Từ học sinh giỏi toán đến kỹ sư phần mềm cấp cao tại Mỹ

26/01/2023 06:15 GMT+7

Dù mới 33 tuổi nhưng Lương Hoài Xuân đã trở thành một kỹ sư phần mềm cấp cao được nhiều tập đoàn hàng đầu thế giới mời làm việc.

Không chỉ thu nhập trên 200.000 USD/năm, công việc này còn giúp chàng trai trẻ thực hiện ước mơ du lịch vòng quanh thế giới.

Anh Xuân (hàng trên, giữa) cùng các đồng nghiệp tại Google

NVCC

Đầu quân cho nhiều tập đoàn nước ngoài

Anh Lương Hoài Xuân (33 tuổi) rất yêu thích môn toán. Ngay từ bậc tiểu học, anh đã giành được giải thưởng học sinh giỏi toán cấp thành phố. Ở Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong, anh cũng đoạt giải nhất kỳ thi học sinh giỏi toán cấp thành phố năm lớp 12.

Cựu học sinh trường chuyên chọn ngành khoa học máy tính ở bậc ĐH. “Dù thời điểm đó mình đứng trước nhiều lựa chọn học y, xây dựng nhưng lại quyết định học công nghệ thông tin. Bởi với mình máy tính là cả một thế giới, một lĩnh vực rất gần toán học và cho cảm giác hứng thú giống như làm toán nhưng lại mới lạ”, chàng kỹ sư trẻ chia sẻ.

Lương Hoài Xuân

Hà Ánh

Với định hướng đó, anh Xuân đã theo học ngành khoa học máy tính chương trình kỹ sư tài năng tại Trường ĐH Bách khoa TP.HCM. Sau 3 năm rưỡi học tập tại ngôi trường này, anh quyết định sang Bồ Đào Nha trao đổi học tập 1 năm. Ở học kỳ cuối cùng bậc ĐH, sinh viên ngành khoa học máy tính này được chọn qua Thụy Sĩ làm luận văn tốt nghiệp. Trong thời gian 4 tháng làm việc tại phòng nghiên cứu có giáo sư hướng dẫn, luận văn tốt nghiệp của anh được đánh giá xuất sắc cùng với xuất bản bài báo khoa học quốc tế.

Từ kết quả tốt nghiệp ĐH loại giỏi, anh Xuân đã nộp hồ sơ học tiếp chương trình thạc sĩ chuyên ngành khoa học máy tính tại Trường EPFL (Thụy Sĩ). Dù học tập tại ngôi trường thuộc top 20 bảng xếp hạng thế giới về lĩnh vực khoa học máy tính nhưng học viên cao học đến từ Việt Nam này vẫn giành được huy chương bạc cuộc thi lập trình ACM-ICPC tổ chức tại Tây Ban Nha. Bước vào năm thứ hai chương trình thạc sĩ, anh bắt đầu tham gia thực tập cho một công ty của Mỹ tại Thụy Sĩ. Sau 2 năm học tập, cầm trên tay tấm bằng tốt nghiệp, thạc sĩ khoa học máy tính chính thức đầu quân cho Công ty Bloomberg - công ty của Mỹ có chi nhánh tại London (Anh) vào năm 2015. Làm việc hơn một năm anh chuyển sang công tác tại trụ sở chính của Bloomberg tại New York (Mỹ).

Sau khoảng hơn 2 năm gắn bó với Bloomberg, anh Xuân lại được Google liên hệ mời phỏng vấn. Nhớ lại thời điểm này, anh chia sẻ: “Từ một công ty đứng đầu thế giới về dịch vụ thông tin tài chính, tôi rất muốn biết cảm giác được làm việc trong một công ty lớn với hàng trăm triệu, thậm chí hàng tỉ người sử dụng sản phẩm công nghệ như thế nào nên đã quyết định gia nhập Google vào đầu năm 2018”. Rồi cơ hội việc làm rộng mở lại đến, anh nhận được lời mời phỏng vấn của Square và chính thức làm việc tại đây vào tháng 7.2020. Nhưng với định hướng nghề nghiệp mới - phát triển bản thân theo hướng chuyên sâu hơn, anh hiện là kỹ sư phần mềm cấp cao của Affirm từ tháng 8 năm nay.

Việc tạo cho mình một thói quen suy nghĩ vượt ra bên ngoài giới hạn của vấn đề kỹ thuật cũng được các công ty công nghệ hàng đầu mong muốn tìm kiếm.

Lương Hoài Xuân

Nói về cơ hội làm việc trong các tập đoàn lớn, anh Xuân chỉ khiêm tốn nhìn nhận: “Ngoài sự chuẩn bị cần thiết thì trước tiên phải kể tới yếu tố may mắn”. Từ kinh nghiệm bản thân, anh cho biết toàn bộ quá trình phỏng vấn với các tập đoàn hàng đầu thế giới có thể kéo dài từ 2 - 3 tuần tới vài tháng. “Khó khăn chủ yếu nằm ở việc diễn đạt câu trả lời sao cho người phỏng vấn cảm thấy thuyết phục và tin tưởng rằng họ có thể làm việc được với mình nếu như mình gia nhập công ty”, anh nói.

Hành trình vòng quanh thế giới

Không chỉ được làm công việc thú vị trong môi trường yêu thích, anh Lương Hoài Xuân còn được trả mức lương đáng mơ ước. Kỹ sư phần mềm đến từ Việt Nam này cho biết, ngay thời điểm mới ra trường làm việc tại Anh, tổng thu nhập của anh một năm khoảng 60.000 bảng (hơn 1,7 tỉ đồng). Với kinh nghiệm được tích lũy, khi qua Mỹ, thu nhập tăng hơn gấp đôi với ít nhất hơn 200.000 USD/năm (khoảng 5 tỉ đồng).

Công việc này còn là cơ hội để chàng trai trẻ thực hiện ước mơ được du lịch vòng quanh thế giới của mình. Đặc biệt là giai đoạn từ khi dịch bệnh bùng phát, nhiều công ty công nghệ ở Mỹ cho phép nhân viên lựa chọn làm việc tại nhà toàn thời gian. Nhân viên có thể làm việc từ bất kỳ đâu và không cần phải có mặt ở văn phòng mỗi ngày. “Điều này giúp cho mỗi người có nhiều lựa chọn để thu xếp cuộc sống riêng của mình trong lúc vẫn đảm bảo hoàn thành công việc được giao. Với mình, điều này giúp mình thực hiện được sở thích từ nhỏ là được đi đó đây”, anh chia sẻ.

Từ chuyến đi nước ngoài đầu tiên khi còn là sinh viên Trường ĐH Bách khoa TP.HCM sang Lào theo chiến dịch Mùa hè xanh năm 2008, đến nay anh Xuân đã đặt chân đến hơn 20 quốc gia trên thế giới.

Chia sẻ với những người trẻ, anh Xuân nói: “Nghề kỹ sư phần mềm là một công việc đòi hỏi phải học hỏi liên tục. Vì vậy, việc rèn luyện cho mình khả năng tự học một vấn đề kỹ thuật thật tốt vô cùng cần thiết. Ngoài ra, việc tạo cho mình một thói quen suy nghĩ vượt ra bên ngoài giới hạn của vấn đề kỹ thuật cũng được các công ty công nghệ hàng đầu mong muốn tìm kiếm…”.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.