Quy định "quyền ghi hình, ghi âm CSGT" được nêu cụ thể trong Thông tư 67/2019 của Bộ Công an quy định về thực hiện dân chủ trong công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông, chính thức có hiệu lực từ 15.1.
Cụ thể, điều 11 của Thông tư 67/2019 quy định hình thức giám sát của nhân dân có nêu: “... thông qua thiết bị ghi âm, ghi hình hoặc quan sát trực tiếp nhưng phải đảm bảo các điều kiện sau: không làm ảnh hưởng đến hoạt động bình thường của cán bộ, chiến sĩ khi đang thực thi nhiệm vụ; ngoài khu vực bảo đảm trật tự, an toàn giao thông (đối với nơi có triển khai khu vực bảo đảm trật tự, an toàn giao thông); tuân thủ các quy định pháp luật khác có liên quan”.
Trao đổi với PV Thanh Niên về các quy định trên, đại diện Cục CSGT Bộ Công an cho biết qua giám sát, người dân phát hiện những trường hợp cán bộ chiến sĩ vi phạm thì có thể phản ánh và gửi các video clip hoặc hình ảnh về Cục CSGT, phòng CSGT hoặc công an các địa phương, bằng cách đến đưa trực tiếp hoặc qua cổng thông tin điện tử. Thủ trưởng cơ quan công an có cán bộ, chiến sĩ được nhân dân đề nghị biểu dương, khen ngợi hoặc kiến nghị, phản ánh, góp ý phải có trách nhiệm xem xét để khen thưởng hoặc xử lý kịp thời theo đúng quy định của pháp luật.
Cần đa dạng hình thức tiếp nhận, công khai kết quả xử lý
Tại TP.HCM, Phòng CSGT đường bộ - đường sắt (PC08) Công an TP.HCM cho biết tất cả những thắc mắc của người dân liên quan đến các công tác, cách hành xử của CSGT thuộc phòng đều có thể liên hệ về số đường dây nóng: 0994.676767 hoặc liên lạc qua hộp thư điện tử: csgt-dbds.ca@tphcm.gov.vn. Ngoài ra, người dân cũng có thể đến trực tiếp trụ sở PC08 tại địa chỉ 341 Trần Hưng Đạo, P.Cầu Kho, Q.1 để gửi hình ảnh, clip liên quan. Khi đến cung cấp clip cho CSGT, người dân cần đem theo giấy tờ cá nhân và phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về nội dung clip của mình. Ngoài ra, khi gọi điện thoại đến đường dây nóng của PC08, người dân cũng phải cung cấp họ tên, nghề nghiệp, địa chỉ...
Dân không “mặn” việc đến CSGT trực tiếp cung cấp chứng cứTừ ngày 1.8.2019, PC08 Công an TP.HCM công khai trên các phương tiện truyền thông sẽ trực tiếp nhận tại trụ sở PC08 clip của người dân ghi hình phương tiện có dấu hiệu vi phạm luật Giao thông đường bộ để xác minh, xử lý. Sau hơn 5 tháng triển khai, PC08 cho biết chỉ nhận được 10 clip người dân quay các lỗi vi phạm của người đi đường, nhưng không xử lý được trường hợp vi phạm nào do các clip đều không đủ căn cứ để xác minh xử phạt nguội như không rõ địa điểm, biển số xe...
Một cán bộ CSGT cho biết có thể quy định khi đến cung cấp clip vi phạm cho CSGT, người dân phải đem theo giấy tờ cá nhân, cung cấp họ tên, nghề nghiệp, địa chỉ… khiến họ không mấy “mặn mà” nên quay qua chọn cách đăng tải lên mạng xã hội.
|
Nhiều ý kiến cho rằng trong điều kiện công nghệ thông tin phát triển mạnh như hiện nay, CSGT cần đa dạng các kênh tiếp nhận phản ánh, góp ý của nhân dân để chấn chỉnh lực lượng tốt hơn, đặc biệt qua mạng xã hội. Thực tế thời gian qua, nhiều clip CSGT đôi co với người dân, có lời lẽ hoặc hành vi không đúng chuẩn mực người dân đưa lên mạng xã hội mà không gửi đến cơ quan chức năng. Hầu hết những clip này sau đó được cơ quan chức năng vào cuộc xác minh, xử lý. Mới đây, vào ngày 6.12.2019, một đoạn clip dài 15 giây xuất hiện trên mạng xã hội ghi lại cảnh một CSGT ở TP.HCM đang giải thích lỗi vi phạm cho người quay clip bỗng chửi tục. Ngay sáng hôm sau (7.12), đại diện PC08 cho biết đã xác minh vụ việc này xảy ra tại giao lộ do đội CSGT Bến Thành phụ trách. PC08 đã yêu cầu CSGT này báo cáo vụ việc để trình Ban Giám đốc Công an TP xem xét xử lý...
Bên cạnh việc đa dạng kênh tiếp nhận, nhiều ý kiến cũng yêu cầu cơ quan quản lý phải công khai kết quả giải quyết những trường hợp CSGT mà người dân phản ánh. Qua đó, tạo niềm tin trong nhân dân về thái độ cầu thị của CSGT, khuyến khích người dân giám sát lực lượng này làm đúng khi thực hiện tuần tra kiểm soát, xử lý vi phạm.
Bình luận (0)