Ứng dụng phòng tập WeFit nộp đơn xin phá sản: Khách hàng mất tiền?

Mai Phương
Mai Phương
12/05/2020 16:24 GMT+7

Ứng dụng WeFit thông báo nộp đơn xin phá sản khiến hàng loạt khách hàng đã đóng tiền trước bị bỏ rơi.

Nợ khách hàng, đối tác trăm tỉ đồng?

Sáng nay (12.5), trao đổi với Thanh Niên, chị Nguyễn Thu – một khách hàng tại Hà Nội cho biết chị vẫn đang tìm hiểu thông tin sau khi Công ty cổ phần công nghệ Onaclover (chủ sở hữu các ứng dụng WeWow gồm WeFit, WeJoy) gửi mail thông báo ngừng hoạt động. Gói tập của chị có thời hạn đến năm 2021. Trước đó từ ngày 1.4, gói WeFit của chị được thông báo quy đổi tương đương lịch sử dụng là 20 lượt/tháng trong vòng 478 ngày. Nhưng trong thư xin lỗi gửi chị từ WeWow sáng 11.5, công ty này chỉ thông báo dừng hoạt động vì vốn hoạt động đã cạn kiệt hoàn toàn mà không nói gì đến việc giải quyết quyền lợi cho chị. “Tôi vẫn đang tìm hiểu và chờ xem họ sẽ giải quyết quyền lợi cho mình theo kiểu gì. Mấy vụ này họ hay lờ lắm nếu mình không theo dõi”, chị Nguyễn Thu nói.
Tương tự, chị Hà Vân (Hà Nội) cũng bày tỏ băn khoăn việc công ty đột ngột ngừng hoạt động, vậy quyền lợi khách hàng sẽ giải quyết như thế nào? Có được chuyển sang các phòng tập khác hay nhận lại được số tiền còn lại hay không? Chị Hà Vân mới mua gói WeFit trị giá hơn 3 triệu đồng từ tháng 9.2019 với hạn sử dụng 1 năm nhưng hầu như các tháng vừa qua do dịch Covid-19, các phòng tập đều đóng cửa nên chị chưa sử dụng nhiều.
Chưa có thống kê nào cho biết lượng khách hàng đã đóng tiền mua các gói tập từ WeFit, WeJoy (thương hiệu spa thuộc WeWow) là bao nhiêu nhưng theo ước tính của một khách hàng, nếu kể cả các đối tác là những phòng tập, spa thì số tiền nợ của Công ty Onaclover phải lên cả trăm tỉ đồng. 
Trước đó, các gói tập WeFit được rao bán khá nhiều trên mạng, các sàn thương mại điện tử. Chẳng hạn trên Lazada, Shopee..., sáng nay 12.5, chúng tôi vẫn tìm thấy có nhiều người rao bán gói tập WeFit trong 180 ngày (6 tháng) là 1,7 triệu đồng, giảm 32% so với giá gốc; gói sử dụng trong 360 ngày là 3,1 triệu đồng, giảm 38% so với giá gốc 5 triệu đồng hoặc có gói lên đến 7,5 triệu đồng cho thời hạn sử dụng là 540 ngày (tương đương 1,5 năm)... Mức phí ưu đãi rẻ hơn khoảng 50% so với chi phí trung bình của các phòng tập thể dục ở hai thành phố lớn như TP.HCM, Hà Nội và không giới hạn số lần tập khiến ứng dụng này nhanh chóng có được lượng khách hàng lớn. Tuy nhiên, đây cũng là nguyên nhân chính được nhận định khiến WeFit bị thua lỗ.
WeFit là ứng dụng khởi nghiệp kết nối các phòng tập với khách hàng, nhằm tạo điều kiện thuận lợi và tiết kiệm thời gian, chi phí cho người sử dụng. WeFit đã kết nối với hơn 600 phòng tập và cung cấp hơn 5.000 lịch tập luyện mỗi ngày. Khi mua các gói tập này, khách hàng có thể đi tập tại bất cứ phòng tập nào trong hệ thống WeFit với hơn 20 bộ môn như gym, yoga, boxing, zumba...

Đòi nợ từ WeFit được không?

Trong thông báo chính thức trên trang web của mình,  Onaclover cho biết từ ngày 29.4 đã chính thức nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản tại Tòa án Nhân dân TP.Hà Nội. Theo đó, kể từ ngày 29.4, các chủ nợ, các tổ chức, cá nhân liên quan và các cổ đông của Onaclover liên hệ trực tiếp với Tòa án Nhân dân TP.Hà Nội để được giải quyết mọi vấn đề liên quan đến quyền và lợi ích của mình.

Thư thông báo dừng hoạt động nhưng không đề cập đến hướng giải quyết quyền lợi cho khách hàng của WeWow

Ảnh chụp màn hình

TS.Châu Huy Quang, luật sư điều hành hãng luật Rajah & Tann LCT, cho biết theo quy định, sau khi nhận được đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản kèm theo hồ sơ hợp lệ, tòa án mới thông báo cho người nộp đơn tiến hành đóng lệ phí phá sản và tạm ứng chi phí phá sản. Khi đóng đủ loại phí trên, tòa sẽ ra thông báo về việc thụ lý đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản. Trong vòng 30 ngày kể từ ngày ra thông báo kể trên, tòa án sẽ ra quyết định mở hoặc không mở thủ tục phá sản.
Sau khi tòa án đã ra quyết định mở thủ tục phá sản thì mọi vấn đề liên quan đến thanh toán các khoản nợ và nghĩa vụ tài chính của Onaclover sẽ do cơ quan này thực hiện. Vì vậy, việc các chủ nợ, các tổ chức, cá nhân liên quan và các cổ đông của Onaclover liên hệ trực tiếp với tòa án để được giải quyết mọi vấn đề liên quan đến quyền và lợi ích của mình là cần tiến hành sớm. Lúc này, các khách hàng sẽ có quyền như một chủ nợ không có bảo đảm đối với khoản thiệt hại do hợp đồng dịch vụ của họ đã bị tòa đình chỉ.
Trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày tòa án ra quyết định mở thủ tục phá sản, các chủ nợ (bao gồm cả những khách hàng có hợp đồng với WeFit) phải gửi giấy đòi nợ cho quản tài viên hoặc doanh nghiệp quản lý, thanh lý tài sản.
Đồng thời, theo quy định về thứ tự phân chia tài sản tại Điều 54 Luật phá sản, thì thứ tự thanh toán công nợ, chi phí tuần tự gồm chi phí phá sản; khoản nợ lương, trợ cấp thôi việc, bảo hiểm xã hội... các phúc lợi liên quan đến người lao động; các khoản nợ phục vụ việc phục hồi hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp; các nghĩa vụ tài chính đối với Nhà nước. Sau đó mới đển các khoản nợ của chủ nợ có trong danh sách theo thứ tự khoản nợ có bảo đảm, không bảo đảm. Trường hợp giá trị tài sản của doanh nghiệp sau khi đã thanh toán đủ các khoản nghĩa vụ tài chính nêu trên thì phần còn lại mới được chia cho các cổ đông của Onaclover theo tỷ lệ vốn góp tương ứng của họ.
Như vậy các khách hàng của WeFit chỉ là đối tượng được trả nợ trước các cổ đông nên khả năng lấy lại được tiền rất thấp bởi công ty đã thông báo nguồn vốn cạn kiệt.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.