Ủng hộ cho mượn sách giáo khoa, nhưng tránh lãng phí

08/10/2022 06:05 GMT+7

Nhiều bạn đọc ủng hộ việc Bộ GD-ĐT đề xuất nhà nước chi ngân sách mua sách giáo khoa cho 70% học sinh cả nước mượn. Bạn đọc cũng góp nhiều ý kiến để việc cho mượn sách đạt hiệu quả cao, tránh lãng phí.

Như Thanh Niên đã thông tin, Bộ GD-ĐT cho biết đã đề xuất nhà nước chi ngân sách mua sách giáo khoa (SGK) cho 70% học sinh (HS) cả nước mượn. Dư luận ủng hộ chủ trương này nhưng đề nghị tính toán hợp lý vì nước ta từng phải điều chỉnh chính sách này và thực tế đã thay đổi.

Nhiều ý kiến ủng hộ chủ trương dùng ngân sách mua sách giáo khoa cho học sinh mượn nhưng cần tránh lãng phí

ĐÀO NGỌC THẠCH

Ông Nguyễn Xuân Khang, Hiệu trưởng Trường Marie Curie (Hà Nội), chia sẻ ông ủng hộ đề xuất của Bộ GD-ĐT về việc dùng ngân sách nhà nước mua SGK trang bị cho thư viện trường học để cho HS mượn. Tuy nhiên, ông Khang cũng cho rằng vấn đề cần bàn thêm là nhà nước mua 70% SGK trang bị cho thư viện trường học hay là bao nhiêu phần trăm thì phù hợp? Hiện HS các tỉnh miền núi, thuộc các trường phổ thông dân tộc bán trú, nội trú đã có Nghị định 81/2021/NĐ-CP chu cấp gạo, tiền để ăn và học, SGK được mượn ở thư viện trường.

Thực tế thì từ thành phố đến nông thôn, từ đồng bằng đến miền núi… ở đâu cũng có người giàu, người nghèo, người có tiền hoặc không có tiền mua SGK cho con. Nhiều gia đình cũng muốn mua cho con một bộ SGK riêng, thậm chí gia đình có điều kiện mua cho con 2 bộ, 1 bộ để ở trường, 1 bộ để ở nhà. Vì vậy, ông Khang cho rằng nên mua SGK trang bị cho các trường học dù ở vùng miền nào, tùy theo nhu cầu thực tế, để HS nghèo, HS khó khăn có sách học tập.

Trả lời Thanh Niên, tiến sĩ Nguyễn Văn Cường, người từng làm việc tại ĐH Potsdam, CHLB Đức, nay là chuyên gia tư vấn giáo dục độc lập, cho biết ở Đức, tại Berlin, chính quyền quy định HS tiểu học (lớp 1 - 6) được mượn SGK miễn phí. Từ lớp 7 phụ huynh HS phải mua một phần SGK nhưng không quá 100 euro/HS/năm học theo danh mục hướng dẫn của nhà trường và không phải tất cả môn học đều yêu cầu HS sử dụng SGK.

Do vậy, ông Cường cho hay ông rất ủng hộ đề xuất của Bộ GD-ĐT về việc sử dụng ngân sách nhà nước để mua SGK cho HS mượn sử dụng, giảm bớt gánh nặng cho phụ huynh HS, phù hợp với kinh nghiệm quốc tế.

Rất nhân văn và hợp lòng dân

“Tôi rất ủng hộ đề xuất trên của Bộ GD-ĐT, phải nói là rất nhân văn và hợp lòng dân. Còn nhớ ngày tôi còn nhỏ, khi đất nước vừa thống nhất, HS chúng tôi cũng được mượn SGK để học. Phải nhóm 2 - 3 bạn mới có được 1 bộ sách, chúng tôi cùng học chung và chia nhau bảo quản sách. Chúng tôi giữ gìn sách rất kỹ, một phần vì thầy cô dặn dò rất kỹ lưỡng, phần khác là lúc đó nếu mất mát, hư sách thì không biết mua ở đâu để “trả” lại. Những bộ SGK truyền tay từ thế hệ đàn anh, đến chúng tôi, rồi thế hệ đàn em. Cứ thế mà chúng tôi đi hết đời HS đầy kỷ niệm”, bạn đọc (BĐ) N.H.Hải chia sẻ về thời đi học của mình.

