Từ hòa đàm đến Hòa ước Nhâm Tuất 1862: Trao đổi hòa ước thư tại Phu Văn lâu

14/12/2022 07:11 GMT+7

Giờ Ngọ ngày 23 tháng 2 âm lịch (10.4.1863), sứ bộ hai nước Pháp và Tây Ban Nha vào chợ An Cựu (Huế), được Thống chế dinh Kỳ Vũ Đặng Hạnh, Biện bộ bộ Công Lê Tuấn, Phủ doãn phủ Thừa Thiên Trần Tiến Thọ đón tiếp “cực kỳ khiêm kính”, bày tiệc đón tiếp ở đình An Cựu.

Gia Định báo (chữ Hán), số tháng 3 âm lịch năm 1863, tường thuật: “Ngày 25 tháng 2 âm lịch (12.4.1863), Bonard và Palanca tiếp Trung quân Đoàn Thọ, Thượng thư bộ Binh Trần Tiễn Thành và hai đại thần Phan Thanh Giản, Lâm Duy Thiếp, họ “mang án son nhã nhạc tới đón hòa ước thư có ký tên đóng dấu của Đại hoàng đế hai nước [Pháp và Tây Ban Nha] tiến trình hoàng đế Đại Nam ngự lãm” (Cao Tự Thanh, Hai tờ báo chữ Hán ở Nam kỳ đầu thời Pháp thuộc, NXB Khoa học xã hội, 2022, tr.152). Việc xong, trả lại hòa ước thư của các bên rồi trở về.

Ngày 27 tháng 2 âm lịch (14.4.1863), Bonard, Palanca và hòa ước thư đến Phu Văn lâu; đại diện phía Đại Nam gồm có Phan Thanh Giản, Lâm Duy Thiếp, Trung quân Đoàn Thọ, Thượng thư bộ Binh Trần Tiễn Thành, hai bên trao đổi hòa ước thư đã được phê chuẩn đóng dấu tại Phu Văn lâu, “đôi bên trao đổi đã định lấy đó làm bằng cứ lâu dài” (Cao Tự Thanh, Hai tờ báo chữ Hán ở Nam kỳ đầu thời Pháp thuộc, sđd, tr.152).

Buổi tiếp kiến Phó đô đốc Bonard, tại Huế (Theo ký họa của một sĩ quan thuộc quân đoàn viễn chinh). Ảnh: L’illustration, Journal Universel, số ra ngày 4.7.1861, tr.5

Nguồn: HathiTrust Digital Library

Bấy giờ, Lâm Duy Thiếp tuổi gần 70, khí huyết suy nhược, sau khi trao đổi hòa ước thư xong “chợt bị di chứng thổ tả, uống thuốc không có công hiệu, từ giã cõi đời. Sứ bộ hai nước đưa 400 lạng bạc trắng tới điếu tang” (Cao Tự Thanh, Hai tờ báo chữ Hán ở Nam kỳ đầu thời Pháp thuộc, sđd, tr.153). Sử gia Prosper Cultru thì viết rằng, Lâm Duy Thiếp “chết do tiêu chảy, vào ngày hôm sau [28 tháng 2 âm lịch (15.4.1863)]” (Prosper Cultru, Lịch sử Nam kỳ thuộc Pháp (từ sơ khởi đến năm 1883), Ninh Xuân Thao dịch, MaiHaBooks và NXB Thế giới, 2021, tr.111).

Theo tường thuật trên Gia Định báo (chữ Hán), số tháng 3 âm lịch năm 1863, sáng sớm ngày 29 tháng 2 âm lịch (16.4.1863), Phan Thanh Giản đưa sứ bộ hai nước vào hoàng thành, 80 quân tùy tùng dừng lại ở Hữu Tướng quân xưởng. “Chợt nghe tiếng nhạc trỗi lên, bóng cờ lay động, phát ba tiếng pháo, là đại hoàng đế nước Đại Nam ra ngự trên điện. Lần này Phan Thanh Giản đưa sứ thần hai nước tới bệ son sắp hàng […]. Sứ thần lại làm lễ cúi đầu ba lần rồi theo lối bên cạnh đi ra, gặp quan viên văn vũ hai ban thì kính lễ vái chào năm vái. Kế phát ba tiếng pháo, Đại hoàng đế ngự vào nội điện, đại thần sáu bộ đưa sứ thần vào Tướng quân xưởng, bày tiệc khoản đãi cực kỳ vui vẻ” (Cao Tự Thanh, Hai tờ báo chữ Hán ở Nam kỳ đầu thời Pháp thuộc, sđd, tr.151 - 153).

