Vắc xin Covid-19 'Made in Vietnam' trên đường về đích

Liên Châu
Liên Châu
12/02/2021 00:08 GMT+7

Tháng 2 này, vắc xin Covid-19 dự tuyển của Vabiotech cũng triển khai thử nghiệm lâm sàng (tiêm trên người tình nguyện).

TS Đỗ Tuấn Đạt, Chủ tịch Công ty Vabiotech (Bộ Y tế), chia sẻ khởi đầu vụ dịch Covid-19 do SARS-CoV-2 gây ra, không ai có thể nghĩ vi rút này ghê gớm như vậy. “Nhiều ý kiến từng phỏng đoán chắc nó đến rồi sẽ đi nhanh chóng như SARS trước đây. Dịch SARS từng xảy ra và không thấy quay trở lại, không còn dư âm gì, mất đi hoàn toàn. Và vì vậy, chúng tôi đã nghĩ làm vắc xin Covid-19 có lẽ chỉ là học thêm điều mới chứ không có cơ hội sử dụng. Nhưng càng làm thì càng thấy rõ, vắc xin là biện pháp cuối cùng để khống chế được dịch Covid-19. Con đường làm vắc xin phải có đích, phải có sản phẩm”, Chủ tịch Vabiotech bày tỏ.

Sáng mùng 1 Tết: Không có ca mắc Covid-19 mới, hơn 129.900 người đang cách ly chống dịch

“Hài lòng về hướng đi mình đã chọn”

Theo TS Đỗ Tuấn Đạt, từ cuối năm 2018, Vabiotech đã chính thức hợp tác với Đại học Bristol (Anh) về công nghệ mới trong sản xuất vắc xin. “Công nghệ mới là công nghệ tổng hợp hệ gien, chứ không nhất thiết phải có vi rút hoang dại để làm nguyên liệu sản xuất vắc xin. Công nghệ này đã được nhiều nhà sản xuất vắc xin lớn trên thế giới phát triển thành công các loại vắc xin khác, hiện đang được sử dụng rộng rãi tại nhiều quốc gia cho hiệu quả bảo vệ cao”, ông Đạt nói.
“Đặc biệt, chúng tôi lựa chọn công nghệ này vì cho phép sản xuất vắc xin đại dịch, bởi nó cho công suất rất lớn về “nguyên liệu” làm vắc xin trong thời gian ngắn, thay vì kéo dài nhiều tháng nếu sản xuất vắc xin theo công nghệ cũ”, một thành viên của nhóm nghiên cứu thuộc Vabiotech chia sẻ. Theo đó, ở công nghệ mới này, sau khi nắm rõ về đặc tính sinh học của vi rút, dựa trên chuỗi gien của vi rút, các nhà khoa học sẽ tổng hợp được các đoạn gien, là nguyên liệu phục vụ cho sản xuất vắc xin.
“Ban đầu, khi hợp tác tiếp nhận chuyển giao từ các nhà khoa học tại Đại học Bristol (Anh), chúng tôi dự kiến sản xuất vắc xin dại và cúm. Tuy nhiên, khi bắt tay vào công việc hồi đầu năm 2020 thì cũng là lúc Covid-19 bùng phát. Do đó, việc tiếp cận công nghệ sản xuất vắc xin mới đã được nhóm nghiên cứu chuyển hướng sang sản xuất vắc xin Covid-19”, ông Đạt cho biết.
Cũng theo TS Đỗ Tuấn Đạt, công nghệ sản xuất vắc xin mà Vabiotech tiếp nhận cho phép sản xuất số lượng lớn trong thời gian ngắn, đáp ứng nhu cầu lớn về vắc xin để ứng phó với đại dịch. Nếu áp dụng công nghệ cũ, để cho ra đời cả triệu liều vắc xin phải mất 3 - 6 tháng, nhưng với công nghệ mới, chúng ta có thể chỉ cần 3 tuần. Trước khi xuất hiện SARS-CoV-2, công nghệ tổng hợp hệ gien này đã được nghiên cứu ứng dụng để sản xuất vắc xin phòng cúm đại dịch, do vi rút cúm có khả năng biến đổi nhanh, có thể gây dịch lớn, trong thời gian ngắn.
TS Đạt cho biết thêm, không chỉ cho phép đẩy nhanh tiến độ, công nghệ này cũng cho ra đời vắc xin an toàn hơn, tính ưu việt của công nghệ mới còn giúp giảm được giá thành sản xuất. Do đó, thêm cơ hội được tiếp cận vắc xin với những quốc gia mà khả năng chi trả của người dân còn hạn chế. “Chúng tôi hài lòng về hướng đi mình đã chọn, và đã làm chủ công nghệ”, TS Đạt bày tỏ.

