Chàng sinh viên nghèo đi bốc vác kiếm tiền ăn học
GS-TS Nguyễn Trung Việt (49 tuổi), tốt nghiệp tiến sĩ tại ĐH Tohoku, Nhật Bản năm 2007 và được công nhận là giáo sư vào năm 2018. GS Việt đã có những đóng góp to lớn cho ngành thủy lợi nói chung và đặc biệt là ngành kỹ thuật xây dựng công trình thủy nói riêng. Hiện ông là Phó hiệu trưởng Trường ĐH Thủy lợi.
Ít ai biết rằng thời sinh viên, ông đã từng phải đi bốc vác thuê để kiếm tiền ăn học. "Tôi sinh ra và lớn lên ở xã Vĩnh Thành, H.Yên Thành, Nghệ An trong một gia đình nghèo khó. Bố tôi là thương binh chống Pháp và chống Mỹ, bị mất một tay, mẹ tôi thường xuyên đau yếu, lại nuôi 5 anh em ăn học, tôi là con út trong gia đình", ông chia sẻ.
Năm 1993, ông vào Trường ĐH Thủy lợi, theo học ngành công trình thủy lợi. Khi ấy, gia đình ông chỉ chu cấp được 150.000 đồng/tháng. Để có tiền ăn học, ông đi làm thêm đủ nghề, từ nặn than, bốc gạch, phụ giúp việc lắp điều hòa…, ai thuê gì ông làm nấy. Vì nhà nghèo, nên ông khá tự ti. Năm đầu tiên, dù được nhà trường cử đi thi Olympic Toán học toàn quốc, nhưng ông không dám dự thi. Sau đó, thấy bạn học cùng khóa đi thi đạt giải, nên ông đã mạnh dạn tham gia và đã có 2 năm đạt thành tích cao: giải nhất Olympic cơ học môn sức bền - vật liệu năm 1996; giải nhì Olympic môn cơ học đất năm 1997.
Nhờ nỗ lực đó, năm 1996 chàng sinh viên nghèo đã được Báo Thanh Niên trao học bổng Nguyễn Thái Bình với mức 1 triệu đồng/suất (tương đương với 2 chỉ vàng vào thời điểm đó) và học bổng đã trở thành dấu ấn sâu sắc trong cuộc đời của ông. Với suất học bổng và tiền dành dụm được khi đi làm thêm, ông đã trích ra mua được cho bố mẹ một chiếc nồi cơm điện. "Nhận học bổng quý lắm. Tôi thương bố mẹ ở quê phải đun nấu bằng rơm rạ. Mẹ tôi yếu, nên bố tôi thường phải nấu cơm, cứ dùng một tay còn lại quèo rơm rạ nấu bếp, nhìn thương lắm. Vì thế, tôi đã dành một phần tiền học bổng để mua cho bố mẹ một chiếc nồi cơm điện", ông xúc động nhớ lại.
Động lực vươn tới thành công
Học bổng Nguyễn Thái Bình không chỉ có giá trị về vật chất, mà đó là động lực tinh thần giúp ông cố gắng vươn lên, xóa bỏ mặc cảm tự ti, thôi thúc ông trên hành trình chinh phục nhiều thành công khác. "Từ học bổng Nguyễn Thái Bình của Báo Thanh Niên, tôi đã mạnh dạn, tự tin đăng ký các học bổng khác ở trong và ngoài nước và đã nhận được nhiều học bổng có giá trị để hoàn thành các bậc học thạc sĩ, tiến sĩ", ông chia sẻ.
Ông đã hoàn thành luận án tiến sĩ tại ĐH Tohoku và trở về công tác tại Trường ĐH Thủy lợi. Trong quá trình giảng dạy và nghiên cứu, ông được mời thuyết trình tại nhiều hội nghị uy tín trên thế giới, chấm luận án tiến sĩ ở một số ĐH danh tiếng như: ĐH Công nghệ Delft (Hà Lan), ĐH Curtin (Úc), ĐH Aix-Marseille và ĐH Toulouse (Pháp). Ông cùng nhóm nghiên cứu đã đạt được nhiều giải thưởng nghiên cứu khoa học trong và ngoài nước như: Giải thưởng cho bài báo có tính ứng dụng cao tại Hội nghị khoa học cơ học thủy khí toàn quốc lần thứ 19 năm 2017…
Năm 2014, ông cũng được Quỹ thúc đẩy khoa học Nhật Bản (JSPS) mời nghiên cứu, hợp tác tại ĐH Tohoku. Ông vinh dự được bổ nhiệm là ủy viên Ban điều hành Hội quốc tế nghiên cứu và kỹ thuật thủy văn - môi trường, vùng châu Á - Thái Bình Dương (IAHR - APD) và ủy viên Ban điều hành Hội kỹ thuật biển vùng châu Á - Thái Bình Dương (APAC). Từ năm 2019, ông là ủy viên Hội đồng Giáo sư nhà nước chuyên ngành thủy lợi. Đặc biệt, năm 2022, GS Việt được trao Giải thưởng hợp tác quốc tế xuất sắc của Hiệp hội Kỹ sư xây dựng Nhật Bản (JSCE).
Chia sẻ về kỷ niệm của mình nhân dịp 20 năm Báo điện tử Thanh Niên (Thanh Niên Online), ông Việt cho biết giờ đây khi nói chuyện với sinh viên, ông luôn tự hào kể về suất học bổng Nguyễn Thái Bình. Trong lý lịch khoa học của mình, ông luôn trân trọng ghi thành tích đầu tiên là "Học bổng Nguyễn Thái Bình do Báo Thanh Niên trao tặng", bởi nó đã giúp ông cố gắng vươn lên, để được như bây giờ.
Ông mong muốn Báo Thanh Niên tiếp tục duy trì quỹ học bổng và có nhiều hình thức hỗ trợ học sinh nghèo để góp phần cổ vũ thanh niên, sinh viên sống có lý tưởng, hoài bão, tiếp bước thế hệ đi trước, ngày càng nỗ lực vươn lên, phát triển bản thân và đóng góp cho đất nước.
"Thông tin trên Báo điện tử Thanh Niên luôn đảm bảo nhanh nhạy, chính xác, có độ lan tỏa lớn trong xã hội nhờ các kênh thông tin đa nền tảng. Vì thế ảnh hưởng của Báo điện tử Thanh Niên là rất lớn. Đây cũng là kênh thông tin quan trọng để định hướng giáo dục và cổ vũ thanh niên, sinh viên trên con đường học tập và rèn luyện, ứng dụng khoa học công nghệ để vươn tới thành công. Tôi mong rằng Báo tăng cường hợp tác với các trường ĐH tổ chức các hoạt động bổ ích cho sinh viên, như vừa qua đã tổ chức Giải bóng đá Thanh Niên Sinh viên VN tại Trường ĐH Thủy lợi, mang lại rất nhiều cảm xúc cho cộng đồng sinh viên nói chung và sinh viên của trường nói riêng", GS Việt chia sẻ.
Từ học bổng Nguyễn Thái Bình của Báo Thanh Niên, tôi đã mạnh dạn, tự tin đăng ký các học bổng khác ở trong và ngoài nước và đã nhận được nhiều học bổng có giá trị để hoàn thành các bậc học thạc sĩ, tiến sĩ.
—GS-TS Nguyễn Trung Việt
Bình luận (0)