Thị trường chuyển nhượng tấp nập
Ngay từ khi mùa giải cũ vừa khép lại và đến thời điểm khoảng gần một tháng trước khi khởi tranh, V-League 2021 đã chứng kiến một loạt chuyển động đáng chú ý từ các đội bóng không chỉ ở nhân sự cầu thủ mà còn trên băng ghế huấn luyện. Bầu Đức mời lại Zico Thái Kiatisak dẫn dắt CLB HAGL, xứng đáng là cú bom tấn gây sốc nhất làng bóng đá nội tính đến thời điểm này.
Vài ngày trước, Kiatisak tuyên bố: “HAGL cần đá ngắn, đá nhanh để tận dụng thế mạnh về tốc độ. Tôi muốn xây HAGL giống “kiểu Zico”. Tôi muốn có một lối đá cống hiến. Tôi sẽ cố gắng tập vị trí, chiến thuật cho HAGL. Đội bóng cần pressing tốt hơn, gây sức ép cho đối thủ nhiều hơn. HAGL phải đá hay, đá đẹp, không đá xấu. Nếu đá xấu thì khán giả không thích. Tôi muốn anh em, người hâm mộ xem bóng đá một cách mãn nhãn”.
Mong được nhận hỗ trợ tiền tỉ từ VPFVPF vừa tái ký hợp đồng với Tập đoàn LS mà theo tiết lộ của Chủ tịch VPF Trần Anh Tú, giá trị hợp đồng cao hơn mùa 2020 và thời gian kéo dài trong 3 mùa giải. Lãnh đạo một CLB cho hay: “VPF không tăng tiền thưởng khi vẫn giữ mức 3 tỉ đồng cho đội vô địch; 1,5 tỉ đồng cho á quân và 750 triệu cho đội hạng ba. Nhưng tại hội thảo về công tác mùa giải mới và bốc thăm xếp lịch thi đấu, ông Nguyễn Minh Ngọc, Phó chủ tịch kiêm Tổng giám đốc VPF, đã thông báo VPF sẽ tiến hành chấm điểm các CLB dựa trên việc CLB tuân thủ quy chế bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam, điều lệ giải… Từ đó, VPF sẽ thưởng tiền cho các đội cao hơn mùa trước cũng như tiến hành trừ điểm, trừ tiền nếu đội đó vi phạm các quy định. Mùa giải 2020, chúng tôi nhận tiền hỗ trợ từ VPF là 800 triệu đồng - một con số không quá nhiều. Nếu mùa giải 2021 giá trị của V-League được nâng cấp, VPF sẽ kiếm được nhiều khoản tài trợ và các CLB cũng được hưởng lợi. Cuối mùa, nếu VPF hỗ trợ khoảng 1,5 - 2 tỉ đồng/đội thì tôi cho rằng, suốt mùa các đội sẽ không ngừng nỗ lực cải thiện hình ảnh - cũng chính là cải thiện hình ảnh cho bóng đá Việt Nam”.
Trung Ninh
|
Các CLB không thể rầm rộ mua sắm ngoại binh do bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 nhưng không vì thế mà thị trường chuyển nhượng tại Việt Nam mang một màu ảm đạm, nếu không muốn nói là vẫn tương đối nhộn nhịp. Vừa thăng hạng, tân binh Bình Định (BĐ) đã gây ấn tượng bằng việc “vợt” khá nhiều nhân sự từ các đối thủ khác như Rimario, Đinh Tiến Thành (Hà Nội FC), Ahn Byung-keon, Phạm Văn Thành (Sài Gòn FC), Hồ Tấn Tài (B.BD), Lê Thanh Bình (TH). SHB Đà Nẵng (S.ĐN) chiêu mộ Rafaelson (Nam Định), Huy Hùng (Quảng Nam), Ngọc Thịnh (CLB TP.HCM), Gustavo (B.BD), Almeida Santos (Hồng Lĩnh Hà Tĩnh). Ngay cả đội đang gặp khó khăn tài chính như SLNA gọi lại chân sút chủ lực một thời là Olaha từ CLB Hapoel (Israel), ký với cặp tiền đạo Peter Onyekachi, Bruno Henrique.
