Tuổi 20 chỉ huy giành chính quyền

Mai Thanh Hải
Mai Thanh Hải
19/08/2020 06:07 GMT+7

Mấy lần hẹn, chúng tôi mới gặp được đại tướng Nguyễn Quyết, nguyên Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội Nhân dân Việt Nam, nguyên Phó chủ tịch Hội đồng Nhà nước.

Trong góc sân ở khu tập thể quân đội số 4 (Q.Hai Bà Trưng, Hà Nội), người lính già tóc bạc phơ nhớ lại tuổi 20 đã chỉ huy giành - giữ chính quyền thời điểm Cách mạng Tháng Tám (19.8.1945)...

Bỏ tu hành để theo cách mạng

Sinh năm 1922 ở Hưng Yên, ông Nguyễn Quyết (tên thật là Nguyễn Tiến Văn) được may mắn đi học. Năm 1937, xong tiểu học lúc 15 tuổi, ông lên Hà Nội tự tìm việc làm nuôi thân và cũng để tìm gặp những người cách mạng. Công việc đầu tiên của ông là làm văn thư, phát hành Báo Đuốc Tuệ nằm trong chùa Quán Sứ, và từ 1938 tham gia tích cực vào phong trào của nhóm công nhân nhà in Báo Đuốc Tuệ.

“Chiều 18.8.1945, anh em công nhân xưởng Avia mang ô tô đi lấy vũ khí bên Gia Lâm. Khi về qua cầu Long Biên bị lính Nhật khám xét và đưa hết cả cờ cách mạng, vũ khí về giam giữ tại bộ tham mưu Nhật ở phố Phạm Ngũ Lão. Thấy sự việc có thể ảnh hưởng đến kế hoạch khởi nghĩa, chúng tôi huy động hàng nghìn công nhân kéo đến chỗ quân Nhật đòi trả người, súng và tiếp tục huy động quần chúng đến hỗ trợ, biến thành cuộc mít tinh lớn. Quân Nhật đưa xe tăng và binh lính ra uy hiếp. Chúng tôi cho khênh tủ, bàn ghế và mọi thứ cồng kềnh làm chướng ngại vật dọc phố Tràng Tiền và huy động quần chúng bao vây tứ phía. Quân Nhật nhượng bộ trả cờ, hẹn hôm sau trả người và súng. Chúng tôi tiếp tục gây sức ép, chúng trả người, còn súng thì giữ với lý do “sợ Việt Minh lấy súng đánh Nhật”. Tôi phải giải thích: “Đây là súng để nhân dân giành độc lập. VN sẽ không đánh Nhật nếu Nhật không can thiệp vào công việc nội bộ của VN”. Giằng co mãi, 12 giờ đêm, quân Nhật mới trả cả người và súng”... 

Đại tướng Nguyễn Quyết 

“Biết tôi tham gia hoạt động cách mạng, sư cụ phụ trách chùa khuyên tôi đi tu để thoát khỏi nỗi khổ trần tục, chứ đi làm cách mạng là con đường nguy hiểm”, đại tướng Nguyễn Quyết nhớ lại, và cười: “Tôi lại nghĩ muốn thoát khỏi bị áp bức bóc lột thì phải đấu tranh. Chỉ có làm cách mạng và chỉ những người cộng sản mới lật đổ chế độ cai trị của đế quốc, phong kiến”.
Cuối 1939, ông Quyết về Hưng Yên. Với danh nghĩa phóng viên Báo Đuốc Tuệ, ông đã giác ngộ và xây dựng quần chúng trong các tổ chức Thanh niên phản đế, Nông dân phản đế, Phụ nữ phản đế... Đầu 1940, ông được kết nạp vào Đảng Cộng sản Đông Dương. Tháng 8.1943, Bí thư Xứ ủy Bắc kỳ Hoàng Quốc Việt điều ông Nguyễn Quyết về bổ sung cho Ban Cán sự Hà Nội, với lý do “đã có thời gian hoạt động ở Hà Nội, có kinh nghiệm xây dựng cơ sở và chống địch khủng bố”...
Thời điểm này, ông Nguyễn Quyết mới 21 tuổi.
Tuổi 20 chỉ huy giành chính quyền

