U.23 Việt Nam đá V-League có khả thi ?

30/06/2022 08:30 GMT+7

Hôm qua, một doanh nghiệp táo bạo đề xuất sẽ bảo trợ cho U.23 Việt Nam để được đá V-League nhằm tăng cơ hội thi đấu của các tài năng bóng đá nước nhà. Liệu ý tưởng này có thành hiện thực?

Trao cơ hội thi đấu nhiều cho U.23 Việt Nam

Sau thành công của U.23 Việt Nam tại SEA Games 31 và VCK giải U.23 châu Á 2022, có một sự thật không ít tuyển thủ khi trở về CLB V-League vấp phải cạnh tranh rất lớn với các đàn anh thành danh và những ngoại binh đắt đỏ. Mới nhất, ông Trần Thanh Hải, Chủ tịch HĐQT Công ty thực phẩm dinh dưỡng Nutifood, đã có công văn gửi Liên đoàn Bóng đá Việt Nam (VFF) đề xuất bảo trợ mọi chi phí để U.23 Việt Nam thi đấu tại V-League như một đội bóng độc lập. Công văn viết: “Cũng như nền bóng đá của nhiều quốc gia trên thế giới, đội tuyển U.23 thường tập hợp những cầu thủ vừa đạt độ chín trong phong độ lẫn tầm vóc, là lớp kế thừa gần nhất của đội tuyển quốc gia. Sau nhiều năm thi đấu tại các giải trẻ, ở độ tuổi này, các cầu thủ cần sự cọ xát nhiều hơn ở những giải đấu chuyên nghiệp để trưởng thành và hoàn thiện. Tuy nhiên, thực tế cho thấy các cầu thủ U.23 Việt Nam chưa thực sự có nhiều cơ hội ra sân ở các giải lớn.

HLV Đinh Thế Nam tiết lộ về bí quyết thăng tiến của Phan Tuấn Tài

Theo thông tin từ báo chí, trong danh sách 23 cầu thủ U.23 Việt Nam tham dự VCK U.23 châu Á 2022, có 16 cầu thủ đang khoác áo các CLB ở V-League. Tuy nhiên, số cầu thủ có thể kiếm được suất đá chính chỉ đếm trên đầu ngón tay. Với mục tiêu trao cơ hội ra sân nhiều hơn cho các cầu thủ U.23 ở những giải đấu lớn trong nước, chúng tôi xin kính đề xuất VFF xây dựng cơ chế mới, cho phép đội tuyển U.23 Việt Nam tham gia tranh tài tại V-League với tư cách là một đội bóng độc lập. Đây là một trong những giải pháp giúp các cầu thủ nhanh chóng trưởng thành và bản lĩnh hơn. Việc đầu tư vào U.23 Việt Nam kịp thời từ bây giờ sẽ góp phần tạo nên thế hệ cầu thủ trẻ kế thừa vững chắc cho bóng đá Việt Nam, hướng đến tham gia tranh tài ở các giải lớn mang tầm châu lục và quốc tế. Nếu được VFF chấp thuận đề xuất này, chúng tôi cam kết là đơn vị tài trợ toàn bộ chi phí cho đội tuyển U.23 Việt Nam tham gia V-League. Việc tài trợ này sẽ diễn ra xuyên suốt trong vòng 3 năm, kể từ khi VFF có quyết định đồng ý bằng văn bản. Sau thời gian đó, Nutifood sẽ tiếp tục kêu gọi các doanh nghiệp chung tay cùng chúng tôi thực hiện mục tiêu xây dựng U.23 trở thành nòng cốt của bóng đá Việt Nam".

U.23 Việt Nam đá V-League là đề xuất táo bạo, nhưng khó khả thi

Phúc Thắng

VFF và các CLB nói gì ?