Những ứng viên sáng giá nhất cho chức vô địch như Hà Nội FC tựa hổ mọc thêm cánh với sự gia nhập của một trong những ngoại binh xuất sắc nhất V-League 2020 Geovane, chưa kể hai trụ cột của hàng thủ Đỗ Duy Mạnh, Trần Đình Trọng kịp trở lại sau chấn thương. Viettel cũng làm mới hàng công với Pedro Paulo bằng bản hợp đồng thời hạn 2 năm. CLB TP.HCM sẵn sàng chi gần 1 tỉ đồng/tháng tiền lương để có được chữ ký của Lee Nguyễn. Người hâm mộ mong chờ được thưởng thức tài nghệ của Lee Nguyễn trên sân cỏ nhưng chỉ riêng chuyện “ân oán” hậu trường giữa 2 ngôi sao Lee Nguyễn và Kiatisak đã khiến V-League trở nên vô cùng hấp dẫn.
Sài Gòn FC thay máu toàn diện, trong đó chiêu mộ 3 cầu thủ Nhật Bản Takasaki Horoyuki, Woo Sang-ho, Daisuke Matsui. Chưa biết hiệu quả của các cuộc “thay máu” này sẽ như thế nào nhưng chí ít nó cũng mang đến sự tò mò cho khán giả. Mà trong bóng đá, tính tò mò là một trong những yếu tố có thể lấp đầy các khán đài, điều mà Công ty cổ phần bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam (VPF) mong mỏi hơn ai hết.
Tính minh bạch sẽ cao hơn
Chủ tịch CLB SLNA Nguyễn Hồng Thanh chia sẻ: “Mỗi năm V-League lại có sức hấp dẫn riêng, không năm nào giống năm nào. Thể thức thi đấu mùa 2021 giữ như mùa trước nhưng thay đổi ở số lượng đội nhóm A tranh chức vô địch chỉ còn 6 thay vì 8, còn đội nhóm B tranh 1,5 suất trụ hạng tăng lên 8 đội. Hầu hết các đội đều cố gắng đầu tư để ít nhất lọt vào top 6, từ đó đặt mục tiêu cao hơn là giành thứ hạng. Tất nhiên, vào giải như thế nào phải chờ xem mới biết được. Điều tôi kỳ vọng nhất ở V-League 2021 là tất cả CLB đều đá hết mình. Mọi đội bóng sẽ tập trung cao độ ngay từ đầu, tránh bị rơi xuống top 8. Ai cũng cần tích lũy điểm để chuẩn bị cho giai đoạn 2 nên mong rằng tính minh bạch của giải sẽ nâng cao. Có được tinh thần thi đấu như thế, đội nào cũng sẽ nỗ lực và nghiêm túc để kéo khán giả lên sân”.
Bình luận viên Ngô Quang Tùng nói: “Tôi nghĩ có lẽ đây là giải đấu đáng chờ đợi nhất trong nhiều năm đổ lại. Rất nhiều đội bóng chuẩn bị rất tích cực. Nhưng trừ những đội có điều kiện, lác đác vẫn có những đội bóng trong tầm nguy hiểm tài chính. Bóng đá Việt Nam không phải không từng có chuyện, không ít CLB mặc dù vào cuộc với lực lượng đầy đủ nhưng trong chặng đua, chẳng may bị thiếu “doping tiền” thì động lực bị giảm sút, dẫn đến tụt dốc không phanh. Hy vọng tình cảnh đó không xảy ra. Lạc quan mà nhận định, khả năng cao V-League 2021 sẽ mang nhiều màu sắc và sự ganh đua quyết liệt. Điều tôi kỳ vọng nhất là sẽ có rất nhiều cầu thủ trẻ được ra sân nhiều hơn trong màu áo Viettel, Hà Nội FC, B.BD, HAGL, S.ĐN, BĐ...
V-League 2021 rất quan trọng vì còn là bước đệm cho SEA Games 31 nên cực kỳ cần các gương mặt mới. Nếu các cầu thủ trẻ được chơi và đóng góp cho các CLB thì tuyển U.22 Việt Nam sẽ trưởng thành rất nhiều”.
Bình luận (0)