Tuổi teen lỡ mang thai, phải làm sao?

Thúy Hằng
Thúy Hằng
28/10/2021 06:00 GMT+7

Nhiều học sinh tuổi teen lỡ mang thai và câu chuyện ngoài ý muốn này là nỗi đau của không ít các gia đình. Các em phải làm sao, gặp ai để được chia sẻ và tìm hướng giải quyết?

Một dự án tập trung về vấn đề tuổi teen lỡ mang thai, thì phải làm sao? do sinh viên các trường đại học tại TP.HCM và Hà Nội thực hiện, vừa chiến thắng cuộc thi “Bệ phóng ý tưởng kiến tạo xã hội”. Cuộc thi do Youth+ và Trung tâm hỗ trợ khởi nghiệp và chuyển giao tri thức, Đại học Quốc gia Hà Nội tổ chức.

5 bạn trẻ thành viên dự án

NVCC

Từ thực trạng nhức nhối

Dự án mang tên Teenmoms (Những bà mẹ tuổi teen), là doanh nghiệp xã hội hướng tới cung cấp thông tin, kiến thức và kỹ năng về sức khỏe sinh sản dành cho các bạn trong độ tuổi từ 13 - 19 mang thai ngoài ý muốn. Dự án thực hiện trên nền tảng trực tuyến với hệ sinh thái bao gồm: cộng đồng kết nối - sự kiện chia sẻ kiến thức - khóa học sinh sản - dịch vụ tham vấn tâm lý. Lương Thị Khánh Huyền, sinh viên năm 3 Trường ĐH Kinh tế quốc dân, cho biết nhóm của cô chọn vấn đề này từ một thực trạng nhức nhối.

“Tôi sinh ra và lớn lên ở một vùng quê Hà Tĩnh, gần như mỗi học kỳ đều có 1 - 2 học sinh mang thai. Những bạn trẻ lỡ dại ấy phải chịu rất nhiều thiệt thòi, vì thiếu người đồng hành, lắng nghe, hỗ trợ các bạn. Mang thai ở tuổi chưa trưởng thành, cơ thể chưa phát triển hoàn chỉnh, nạo phá thai không an toàn khiến các bạn dễ gặp biến chứng tử cung, buồng trứng, dẫn tới vô sinh. Điều nghiêm trọng là các bạn dễ bị tổn thương tâm lý, nhiều bạn không chịu nổi áp lực và tự tử. Chúng ta nói nhiều về giáo dục giới tính, về cách “phòng cháy”, nhưng ít có dự án nào nói về “chữa cháy”, dám thẳng thắn nhìn nhận thực trạng nhạy cảm này và có giải pháp”, cô nói về lý do nhóm quyết tâm xây dựng dự án.

Có vẽ đường cho hươu chạy ?

Trả lời câu hỏi của PV Thanh Niên “dự án có đang “vẽ đường cho hươu chạy”, để tuổi teen “vô tư” quan hệ tình dục và có thai vì đã có người “lo giùm” hay không”, Khánh Huyền đáp: “Dự án không hề ủng hộ việc mang thai quá sớm. Chúng tôi mang tới những thông tin và thực trạng có thai ngoài ý muốn và những thiệt thòi, tác hại của nó. Ngoài ra, chúng tôi giáo dục sức khỏe sinh sản, cung cấp dịch vụ về hỗ trợ tâm lý, khóa học về sức khỏe sinh sản có tính phí. Dự án không cung cấp các sản phẩm, dịch vụ miễn phí, không can thiệp vào quyết định giữ hay bỏ thai, không “nuôi giùm” con của các bạn”.

Nữ sinh viên Trường ĐH Kinh tế quốc dân cũng cho hay: “Mỗi người trẻ có hoàn cảnh khác nhau. Dự án của chúng tôi sẽ là người đồng hành, đưa ra những góc nhìn để mỗi em gái và gia đình của các em có thể quyết định và chịu trách nhiệm với quyết định của mình. Dù quyết định như thế nào, chúng tôi cũng sẽ đồng hành, cùng các em vượt qua khó khăn”.