Là người có thâm niên làm bóng đá trẻ và đang dẫn dắt CLB TP.HCM, HLV Trần Minh Chiến cho rằng: “Nhìn chung đề xuất táo bạo này từ ông Trần Thanh Hải (bầu Hải) là ý tốt. Điều quan trọng là các CLB có chịu nhả quân hay không. Nếu có thì tuyệt quá, vì các em sẽ có sân chơi chất lượng hơn. Được trui rèn qua trận mạc thực chiến ở môi trường cao nhất của bóng đá Việt Nam, các tuyển thủ trẻ sẽ nhanh chóng phát triển. Theo quan điểm của tôi, để đội tuyển U.19 Việt Nam đá V-League thì chưa đủ, nhưng các tuyển thủ tuổi từ 20 đến 23 nếu không được đá ở CLB chủ quản, thay vì cho mượn ở hạng nhất nếu được đá V-League sẽ tốt hơn. Tôi cho rằng CLB nào chú trọng đào tạo trẻ sẽ đồng ý thôi, vì hiệu quả cho các tài năng trẻ là hơn rõ rệt thay vì đá hạng nhất”.

Cây viết Kin Fai của trang Goal (Malaysia) chia sẻ: “Trong quá khứ, Malaysia từng cử 2 đội bóng Harimau Muda A và Harimau Muda B đá giải ngoại hạng Singapore (SPL). Ngược lại, Singapore cũng có đội Lions XII đá ở giải Malaysia Super League cho đến khi 2 liên đoàn bóng đá quốc gia này ngưng hợp tác. U.23 Malaysia cũng đã từng đá ở giải Malaysia Super League. Thực tế, việc Malaysia và Singapore cho đội trẻ quốc gia đá giải vô địch quốc gia mang đến hiệu quả hữu ích. Hầu hết những cầu thủ U.23 đó khi lớn lên đều trở thành tuyển thủ trong màu áo đội tuyển quốc gia. Nhưng việc đó không giúp giải đấu phát triển vì đó không phải là đội bóng có thể tạo ra tiền. Đến lúc này, đội U.23 Malaysia đã ngưng đá ở giải Malaysia Super League được 4 năm. Nhưng chúng tôi vẫn đang duy trì đội U.19 quốc gia đá giải hạng nhì (tương đương hạng nhất Việt Nam - PV)”.

Cựu thuyền trưởng U.20 Việt Nam tham gia giải U.20 World Cup 2017 nay đang làm Giám đốc kỹ thuật CLB Phù Đổng, HLV Hoàng Anh Tuấn tỏ ra băn khoăn: “Trước đây Singapore và Malaysia cũng đã có áp dụng ý tưởng này. Nhưng cá nhân tôi nghĩ không khả thi, vì U.23 Việt Nam hầu hết đã rơi vào đội hình chính thức của các CLB. Nhìn từ góc độ CLB, cung cấp quân cho đội tuyển Việt Nam tập huấn và đá giải đã là nhượng bộ, thiệt thòi rồi. Giờ lấy quân đá cả mùa giải thì VFF và nhà bảo trợ U.23 Việt Nam sẽ giải quyết vấn đề hợp đồng, chế độ chính sách, trả lương, thưởng... cho các CLB chủ quản. Lương cầu thủ ai sẽ trả, liệu có phí mượn không? Không phải CLB nào cũng sẽ đồng ý. Nếu lỡ khi mất quân cho U.23 Việt Nam dẫn đến CLB xuống hạng thì ai chịu trách nhiệm? Những đội bóng đóng góp nhiều cho U.23 Việt Nam như HAGL, Viettel, Hà Nội... ảnh hưởng thành tích thì có sẵn lòng đồng ý không. Lâu này chúng ta lãng quên chuyện khi cầu thủ lên đội tuyển quốc gia thì VFF vẫn phải bồi thường, chi phí này ai sẽ trả. Rồi chưa kể nếu tập trung 30 cầu thủ U.23 Việt Nam thì ai bảo đảm sẽ sử dụng đều và toàn bộ hết chừng này con người? Có chăng, VFF thay đổi một số quy chế bóng đá chuyên nghiệp bắt buộc có tối thiểu 1, 3 hoặc 5 cầu thủ dưới 23 tuổi phải được các CLB V-League đưa ra sân với thời gian quy định. Nên nhớ hiện tại luật cho phép thay đến 5 cầu thủ thay vì 3 nên sẽ áp dụng dễ hơn. Còn ý tưởng của bầu Hải rất tích cực, đẹp và đáng trân trọng vì giúp ích cho đội tuyển quốc gia. Nhưng tôi cho rằng nó sẽ không khả thi vì trước hết phải được 13 đội V-League và 12 đội hạng nhất đồng ý do có liên quan sát sườn đến chuyện sống còn là suất lên xuống hạng nữa”.