Một số BĐ cũng kể về thời mượn SGK của mình. BĐ Cậu Ba SG cho biết: “Ngày xưa lứa 7X chúng tôi học toàn mượn sách của trường. Chúng tôi vẫn học tốt, lớn lên vẫn làm ông này bà nọ, còn cha mẹ thì đỡ phần gánh nặng kinh tế. Bây giờ thì có sách bắt HS viết thẳng vô sách, để năm nào cũng bán được sách, cách này quá lãng phí”.

Giúp sức đưa SGK đến với HS khó khăn, vùng sâu, vùng xa…

Một số BĐ cũng bày tỏ băn khoăn vấn đề làm không tốt việc cho mượn SGK. BĐ Bao Water cho rằng: “Theo tôi, số tiền (mua SGK cho HS mượn) nên dùng xây phòng học cho những vùng khó khăn. Cái cần làm là làm sao SGK phải là thông dụng dùng chung cả nước, dùng được nhiều năm. Như vậy sẽ giống như thời trước, SGK cũ sẽ được gom lại gửi cho các HS khó khăn”.

Nói về việc trao tặng SGK cho HS vùng sâu, vùng xa, BĐ Anh Tuấn hiến kế: “Hằng năm, SGK cũ vẫn luôn được sử dụng lại. Những gia đình, thôn xóm gần nhau luôn cho tặng SGK cũ của con cháu mình cho người khác. Nếu không có người nhận, qua một năm bảo quản không tốt, bộ SGK dễ bị hư hại. Trong khi đó, nhiều nơi khác, nhất là ở các tỉnh vùng sâu, vùng xa rất thiếu những bộ sách này. Như vậy, cần có một tổ chức nhận sách cũ rồi chuyển đến tay các HS. Không tổ chức nào tốt hơn Đoàn thanh niên cho việc thực hiện công việc cao quý này… Cứ mỗi dịp hè, Đoàn sẽ cho HS đăng ký mượn SGK năm học mới. Song song đó là công việc nhận sách cũ, phân loại và đóng gói để sẵn sàng vận chuyển đi. Trường hợp thiếu hụt một số quyển sách do HS làm thất lạc, hư hại, hoặc sách bị ghi chép thì chúng ta loại ra. Đoàn có thể kêu gọi đóng góp để mua bổ sung những quyển sách này”.

Ủng hộ ý kiến của BĐ Anh Tuấn, BĐ V.Việt góp ý thêm: “Đề nghị Đoàn thanh niên phối hợp với các trường học trong việc tiếp nhận và trao tặng SGK cũ. Mọi người sẽ ủng hộ nhiệt tình, vì HS vùng sâu, vùng xa”.

* Rất nhiều phụ huynh HS đủ khả năng mua sách cho con, thì hãy để họ mua. Chỉ cần kêu gọi đóng góp của cộng đồng để mua SGK cho các em còn thiếu là được. Làm như thế, sẽ đạt hiệu quả cao hơn.

Chi Đặng

* Nếu mua SGK cho 70% HS cả nước mượn thì ngân sách, khối lượng công việc từ cấp T.Ư xuống các trường địa phương là rất lớn. Các trường, thầy cô giáo, nhân viên thư viện… sẽ có rất nhiều việc để làm, sẽ vất vả nhiều.

T.Thanh

* Sẽ có những nơi cần mượn SGK nhiều, nhưng sẽ có nhiều nơi, nhiều HS không cần mượn SGK. Do vậy, rất cần tính toán khoa học, hợp lý để không xảy ra lãng phí. Tôi biết có không ít phụ huynh HS mua 2 bộ SGK: 1 để ở nhà con học, 1 để ở trường (để không phải mang vác đến trường mỗi ngày).

Hiếu

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.