Đại tướng Nguyễn Quyết kể lại những ngày lịch sử tháng 8.1945

ẢNH: VIỆT VĂN

Mở đường vào nhà máy

Cuối năm 1943, Ban Cán sự Đảng của Hà Nội chỉ có 3 người, gồm Trưởng ban Lê Quang Đạo (phụ trách văn hóa), ông Vũ Quý (phụ trách thanh niên) và ông Nguyễn Quyết (phụ trách ngoại thành - công nhân). Từ làng Bưởi (vùng ven đô, sát thành phố), ông Quyết phát triển cơ sở sang An Phú, Dịch Vọng, Cầu Giấy, Cổ Nhuế, Xuân Tảo..., tạo thế đứng vững chắc cho ban cán sự, các đoàn thể và lực lượng vũ trang, từ ngoại thành vào phát triển trong nội thành.
Thời điểm này, Hà Nội là thành phố có nền công nghiệp tập trung. Tuy nhiên, phong trào công nhân gặp rất nhiều khó khăn do bị khủng bố, phải nằm im. Ông Nguyễn Quyết đã thành lập Ban Công vận thành phố do ông làm trưởng ban. “Chúng tôi phục hồi các cơ sở cũ trong số công nhân, thợ thủ công có gia đình và quê quán ở ngoại thành. Với những nhà máy lớn thì phải thâm nhập dưới dạng làm công nhân, cu ly để gần gũi và tổ chức công nhân... Đầu 1944, phong trào công nhân cứu quốc phát triển khá tốt. Từ giữa 1944, chúng tôi lãnh đạo công nhân đình công, bãi công đưa yêu sách đòi tăng lương, cải thiện đời sống. Từ cuối 1944, các xí nghiệp lớn trong thành phố đều có tổ chức tự vệ để đưa đón cán bộ, chống địch khủng bố”, đại tướng Nguyễn Quyết nhớ lại và hồi tưởng: “Sau này, khi miền Bắc giải phóng, lục hồ sơ của địch, mới biết chúng theo dõi tôi rất chặt chẽ. Chánh mật thám Bắc kỳ đã chỉ thị: “Tôi đặc biệt lưu ý các ông, gần đây, tên Nguyễn Quyến (bí danh của tướng Nguyễn Quyết thời điểm 1942 - 1943) đột nhiên biến mất. Các ông hãy cho tài tử, chỉ điểm đặc biệt đi lùng sục”.
“Hè 1944, tôi được cử đi dự lớp tập huấn quân sự 15 ngày do Trung ương mở ở Thái Nguyên. Nội dung tập huấn là chuẩn bị khởi nghĩa và chiến thuật du kích. Trước khi đi, chúng tôi được phổ biến là sẽ có chương trình về nghiên cứu vũ khí, nên ai cũng hào hứng. Vào lớp học rồi mới biết là không có vũ khí, mà chỉ được học cách làm thế nào để lấy vũ khí của địch để đánh địch”, đại tướng Nguyễn Quyết cười sảng khoái.

Các nhân chứng là cán bộ tiền khởi nghĩa tìm lại gương mặt mình trong những bức hình lịch sử của 75 năm về trước