Có thể xem xét ý tưởng đội tuyển trẻ hơn

HLV Hoàng Anh Tuấn đề xuất: “Vừa rồi tôi đề xuất thành lập U.17 Việt Nam đá giải U.19 quốc gia dưới tên Trung tâm đào tạo bóng đá trẻ Việt Nam. Nhưng ý tưởng đó chỉ mới thăm dò ý kiến một số nơi đã vấp phải ý kiến phản đối rồi vì dù không có lên xuống hạng nhưng mất quân hay sẽ ảnh hưởng đến thành tích của các CLB. Ở cấp độ khác, VFF và bầu Hải có thể thử thăm dò ý tưởng U.19 Việt Nam đá giải hạng nhất dưới cái tên khác xem các CLB có đồng ý không, vì lứa này cũng sẽ chuẩn bị cho U.23 Việt Nam lâu dài”.

Q.Việt

Về điều này, chuyên gia Đoàn Minh Xương nói: “Tôi cho rằng ý tưởng này không phù hợp với đặc thù của bóng đá Việt Nam. Ví dụ CLB Hà Nội có 6 cầu thủ U.23 Việt Nam đã bỏ công sức nuôi dưỡng nhiều năm, chuẩn bị đôn lên và sử dụng cho đội 1 nay bị lấy mất quân thử hỏi họ có chịu không? Ý tưởng này rất khó áp dụng ở điều kiện Việt Nam.Có chăng tài trợ U.23 Việt Nam tập huấn dài hạn ở nước ngoài chẳng hạn sẽ hiệu quả và khả thi hơn nhiều. Hoặc đến các đợt FIFA Day, Nutifood có thể phối hợp với VFF mời những đội bóng hàng đầu thế giới về cọ xát cho U.23 Việt Nam vài lần trong 1 năm. Đó cũng là cách để góp công sức cho U.23 Việt Nam để làm nền tảng mạnh mẽ cho tuyển Việt Nam sau này”.

Một quan chức VFF cho biết: “Chúng tôi rất hoan nghênh những ý tưởng mới mang lại nhiều lợi ích cho bóng đá Việt Nam. Về đề xuất này, chúng tôi cơ bản đã nắm và sẽ được thường trực VFF xem xét thấu đáo cũng như xin ý kiến BCH sau đó mới trả lời chính thức. Ở góc độ cá nhân chỉ có thể nói rằng việc chúng ta mong muốn tạo cơ hội cho các cầu thủ U.19, U.21 hay U.23 thi đấu nhiều để tăng kinh nghiệm trận mạc là rất tốt, nhưng ở đây còn phải xem xét quyền lợi của các CLB có đồng ý nhả quân không vì hầu hết các cầu thủ U.23 có thể đá chính hoặc có thể thay vào những trận V-League của các CLB bất cứ lúc nào. Chưa kể đến một vài yếu tố khác như mùa tới V-League có 14 đội nếu thêm 1 đội nữa sẽ kéo dài thời gian thi đấu, trong khi cuối năm 2023 thì V-League phải chuyển sang mô hình mới đá vắt từ tháng 10 sang tháng 6 năm sau. Rồi U.23 Việt Nam không có ngoại binh đá với các

CLB khác có ngoại binh ở V-League liệu có phải là sân chơi công bằng. Thế nên, VFF sẽ xem xét kỹ lưỡng mới có phản hồi chính xác”.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.