Ước vọng năm học mới

05/09/2022 08:11 GMT+7

Khai giảng 5.9 năm nay đúng vào ngày thứ hai. Khởi đầu năm học cũng là ngày đầu tuần. Như nét văn hóa đặc sắc Á Đông, những ý tưởng gắn với khoảng thời gian bắt đầu luôn mới mẻ, sáng tạo, sâu sắc, tốt đẹp.

Năm học mới 2022-2023 diễn ra khi cả nước dồn mọi nguồn lực khắc phục hậu quả nặng nề do dịch bệnh Covid-19 để lại. Vào thời điểm này dịch bệnh vẫn thách thức sự an toàn của mọi người về sức khỏe, tính mạng. Thực trạng đó đòi hỏi từng cơ sở giáo dục, quản lý giáo dục các cấp có chiến lược giữ việc giáo dục diễn ra suôn sẻ, cho dù dịch bệnh gây tác động xấu đến mấy. Muốn vậy mỗi nhà trường là thành trì ngăn chặn dịch bệnh Covid-19, linh hoạt dạy học trực tiếp, trực tuyến gắn với chuyển đổi số.

Năm học này, chương trình Giáo dục phổ thông 2018 chính thức triển khai ở lớp 10

đào ngọc thạch

Câu chuyện giáo viên nghỉ việc, một bộ phận chưa gắn bó với nghề, học sinh giỏi ít em chọn theo học sư phạm là một trong những vấn đề của giáo dục hiện nay. Khi “thực” không có, phép biện chứng cho ta nhận ra hệ quả tiêu cực, thậm chí khôn lường vì vậy việc chăm lo đời sống của thầy cô giáo từ năm học này cần phải thay đổi.

Năm học này, chương trình Giáo dục phổ thông 2018 tiếp tục triển khai ở lớp 3, 7 và 10. Tuy chuẩn bị trong nhiều năm nhưng khi thực hiện cũng bộc lộ những bất cập, hạn chế. Một chương trình với nhiều bộ sách giáo khoa, sắp xếp môn học bắt buộc và lựa chọn, chuẩn bị giáo viên giảng dạy môn học mới có những mặt bị phản ứng gay gắt. Đành rằng, giáo dục luôn gắn liền với đổi mới, nhưng quy tắc giáo dục lại có những “thước đo” bất biến. Để giáo dục phát triển đòi hỏi vận dụng dựa trên thực tiễn, khả năng đáp ứng, mối liên quan hữu cơ, tác dụng tương hỗ, sự hợp tác và sẻ chia, sự tiến bộ và nhân văn...

Tiêm vắc xin phòng Covid-19 cho học sinh tiểu học TP.HCM trước khi vào năm học mới

đào ngọc thạch

Muốn trường học hạnh phúc, cần bắt đầu từ trường học an toàn. Muốn trường học an toàn, phải rèn kỷ cương, tổ chức hoạt động trải nghiệm; chú trọng rèn kỹ năng đọc sách, giao tiếp, ứng xử trong nhà trường, gia đình, cộng đồng và trên mạng xã hội. Giảng dạy, kiểm tra, đánh giá phải phù hợp, lấy học sinh làm trung tâm, lấy niềm vui của học sinh làm động lực (cho thầy cô), đo sự tiến bộ của học sinh bằng thước đo trong hệ quy chiếu gắn với từng học sinh.

Sự tác động của cơ chế, chính sách giáo dục, quản trị trường học sẽ đạt kết quả căn bản, toàn diện khi và chỉ khi đội ngũ nhà giáo có năng lực, trách nhiệm và chung lòng đổi mới. Thầy cô phải hết lòng vì học sinh thân yêu để mỗi ngày đến trường là một ngày vui.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.