Tư liệu lần đầu công bố về Nam Phương hoàng hậu và vua Bảo Đại: Cuộc sống ẩn dật và khó khăn cuối đời

31/03/2023 06:52 GMT+7

Không phải ngẫu nhiên, mẹ nuôi cựu hoàng Bảo Đại là bà Charles đã viết thư thông báo với con mình, rằng: "Con trai lớn thân yêu của má (...) Thiếu vắng con, trong hoàn cảnh như hiện nay quả là một thử thách gay go đối với Mariette". Mariette là tên thánh của Nam Phương hoàng hậu.


Sách Hoàng hậu Nam Phương qua một số tài liệu chưa công bố (NXB Tổng hợp TP.HCM) hé lộ nhiều chi tiết cho biết cựu hoàng Bảo Đại vốn "lơ tơ mơ", ít quan tâm đến chuyện quản lý tài sản, tiền bạc. Đôi lần bà Charles đã nói điều này với bà Agnès - chị vợ của cựu hoàng về việc thúc giục ông ký xác nhận tài sản: "Chắc chắn là V chẳng bao giờ ký, vì con biết đấy. V rất vô tư với vấn đề về tiền bạc mua bán" (thư ngày 18.9.1946). V là viết tắt tên thật Nguyễn Phúc Vĩnh Thụy mà bà gọi con nuôi của mình khi ông du học tại Pháp.

Cuộc sống ẩn dật và khó khăn cuối đời
 - Ảnh 1.

Nơi yên nghỉ của Nam Phương hoàng hậu tại Pháp

QUỲNH NGUYỄN

Khác với những gì trước đây nhiều nhà nghiên cứu cho rằng, sau khi lưu vong, cuộc sống cựu hoàng Bảo Đại cực kỳ túng thiếu, phải sống nhờ vào tiền bạc của tình nhân, thật ra "của chìm của nổi" của ông còn rất nhiều. Trong khi đó, với Nam Phương hoàng hậu lúc xa xứ phải đơn thân, một mình nuôi 5 con nên thiếu trước hụt sau là điều dễ hiểu, mọi thứ chi tiêu đều trông chờ vào trợ giúp của chồng.

Sự túng thiếu này có thể thấy rõ qua nhiều chi tiết trong thư bà viết gửi chồng: Ngày 25.6.1948 lúc Bảo Đại đang ở Hồng Kông, Hoàng hậu Nam Phương tâm sự: "Em quên bẵng đi mất, không đưa cho Mình tờ hóa đơn đặt làm những tấm thảm trải sàn nhà".

Thư viết ngày 26.4.1949, lúc Bảo Đại đã về VN: "Sau hôm Mình rời khỏi nhà, em nhận tới tấp một loạt hóa đơn đòi thanh toán các khoản tiền thuê ga để ô tô, tiền chụp ảnh, tiền thuê phòng, nhà nghỉ… vân vân… nhiều lắm". Đã thế, "Tài khoản của em đang bắt đầu cạn dần. Từ ngày Mình trở lại người đứng đầu của nhà nước thì các hóa đơn đòi thanh toán các khoản cũng tăng theo".

Còn các việc khác, Nam Phương hoàng hậu đều trông chờ vào khối tài sản của chồng. Khi mua ngôi biệt thự tại Rabat, bà viết trong thư ngày 30.11.1950: "Em không còn tiền, số tiền Mình đưa cho em khi ra đi đã cạn vì làm những việc như lợp mái, sửa chữa những gian phòng bị thấm nước, cũng như những việc phải tu bổ ở Valberg".

Hết sức bất ngờ, khi chúng ta biết thêm một chi tiết oái oăm, rằng, con trai trưởng Bino (tức Hoàng thái tử Nguyễn Phúc Bảo Long) lái chiếc xe Jaguar đã cũ mèm, trong lần đang chạy xe đã tông vào ụ đá chất đống ở bên đường, "chiếc xe bị hư vỏ bọc và hai bánh xe bên trái". Thư ngày 23.1.1954, bà than tiếp với chồng: "Hiện nay em đang chờ những chiếc bánh ô tô từ Italy gửi sang để lắp vào chiếc xe Jaguar cho đồng bộ… Trong thời gian chờ sửa xe, Bino dùng tạm chiếc Bentley hoặc chiếc Muntj của Ba để thử đi…".