ẢNH: MAI THANH HẢI

Nếu chậm là mất thời cơ

Cuối năm 1944 đầu 1945, tình hình thế giới và trong nước có nhiều thuận lợi. Tổng bộ Việt Minh kêu gọi nhân dân sắm vũ khí đuổi kẻ thù chung. Không khí cách mạng sôi sục khắp nơi, đòi hỏi Hà Nội phải chuẩn bị gấp rút. Thành ủy Hà Nội giao cho các đoàn thể xây dựng các đội tự vệ chiến đấu, phát triển mạnh các đoàn thể cứu quốc và chuẩn bị lực lượng vũ trang làm nòng cốt cho khởi nghĩa.
Ngày 15.8.1945, Nhật tuyên bố đầu hàng Liên Xô và các nước đồng minh. Ở Hà Nội, quân Nhật rút về phòng thủ trong doanh trại. Tuy chưa nhận được lệnh khởi nghĩa của Trung ương, nhưng trước cao trào mạnh mẽ của quần chúng và căn cứ chỉ thị “Nhật - Pháp bắn nhau và hành động của chúng ta”, Thành ủy Hà Nội nhận định thời cơ khởi nghĩa đã đến. Theo Chỉ thị của Xứ ủy Bắc kỳ, tối 15.8.1945, Thành ủy Hà Nội triệu tập hội nghị quân sự bất thường ở chùa Hà (Dịch Vọng), bàn kế hoạch chuẩn bị giành chính quyền ở Hà Nội. Ngày 16.8.1945, Ủy ban Khởi nghĩa Hà Nội được thành lập gồm 5 người, ông Nguyễn Khang (Thường vụ Xứ ủy Bắc kỳ) làm trưởng ban và ông Nguyễn Quyết (lúc này là Bí thư Thành ủy Hà Nội) phụ trách quân sự. Công việc đầu tiên ủy ban phải làm là tổ chức lực lượng phá cuộc mít tinh do Tổng hội viên chức chế độ cũ tổ chức chiều 17.8.1945, biến cuộc mít tinh của địch thành của ta, với quy mô lớn và đông đảo tự vệ tham gia.
Đúng như kế hoạch, cuộc mít tinh của Tổng hội viên chức chế độ cũ đã biến thành cuộc biểu dương sức mạnh, khiến người dân càng tin tưởng vào sức mạnh của Việt Minh và mong khởi nghĩa nổ ra từng giờ. Ngay tối 17.8.1945, khi cuộc tuần hành chưa giải tán, ông Nguyễn Quyết, với trách nhiệm Bí thư Thành ủy kiêm Ủy viên quân sự trong Ủy ban Khởi nghĩa, lập tức họp Thành ủy Hà Nội mở rộng tại thôn Dịch Vọng Tiền (Cầu Giấy). Tại cuộc họp có ý kiến “lực lượng quân sự của ta còn yếu, phải chờ chỉ thị của Trung ương và Xứ ủy Bắc kỳ”, nhưng bàn đi bàn lại, mọi người thống nhất “nếu chậm là mất thời cơ”.
“Chúng tôi quyết định huy động quần chúng do các đội tự vệ, tuyên truyền xung phong dẫn đầu, chiếm các nơi quan trọng trong nội thành như Phủ khâm sai, Trại bảo an binh, Tòa thị chính, Ty liêm phóng... Thời gian khởi nghĩa là sáng 19.8.1945, sẽ tổ chức mít tinh hiệu triệu quần chúng đánh đổ chính quyền bù nhìn, sau đó biến thành cuộc tuần hành vũ trang thị uy xong lên chiếm các cơ quan trọng yếu trong thành phố. Số người đi cướp chính quyền khoảng 10 vạn”, đại tướng Nguyễn Quyết rành mạch và trầm giọng: “Cuộc họp kéo dài đến gần sáng mới xong. Tôi yêu cầu các cán bộ về huy động lực lượng không phổ biến đi cướp chính quyền mà chỉ nói là đi dự mít tinh để giữ bí mật và tạo bất ngờ. Cả ngày 18.8.1945, cả Hà Nội nằm im, chờ ngày mai khởi nghĩa”...
Lúc ấy, Bí thư Thành ủy Hà Nội Nguyễn Quyết, 2 ngày nữa mới tròn 23 tuổi.
(còn tiếp)
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.