Ưu tiên hạ tầng để TP.Thủ Đức đột phá

Đình Sơn
Đình Sơn
06/03/2022 06:50 GMT+7

Đó là ý kiến của các chuyên gia, doanh nghiệp , nhà quản lý tại buổi tọa đàm 'Doanh nghiệp đóng góp ý tưởng đồ án quy hoạch chung TP.Thủ Đức' do UBND TP.Thủ Đức (TP.HCM) tổ chức ngày 5.3.

Giao thông dẫn đường

Theo bà Lưu Thị Thanh Mẫu, Tổng giám đốc Phúc Khang Corp., quy hoạch TP.Thủ Đức phải nhìn tầm nhìn liên vùng, liên tỉnh, không chỉ đơn giản là gom 3 quận thành một theo địa giới hành chính. Vùng ở đây bao gồm cả TP.HCM, vùng kinh tế trọng điểm phía nam, các đô thị lân cận..., rồi từ đó có định hướng phát triển tổng thể một khu Đông Sài Gòn xứng tầm chứ không quy hoạch manh mún. Trong đó, hạ tầng là yếu tố cần ưu tiên hàng đầu. Phát triển một TP phải bắt đầu từ hạ tầng, tránh những bài học mà TP.HCM đang phải đối mặt như ngập lụt, kẹt xe, quá tải và xuống cấp hạ tầng nghiêm trọng… TP sáng tạo và TP công nghệ không thể là TP suốt ngày sống trong kẹt xe và ngập lụt. Nếu chỉ loanh quanh giải quyết các bài toán về hạ tầng và cơm áo đời sống sẽ rất khó bật lên để có sức cạnh tranh trong khu vực và tầm quốc tế. “Đồ án quy hoạch cũng cần sớm dành chỗ cho các không gian công cộng. Đặc biệt là dải hành lang đất ven sông Sài Gòn và sông Đồng Nai cần được khoanh vùng chức năng công cộng trước khi có sự phát triển xây dựng ồ ạt. Những công viên cảnh quan dọc hai bên bờ sông sẽ góp phần làm đẹp cảnh quan, bảo vệ môi trường, thu hút người dân và khách du lịch, làm tăng gấp nhiều lần giá trị đất đai và sức thu hút đầu tư”, bà Mẫu đề xuất.

Nhiều ý kiến đề xuất TP.Thủ Đức cần phát triển đột phá theo định hướng TP thông minh, sáng tạo, tương tác cao

ĐÌNH SƠN

Bà Mẫu cũng đề xuất cần nghiên cứu khái niệm và phát triển mô hình đô thị xanh cho TP.Thủ Đức bởi đây là hướng đi tất yếu. Nếu vẫn giữ tốc độ phát triển đô thị thần tốc như hiện nay mà thiếu sự quan tâm tới tính xanh và bền vững, diện tích bê tông hóa sẽ thay thế dần các mảng xanh tự nhiên, tài nguyên thiên nhiên ngày càng cạn kiệt, hệ sinh thái và đa dạng sinh học bị hủy hoại, chất lượng môi trường suy giảm sẽ kéo theo sự suy giảm về sức khỏe thể chất, tinh thần của người dân đô thị, cũng như sự đứt kết nối dần giữa con người với thiên nhiên. “Phát triển đô thị theo hướng xanh và bền vững chính là tạo ra sự thay đổi, tạo ra những không gian sống tốt hơn và những đô thị tốt hơn, cho hành tinh, cho môi trường và cho cả chính con người”, bà Mẫu nhấn mạnh.

Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM, cũng cho rằng TP.Thủ Đức muốn thu hút các nhà đầu tư tầm cỡ quốc tế đầu tư mạnh hạ tầng giao thông. Hiện nay, TP.Thủ Đức đã và đang được phê duyệt rất nhiều tuyến đường kết nối với trung tâm TP.HCM cũng như các tỉnh Đồng Nai, Bình Dương như: Vành đai 2, Vành đai 3, cầu Cát Lái, tuyến metro số 1… Hạ tầng giao thông phát triển thì sẽ thu hút được các nhà đầu tư lớn, những “con sếu đầu đàn” đầu tư vào TP.Thủ Đức. “Cần khôi phục lại quy hoạch tuyến đường sắt trên cao chở hàng hóa kết nối từ ga Sóng Thần - cảng Cát Lái (từ cảng Cát Lái kết nối Cái Mép -Thị Vải, từ Cát Lái kết nối cảng Hiệp Phước và cảng Tân Lập - Long An)”, ông Châu kiến nghị.

