căn cước của Bộ Công an, để cấp thẻ căn cước.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.