Nhóm các bạn trẻ phản biện cùng ban giám khảo trong đêm chung kết

chụp màn hình

Sinh viên kinh tế quan tâm sức khỏe học đường

Teenmoms có 5 thành viên, điều đặc biệt họ đều là sinh viên các chuyên ngành kinh tế, công nghệ thông tin. Huyền là trưởng nhóm, điều hành dự án. Võ Anh Kiệt, sinh viên năm 3 Trường ĐH Bách khoa TP.HCM, phụ trách mảng công nghệ và sản phẩm. Nguyễn Thị Kiều Trang, sinh viên năm 2 Trường ĐH RMIT TP.HCM, phụ trách marketing. Nguyễn Xuân Hiên, sinh viên năm 2 Trường ĐH Kinh tế TP.HCM, phụ trách mảng tài chính và Nguyễn Duy Hưng, sinh viên năm 2 Trường ĐH Kinh tế - Tài chính TP.HCM, phụ trách mảng nhân sự.

Theo thống kê của Vụ Sức khỏe bà mẹ trẻ em (Bộ Y tế), trung bình mỗi năm cả nước có khoảng 300.000 - 400.000 ca phá thai ở độ tuổi 15 - 19 được báo cáo chính thức, trong đó 60 - 70% là học sinh, sinh viên. Tuy nhiên trong thực tế còn rất nhiều ca chưa được báo cáo, bởi không nhiều gia đình người Việt có thể đối diện với thực tế và áp lực dư luận xã hội khi con em mang thai ở độ tuổi vị thành niên.

Theo Quỹ dân số LHQ - UNFPA, mang thai ở tuổi vị thành niên không chỉ là vấn đề sức khỏe thể chất, tinh thần mà nó còn làm mất đi tiềm năng, cơ hội được học tập, lựa chọn cơ hội, phát triển bản thân ở các em gái.

Do ảnh hưởng của dịch Covid-19, họ chưa từng gặp gỡ trực tiếp, chỉ làm việc trực tuyến, song tinh thần trách nhiệm đã giúp họ làm việc hiệu quả. Từ lúc lên ý tưởng tới lúc tham gia đêm chung kết là hơn 5 tháng, dự án vượt qua các phần chất vấn căng thẳng của ban giám khảo và giành vị trí quán quân.

Huyền cho hay trong quá trình thực hiện nhóm nhận được sự hỗ trợ từ xa của nhiều chuyên gia, như thạc sĩ, bác sĩ Nguyễn Thị Ngọc Nga (Bệnh viện Nhi T.Ư); thạc sĩ Thái Đức Luân (Trường ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch); thạc sĩ tâm lý học Nguyễn Thị Yến (Giám đốc điều hành Công ty cổ phần giáo dục đào tạo Abasa) và chị Bùi Thị Thanh Tú (Trưởng ban Truyền thông hỗ trợ cộng đồng khởi nghiệp BSSC)…

Thời gian tới, dự án xây dựng sản phẩm truyền thông, nghiên cứu sâu chuyên môn sức khỏe sinh sản và thị trường cho việc tổ chức các sự kiện cũng như xây dựng đội ngũ tình nguyện viên ở Hà Nội, TP.HCM để triển khai trong thực tế. “Sau đó, chúng tôi sẽ liên kết với các trường học, các tổ chức có chuyên môn về tâm lý cũng như phụ sản để thông tin truyền thông được hiệu quả”, Huyền nói.

Cô Thái Thị Thanh Mai, tiến sĩ, phó giáo sư tại Trường ĐH HEC Montreal, Canada, thành viên ban giám khảo, nhận xét: “Rất ngưỡng mộ các bạn trẻ của dự án, các bạn tập trung vào vấn đề xã hội nhức nhối không chỉ ở VN mà còn ở nhiều quốc gia”. Trong thời đại công nghệ thông tin nở rộ, tuổi teen tiếp cận với thế giới ảo quá sớm, bị nhiễu thông tin, có thể dẫn tới “nghịch dại” quá sớm, kiến thức sức khỏe sinh sản hạn chế, dẫn tới lỡ mang thai ngoài ý muốn. Theo cô Mai, dự án có ý nghĩa thực tế, song cần nghĩ nhiều hơn về nội dung, đối tượng khách hàng trả tiền, đặc biệt về công nghệ để tăng sức cạnh tranh, tăng sự quan tâm của người trẻ.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.