Tuy nhiên, sự tằn tiện, "liệu cơm gắp mắm" của Nam Phương hoàng hậu nơi xứ người hầu như không được Bảo Đại quan tâm lắm, bằng chứng là trong thư ngày 22.10.1951, bà cho rằng mình rất ngạc nhiên: "Em không ngờ Mình lại tậu những hai chiếc máy bay. Mình thật đáng yêu vì đã nghĩ đến việc dành một chiếc cho em". Rồi từ thực tế của cuộc sống hằng ngày tại Pháp, bà đâm ra đắn đo, tính toán: "Nhưng nếu dùng máy bay này của Mình để đi Paris thì cứ mỗi cây số bay em sẽ phải trả một khoản tiền bằng chi phí có thể bằng cả một tháng tiêu xài thoải mái ở nơi này, nếu đi bằng xe lửa. Đi máy bay thì rất tiện nghi nhưng em không hề muốn sử dụng một chiếc nào cho riêng em". Sự lựa chọn này, hoàn toàn hợp lý trong hoàn cảnh của bà và các con nơi đất khách quê người.

Năm tháng sống nơi xứ người, Nam Phương hoàng hậu xác định: "Em xin góp một phần nhỏ bằng sự hy sinh không ở bên Mình để Mình được rảnh rang mà hoàn thành sứ mệnh" (thư ngày 3.5.1949).

Cuối cùng, Bảo Đại đã không hoàn thành sứ mệnh như bà mong muốn: Ngày 23.10.1955, tại miền Nam diễn ra cái gọi là cuộc "trưng cầu dân ý", qua đó, Thủ tướng Ngô Đình Diệm giữ chức Quốc trưởng thay thế Bảo Đại bị truất phế. Ngày 16.12.1957, ông Ngô Đình Diệm ký Dụ 17/57 tịch thu tất cả tài sản của vợ chồng Bảo Đại và một số người thân tín.

VÀI CHI TIẾT CÒN TRANH CÃI TRÊN MỘ

Từ năm 1958 đến khoảng thời gian còn lại cuối đời, Nam Phương hoàng hậu chọn cuộc sống ẩn dật, xa lánh mọi mối quan hệ. Bà mua một trang trại tại làng Chabrignac thuộc tỉnh Corrèze, cách thủ đô Paris 450 cây số. Hiện nay, biệt thự của bà ở số 4 rue de la Basse Perche, phía trước cổng vào vẫn còn tấm bảng đồng ghi dòng chữ "Domaine de la Perche" (tạm dịch: Biệt thự hoa đào).

Bà qua đời vào đêm 14.9.1963, được an táng tại nghĩa trang Chabrignac. Ngôi mộ của bà đơn giản như biết bao nơi yên nghỉ bình thường của những người khác. Phía trước mộ có tấm bia đá ghi dòng chữ Hán: "Đại Nam Nam Phương hoàng hậu chi lăng", mặt mộ phẳng, đắp nổi cây thánh giá, kế tiếp có dựng tấm bảng nhỏ bằng xi măng ghi dòng chữ:

"Ici repose l'impératrice Nam Phuong née Jeanne Mariette Nguyen Huu Hao 14.11.1913 - 15.9.1963" (dịch nghĩa: Đây là nơi an nghỉ của hoàng hậu tên Jeanne Mariette Nguyen Huu Hao 14.11.1913 - 15.9.1963).

Về thông tin tấm bảng trên mộ có hai chi tiết còn chưa thống nhất: Một là ngày sinh của bà, nếu đúng phải ghi là ngày 17.11.1913 (mộ ghi ngày 14.11.1913).

Chi tiết thứ hai: Về ngày mất của Nam Phương hoàng hậu, có 3 nguồn tài liệu hiện nay khác nhau: có báo điện tử thông tin bà mất ngày 16.9, trong khi tấm bảng trên mộ bà lại ghi ngày 15.9.1963, còn tài liệu của nhà nghiên cứu Nguyễn Đắc Xuân là ngày 14.9.1963. Nay, rất cần xác định lại cho rõ và thống nhất.

Bình luận (1)

avatar-user
Minh Đức

Thương bà, một người phụ nữ đẹp, phúc hậu nhưng nghịch cảnh đã lấy đi người đàn ông của bà và các con.

Trả lời 0 2 năm trước
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.