Bà Phạm Thị Bích Huệ, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Western Pacific, cho rằng TP.Thủ Đức là một nơi có điều kiện địa lý thích hợp để phát triển trung tâm logistics tầm cỡ quốc gia. Vì thế, cần phải phát triển giao thông theo hướng kết nối đa phương thức: đường bộ, đường sông, đường hàng không. TP.Thủ Đức nên dành quỹ đất để các doanh nghiệp có kinh nghiệm trong lĩnh vực này thực hiện nhiệm vụ trên.

Phát triển kinh tế đêm

Từ góc độ du lịch, ông Nguyễn Quốc Kỳ, Chủ tịch HĐQT Vietravel, phân tích TP.Thủ Đức có lợi thế về sông nước khi toàn bộ đoạn sông Sài Gòn đẹp nhất của TP.HCM đi qua địa bàn này. Chính vì vậy, TP.Thủ Đức cần chú trọng quy hoạch và khai thác loại hình thể thao gắn với sông nước, bến đậu du thuyền, ca nô trên sông Sài Gòn. Bên cạnh đó, cần những dịch vụ ven sông để khai thác du lịch sông, nhất là vào ban đêm. Hiện tại, đoạn bờ sông Sài Gòn đối diện Q.1 buồn hiu hắt, buổi tối không có dịch vụ gì trong khi nhu cầu giải trí của người trẻ hiện rất lớn. Do đó TP.Thủ Đức cần triển khai đường bờ sông, đường ven sông, trang bị ánh sáng cho bờ sông, hình thành hệ thống dịch vụ ban đêm để khai thác kinh tế đêm phục vụ người dân, du khách. Nếu không có dịch vụ thì khách không đến vào ban đêm, tức TP.Thủ Đức đã bỏ phí nguồn lực kinh tế.

Ông Johnathan Hạnh Nguyễn, Chủ tịch Tập đoàn Xuất nhập khẩu Liên Thái Bình Dương, thông tin theo kết luận cuộc họp chiều ngày 4.3, TP.HCM sẽ kết hợp với TP.Đà Nẵng hoàn thành đề án trung tâm tài chính ở VN. Đề án này được công ty ấp ủ nhiều năm và trung tâm tài chính này sẽ được đặt tại TP.Thủ Đức. Ông Johnathan Hạnh Nguyễn cam kết sẽ hỗ trợ TP.Thủ Đức quy hoạch một số khu vực trở thành khu trung tâm tài chính, kinh tế - thương mại - du lịch, góp phần phát triển kinh tế. Nhóm tài chính chiến lược đã tổ chức ngay đội ngũ nhân sự, để khi trung tâm tài chính được chọn lựa sẽ bắt tay vào xây dựng. Để thực hiện thì cần chuẩn bị ngay từ bây giờ. Thứ nhất, cần hoàn thiện hạ tầng giao thông giữa TP.Thủ Đức và các tỉnh lân cận. Thứ hai là phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, nhất là trong lĩnh vực tài chính, công nghệ, việc này có thể thực hiện liên kết với các nhà đầu tư để đào tạo và chuyển giao; phát triển khu đô thị hiện đại kiểu mẫu, với khu thương mại dịch vụ cao cấp.

Theo ông Hoàng Tùng, Chủ tịch UBND TP.Thủ Đức, TP.Thủ Đức với quy mô dân số 1 triệu người, gồm 34 phường, có vị trí quan trọng trong vùng tam giác TP.HCM - Đồng Nai - Bà Rịa Vũng Tàu. Đây là đầu mối của các tuyến giao thông huyết mạch giữa TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây, Xa lộ Hà Nội, đường Phạm Văn Đồng - QL1K, QL52, QL13, đường Vành đai 2… TP.Thủ Đức hướng tới đô thị có chất lượng sống tốt và môi trường làm việc hấp dẫn; có văn hóa đặc trưng trên cơ sở bảo tồn di sản và cảnh quan sông nước; phát triển hạ tầng đô thị thông minh, bền vững và thích ứng với biến đổi khí hậu. Ông mong muốn nhận được nhiều ý tưởng để phát triển quy hoạch TP.Thủ Đức theo định hướng TP thông minh, sáng tạo, tương tác cao.

TP nhận thức rằng để đồ án quy hoạch thực hiện được là phải dựa vào cộng đồng doanh nghiệp, chuyên gia cũng như người dân. Các ý tưởng cũng từ đây và nguồn lực cũng từ đây. Không chỉ giai đoạn đóng góp ý tưởng mà sau này cũng cần sự đồng hành của doanh nghiệp, người dân để công tác thực hiện quy hoạch được tốt hơn, xuyên suốt hơn.

Ông Nguyễn Thanh Nhã, Giám đốc Sở Quy hoạch - Kiến trúc TP.HCM

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.