Ngày 19.5, Tòa án quân sự Quân chủng Hải quân tiếp tục xét hỏi đối với nhóm bị cáo bị buộc tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản trong vụ án trao đất quốc phòng cho tư nhân. HĐXX đã cho cách ly bị cáo Đinh Ngọc Hệ (tức Út “trọc”, cựu thượng tá, cựu Phó tổng giám đốc Công ty Thái Sơn Bộ Quốc phòng), là người có vai trò chính trong nhóm này.
Thế chấp đất quốc phòng lấy vốn làm BOT giao thông
Bị cáo Vũ Thị Hoan, nguyên Giám đốc Công ty TNHH sản xuất thương mại và dịch vụ Yên Khánh (gọi tắt Công ty Yên Khánh), khai công ty thành lập từ năm 2005 do bị cáo và người khác góp vốn nhưng thực chất chỉ đứng tên hộ cho Đinh Ngọc Hệ (là cậu của Hoan). Bị cáo cũng là người ký tên vào tờ trình của Công ty Yên Khánh gửi Quân chủng Hải quân đề nghị được góp vốn liên doanh; đại diện pháp luật cho Công ty Yên Khánh ký hợp đồng liên doanh với Công ty TNHH MTV dịch vụ và du lịch biển đảo Hải Thành - Quân chủng Hải quân để thành lập Công ty liên doanh TNHH Yên Khánh Hải Thành (Công ty Yên Khánh Hải Thành) nhằm thực hiện dự án xây dựng và vận hành một cao ốc đa chức năng tại khu đất số 7 - 9 Tôn Đức Thắng, Q.1, TP.HCM. Tuy nhiên, bị cáo cho rằng chỉ là người ký vào các văn bản, giấy tờ do bị cáo Phạm Văn Diệt, nguyên Tổng giám đốc Công ty CP Tập đoàn Đức Bình, nguyên Giám đốc điều hành Công ty Yên Khánh, đưa cho mà không biết bản chất hợp đồng cũng như các công việc về dự án.
Bị cáo Hoan cũng khẳng định, ngoài Công ty Yên Khánh, Đinh Ngọc Hệ còn góp vốn thành lập 8 công ty khác, trong đó có Công ty CP Tập đoàn Đức Minh, Công ty xăng dầu Thái Sơn BQP, Công ty CP thương mại nước giải khát Khánh An, Công ty Cái Mép, Công ty An Điền…
Đối với khu đất số 7 - 9 Tôn Đức Thắng, sau khi được UBND TP.HCM cấp giấy chứng nhận cho Công ty Yên Khánh Hải Thành, bị cáo Hoan đã ký vào một số văn bản, trong đó có chữ ký giả của Hội đồng thành viên công ty rồi mang đi thế chấp ngân hàng vay vốn cho 8 công ty của Đinh Ngọc Hệ. Bị cáo Hoan khai, việc vay vốn này thực hiện theo chỉ đạo của Đinh Ngọc Hệ, đối với khoản tiền thụ hưởng từ ngân hàng, phía Công ty Yên Khánh đã dùng mua quyền thu phí BOT cao tốc Hồ Chí Minh - Trung Lương.
Một nhân chứng trong vụ án là ông Trần Văn Lâm cũng cho biết các công ty BOT Việt Trì, BOT QL20, Đức Bình… đều do bị cáo Đinh Ngọc Hệ nhờ con, cháu như Vũ Thị Hoan, Vũ Thị Hoa… đứng tên cổ đông. Trước tòa, bị cáo Phạm Văn Diệt cũng xác nhận Đinh Ngọc Hệ mới thực sự là ông chủ của Công ty Yên Khánh, bản thân bị cáo thực hiện công việc của công ty và dự án đều theo chỉ đạo của Hệ.
Út “trọc” kêu bị oan
Được đưa vào thẩm vấn, bị cáo Đinh Ngọc Hệ liên tục kêu bị oan, phản đối cáo trạng và cho rằng không có bất cứ mối liên hệ nào với Công ty Yên Khánh và liên doanh Yên Khánh Hải Thành khai thác khu đất số 7 - 9 Tôn Đức Thắng. Khi HĐXX công bố lời khai của các bị cáo Hoan và Diệt, bị cáo Hệ lập tức phản đối: “Bị cáo thấy rằng bị cáo không có quyền lợi liên quan tới các lời khai mà Hoan, Diệt khai. Bị cáo Hoan là con chị gái ruột của bị cáo, kêu bị cáo bằng cậu. Bị cáo Diệt biết nhau từ quan hệ xã hội”, đồng thời nói mình chỉ làm việc tại Công ty Thái Sơn Bộ Quốc phòng.
