Tinh thần chủ đạo của các vở kịch này vẫn là tạo không khí vui vẻ trong những ngày xuân, đánh thức sự gắn kết trong gia đình và tình cảm với quê hương, đồng thời vẫn có những vở mang tính nhân văn và chuyển tải thông điệp giàu ý nghĩa.
Thật ngạc nhiên khi Nhà hát Sân khấu nhỏ TP.HCM (5B) tung vở đề tài đồng tính vào dịp tết. NSƯT Mỹ Uyên, Giám đốc nhà hát, nói: “Chúng tôi rất cân nhắc khi thử dựng đề tài này. May sao, tác giả - đạo diễn Hữu Quốc làm rất nghiêm túc và nhẹ nhàng”. Quả thật, vở Tía ơi, con lấy chồng chỉ lướt nhẹ qua hai nhân vật đồng tính thôi, còn lại là nội dung rất cảm động về những con người miền Tây Nam bộ. Hai diễn viên Võ Ngọc Tân và Quang Đăng đã thể hiện hai nhân vật đồng tính rất khéo léo, chừng mực, không bị phô, không gây khó chịu. Còn những người bạn của họ do Quốc Thịnh, Nghinh Lộc thể hiện cũng đồng tính nhưng dễ thương hết sức. Vở kịch đã cố gắng làm cho mọi người có cảm tình với “cộng đồng” này. Song song với tuyến nhân vật này là một tuyến khác gồm những nhân vật do Mỹ Uyên, Hữu Quốc, Tô Thiên Kiều, Vũ Trần thể hiện một nội dung nhân nghĩa, hy sinh, thủy chung, vô cùng cảm động. Vừa chảy nước mắt mà vừa cười bể bụng, đúng là một 5B đáng yêu.
|
Nhạc kịch Ngẫm Kiều của NSND Hồng Vân tại Sân khấu Chợ Lớn là vở diễn đáng chú ý dịp năm mới. Vở này đã diễn lai rai từ Tết dương lịch và tiếp tục đem đến một không khí xuân mới mẻ cho khán giả. Truyện Kiều của Nguyễn Du được phóng tác thành vở nhạc kịch gọn ghẽ trong một không gian biểu diễn không mấy gì hoành tráng, nhưng người ta vẫn thấy nó sang trọng, lung linh. Nhiều bản nhạc được viết riêng cho vở, nghe có hơi hướng hiện đại nhưng vẫn không chỏi với mạch kịch truyền thống. Truyền thống là ý nói trang phục cổ, và nội dung bám sát nguyên tác thôi, thật ra cả vở kịch vẫn toát lên tinh thần mới mẻ, phù hợp cho khán giả trẻ. Đặc biệt, Hồng Vân dám đem cả thủ pháp kinh dị vào đây nữa, khán giả giật mình nhưng nể phục. Xem mà lâng lâng với nhạc, với thơ, rồi thú vị với hồn ma Đạm Tiên, và thấm thía thân phận phụ nữ như Thúy Kiều, Hoạn Thư.
Bi kịch “đổi đời”
Điểm nhấn năm nay là có hai vở của hai sân khấu khác nhau đều chung một chủ đề ước vọng đổi đời.
Ác nhân cốc của IDECAF tưng bừng vui nhộn nhưng thật thấm thía với những con người không lo làm ăn, lập chí, mà cứ long nhong phí hoài đời mình suốt 10 năm chỉ để chờ người thân bảo lãnh sang Mỹ “đổi đời” để rồi chuốc lấy thất vọng. Câu chuyện này có vẻ rất thật trong cuộc sống hôm nay.
Trong khi đó vở Cuộc chiến sắc đẹp của Nhà hát Thế Giới Trẻ lại lấy một bối cảnh hư cấu để nói về ước vọng đổi đời. Những cô gái xấu xí bị xua đuổi phải vào rừng dựng một xóm nhỏ sống nương tựa, đùm bọc lẫn nhau. Nhưng đến khi gặp một dòng suối thần, họ trở nên xinh đẹp, được nhà vua vời về cung làm tài nhân, thì họ bỗng thay đổi tâm tính. Họ tranh chấp, đấu đá nhau để giành được và giữ được cuộc sống vinh hoa phú quý, và phải trả giá cho những tội lỗi họ gây ra. Cuối cùng họ ước mơ thời gian quay trở lại để họ được sống yêu thương, thanh bình. Thì ra cuộc đổi đời có khi phải trả giá như thế. Một gia đình trả giá bằng 10 năm sa sút. Một nhóm gái xinh trả giá bằng những tổn thương. Thật ra đổi đời là ước mơ chính đáng, nhưng quan trọng là cái tâm của mình đừng thay đổi, đừng ỷ lại.
|
Bên cạnh các vở trên, sân khấu kịch TP.HCM còn có những món ngon khác cho khán giả lựa chọn: Giao kèo sống thật của Nhà hát Sân khấu nhỏ khá sôi động với nhiều mảng miếng hài châm biếm thâm thúy, Mút chỉ mút cà tha của Sân khấu Hoàng Thái Thanh với câu chuyện yêu nhau nhưng bối rối tơ lòng, vùng vằng nửa ở nửa đi trong bối cảnh man mác sông nước miền Tây với cù lao, thuyền ghe gây thương nhớ… Chuyện cũ mình bỏ qua của Thế Giới Trẻ cũng là chuyện tình trắc trở nhưng kịch tính hơn với nào chuyện vu oan, tống tiền, giải cứu... Cuối cùng thì xuân mà, kịch bản nào cũng phải cho những kẻ yêu nhau đoàn tụ!
Bình luận (0)