Đó là điều tôi chiêm nghiệm trong quá trình thực hiện đề tài về những người lầm lỡ nay đã “gác kiếm giang hồ”. Đặc biệt là lúc tôi bắt gặp giọt nước mắt ăn năn, khóc thương cha mẹ của tướng cướp khét tiếng một thời Lê Lam (quê Quảng Trị, cư ngụ Bình Dương).
“Là một tướng cướp, hơn nửa đời người tôi làm biết bao việc sai, gây biết bao tội lỗi. Nhưng điều khổ đau nhất và hối hận nhất trong tôi là tội bất hiếu, vô cùng tàn ác với cha mẹ mình”, ông Lê Lam chia sẻ và ứa lệ kể những lần ông hung hãn đá mẹ mình lăn xuống ao môn; bóp cổ, đấm vào mặt làm người cha rơi xuống biển... Vậy mà, cha mẹ không bỏ rơi ông.
Ông chia sẻ với tôi, những lần ông thấy cảnh mẹ mình mặc bộ đồ đen rách tơi tả, chân không dép, xách cái bao đựng khoai lang khô cùng một gói cơm và mấy miếng cá kho mặn đi thăm ông trong trại giam... là những lần ông áy náy và ân hận nhất. Nhưng khi ra tù, ông lại bế tắc trước bao áp lực (định kiến xã hội, công ăn việc làm…) và không đủ ý chí vượt qua cám dỗ, nên cứ trượt dài. Cũng may, cuối cùng ông đã được một ân nhân tận tâm dang tay cứu vớt.
Đến thời điểm Lê Lam hoàn lương, cha mẹ ông đã qua đời. Mẹ ông mất vì đói, rét khi đi lượm củi dưới biển, trong hình ảnh quen thuộc và ám ảnh là bộ đồ đen rách rưới, chân không dép. Ông day dứt: “Nếu còn cha mẹ, mình cho cha mẹ bữa ăn, chở đi du lịch, may tặng bộ áo quần hay chăm sóc lúc đau ốm… thì cảm thấy nhẹ lòng đôi chút. Đằng này tôi không còn cơ hội để gần gũi, đền một chút ơn với cha mẹ, nên tui cứ ray rứt mãi. Tòa án ngoài đời xử tui vài năm là cho về, nhưng tòa án lương tâm này xử miết không bao giờ kết thúc”. Hơn chục năm nay, ông chỉ biết cố gắng cải tà quy chánh, làm nhiều việc thiện để mong chuộc lỗi.
Không chỉ trường hợp Lê Lam, nhiều người lầm lỡ khác nuôi mầm hướng thiện luôn mong mỏi được tạo điều kiện để họ thực sự có cơ hội hoàn lương.
Bình luận (0)