Viết về cuộc tiếp đón này, sử gia Prosper Cultru nhận xét rằng: “Tự Đức do đó đã tiếp ‘bọn dã man’ mà vì bọn họ, nhà vua buộc sẽ phải vi phạm các lễ nghi truyền thống. […] Đây là lần đầu tiên vị hoàng đế gặp người ngoại quốc, lần đầu tiên người ta thấy ở Huế một đội quân Âu châu” (Prosper Cultru, Lịch sử Nam kỳ thuộc Pháp (từ sơ khởi đến năm 1883), sđd, tr.111).

Sứ thần hai nước lưu lại kinh vài ngày trước khi khởi hành về lại Sài Gòn ngày 19.4.1863, đoàn di chuyển theo đường sông ra Đà Nẵng, tại đây lên thuyền Granada về đến Sài Gòn ngày 25.4.1863. Sự việc này được quốc sử quán triều Nguyễn ghi chép như sau: “Sứ 2 nước Phú Lãng Sa và Y Pha Nho về Gia Định. Vua sai Phan Thanh Giản cùng đi. Khi ấy sứ thần nói: Về lần này sẽ giao trả Vĩnh Long, nên sai cùng đi, để giao nhận cho xong việc trước” (Đại Nam thực lục, tập 7, sđd, tr.806).

Vua Tự Đức bảo với Phan Thanh Giản, rằng “trong thư nghị hòa có nói: Khi nước có việc hoãn cấp, họ cũng cùng phải giúp ta. Mới đây, miền Bắc, bọn giặc ở sông nước từng thuê tàu của Tây dương, ở miền Nam Cao Miên làm ngăn trở, cũng nghe tin là do viên tướng ấy [Bonard] chủ trương sai bảo. Nếu không có việc ấy, nên khéo nói với họ, làm thế nào để cùng giúp cho nhau, đó cũng là một chước hay để yên cõi ven vậy. Lại, 3 tỉnh nay đã về tay họ rồi, nên bàn đến việc đường trạm, cho đường sá đi được đều nhau. Đến cả sự lệ việc thông thương ở cả 3 cửa biển, cũng nên định rõ. Trong ngoài 1 tháng phải làm cho xong rồi về Kinh” (Đại Nam thực lục, tập 7, sđd, tr.806).

Phần nội dung trên Gia Định báo (chữ Hán) số tháng 3 âm lịch năm 1863 mang đến nhiều thông tin chi tiết về chuyến đi Huế của hai sứ thần Bonard và Palanca hơn các ghi chép của quốc sử quán triều Nguyễn, như việc hai bên trao đổi hòa ước thư đã được phê chuẩn đóng dấu tại Phu Văn lâu ngày 14.4.1863 vốn không được quốc sử nhắc đến (sử gia Prosper Cultru cũng viết về buổi lễ trao đổi hòa ước thư ngày 14.4.1863 nhưng không nhắc đến địa điểm), hoặc những miêu tả về hoàng thành “nhìn thấy điện các trùng trùng, lâu đài lớp lớp, tuy cung khuyết pha lê, cảnh vật Bồng Lai cũng chưa được hoành tráng như vậy”… là những sử liệu rất có giá trị.

Người Pháp nổ súng tấn công thành Gia Định ngày 17.2.1859 và tiếp tục đẩy lùi quân đội triều Nguyễn về phía Tây Nam kỳ, nhưng phải đến khi Hòa ước Nhâm Tuất (1862) chính thức ký kết và phê chuẩn (tháng 4.1863), họ mới được triều đình Huế thừa nhận là chủ ba tỉnh miền Đông Nam kỳ.

Đó là thái độ và cách triều đình Huế đối diện với liệt cường phương Tây trong giai đoạn đầu đối kháng Pháp - Việt. Quân và dân Nam kỳ lục tỉnh không nghĩ thế, họ vẫn tiếp tục đứng lên cầm vũ khí trường kỳ kháng Pháp.

Từ hòa đàm đến Hòa ước Nhâm Tuất 1862

Những cuộc hòa đàm đầu tiên

Việc giảng hòa Pháp - Đại Nam

Triều đình Huế bước đầu nhượng bộ

Trước nguy cơ mất Gia Định, Định Tường, Biên Hòa

Triều đình Huế suy tính thiệt hơn

Ký Hòa ước Nhâm Tuất tại gian lều Hòa bình

Cuộc tiếp đón sứ bộ Pháp và Tây Ban Nha

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.