Được gọi lên đối chất, bị cáo Hoan khẳng định khi là sinh viên năm thứ nhất Trường đại học Công nghiệp, ở nhờ nhà của Hệ tại P.Thảo Điền (Q.2, TP.HCM) thì được cậu gọi nhờ đứng tên giùm. Tại phiên tòa, bị cáo Hoan nghẹn ngào cho rằng mình coi bị cáo Hệ như cha và nói gì cũng nghe. Khi đứng tên thành lập Công ty Yên Khánh, bị cáo không góp đồng vốn nào. Chỗ ngồi làm việc của bị cáo là chung với các nhân viên kế toán khác, không được hưởng lợi ích gì và chỉ được nhận lương của nhân viên kế toán. Lúc đầu, mới ra trường lương mỗi tháng là 500.000 đồng, sau đó tăng lên là 15 triệu đồng, 18 triệu đồng và lên được 25 triệu đồng, nhận trong 2 tháng thì bị bắt. Theo bị cáo Hoan, khi ký vào các văn bản, giấy tờ của công ty là do bị cáo ký giùm chứ không phải được trả lương mới ký.
HĐXX tiếp tục công bố một chứng thư bảo lãnh vay vốn của Công ty Yên Khánh tại Ngân hàng ACB do Hệ ký tên bảo lãnh thì bị cáo này nói chữ viết chứng thư không giống của mình. Tòa công bố lời khai tại cơ quan điều tra thể hiện Hệ xác nhận, ký chứng thư này thì bị cáo này cho rằng do quan hệ rộng nên bất cứ ai nhờ gì thì sẵn sàng giúp đỡ. Lý giải về việc Công ty Yên Khánh có trụ sở tại nhà mình (ở P.Thảo Điền, Q.2, TP.HCM), Út “trọc” khai: "Mẹ ruột mua cho tôi từ năm 2000 nhưng mẹ tôi ở. Năm 2010, tôi lấy vợ lần 2 mới về đó. Tôi không biết tại sao Yên Khánh đặt trụ sở ở đó, bởi nhà này do mẹ tôi quản lý”.
Trước những lời khai này, HĐXX cho công bố nhiều hình ảnh thể hiện Đinh Ngọc Hệ có mặt tại các cuộc họp của Công ty Yên Khánh, công bố lời khai của bị cáo Phạm Văn Diệt cho biết, bị cáo Hệ có mặt để chủ trì việc triển khai dự án xây văn phòng cao ốc tại khu đất số 7 - 9 Tôn Đức Thắng…
Theo dự kiến, hôm nay (20.5) phiên tòa sẽ chuyển sang phần tranh luận.
Cựu đô đốc Nguyễn Văn Hiến xin lỗi đồng độiTại phiên tòa ngày 19.5, bị cáo Nguyễn Văn Hiến, cựu đô đốc, cựu Tư lệnh Quân chủng Hải quân, khai bối cảnh xảy ra việc giao đất quốc phòng cho đối tác để liên doanh làm kinh tế vào năm 2006, bị cáo đang rất bận. “Ngoài nhiệm vụ chính là lãnh đạo Quân chủng Hải quân, bị cáo là Ủy viên T.Ư Đảng nên 1 năm mất khoảng 20 ngày nghiên cứu nghị quyết, họp, quán triệt nghị quyết; đồng thời là đại biểu Quốc hội, 1 năm mất 2 - 3 tháng để họp Quốc hội, triển khai kết quả, tiếp xúc cử tri, công nhân”, bị cáo nói và cho rằng giai đoạn này còn được Bộ Quốc phòng chỉ định tham gia lớp cán bộ nguồn cao cấp toàn quân đi làm nghiên cứu sinh từ 2003 - 2008, phải học tập trung, chiếm hầu hết thời gian ngày nghỉ, lễ... Bị cáo Hiến cũng cho hay, đã được đào tạo 9 năm ở nước ngoài về chỉ huy quân sự “nhưng chưa từng được đào tạo quản lý kinh tế, nhất là quản lý đất đai”.
“Tôi nhận phần lỗi của mình và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước tổ chức, pháp luật, anh em, đồng đội”, bị cáo Hiến nói trước tòa.
|
Bình luận (0)