Một liều tiêm vắc xin Covid-19 ở Việt Nam dự kiến có giá bao nhiêu?

Vi rút “vận chuyển” SARS-CoV-2

Với vắc xin chống dịch Covid-19, đoạn gien của vi rút SARS-CoV-2 sau khi tinh khiết, làm sạch, sẽ được gắn lên vi rút Baculo. Baculo gây bệnh trên côn trùng nhưng hoàn toàn vô hại với người. Vi rút Baculo mang đoạn gien SARS-CoV-2 chính là nguyên liệu mang tính quyết định của vắc xin Covid-19.
Theo TS Đạt, mảnh vi rút SARS-CoV-2 khi vào cơ thể sẽ là kháng nguyên giúp cơ thể sinh ra miễn dịch chống lại vi rút này. Tuy nhiên, mảnh vi rút đã được làm sạch, tinh khiết nên vào cơ thể sẽ không tạo được miễn dịch đủ mạnh, do đó vắc xin cần các chất bổ trợ để kích thích miễn dịch. Với vắc xin Covid-19, không chỉ là “phương tiện” đưa mảnh gien của SARS-CoV-2 vào cơ thể, bản thân vi rút Baculo cũng là một yếu tố kích ứng thêm hệ miễn dịch của cơ thể người được tiêm, tăng tính hiệu quả của vắc xin. Việc lựa chọn đúng đắn “cỗ xe” mang đoạn gien SARS-CoV-2 (vi rút vector) cũng là quyết định quan trọng để cho ra đời vắc xin an toàn, hiệu quả, chất lượng ổn định.
“SARS-CoV-2 đã có các biến đổi, hiện đã có các chủng khác nhau được ghi nhận tại các quốc gia, nhưng các nhà khoa học đã lựa chọn đoạn gien đặc trưng nhất của vi rút này, nhờ đó, miễn dịch tạo được sau tiêm vắc xin Covid-19 sẽ có hiệu quả bảo vệ, dù vi rút vẫn có biến đổi như chúng ta đã biết”, TS Đạt cho biết.
Theo Vabiotech, hiện tại, các thử nghiệm trên động vật cho thấy vắc xin dự tuyển Covid-19 đáp ứng miễn dịch tốt, tỷ lệ cao. Đặc biệt, vắc xin Covid-19 được bảo quản ở nhiệt độ 2 - 8 độ C, như hầu hết vắc xin khác hiện đang được lưu hành, phương tiện vận chuyển, bảo quản đều sẵn có. Với vắc xin đại dịch thì đây là ưu điểm lớn của vi rút vector.

Giao thừa ở con hẻm bị phong tỏa ngày 30 tết vì Covid-19

Vắc xin là những chế phẩm sinh học có chứa mầm bệnh (kháng nguyên) như vi khuẩn, vi rút… đã suy yếu, bị tiêu diệt, hoặc một phần cấu trúc của mầm bệnh. Khi chủng ngừa, hệ miễn dịch của cơ thể nhận diện vắc xin là vật lạ nên sẽ tiêu diệt rồi ghi nhớ chúng. Người được tiêm chủng sẽ tạo được “trí nhớ miễn dịch”. Khi các tác nhân gây bệnh xâm nhập vào cơ thể, hệ miễn dịch sẽ tấn công các tác nhân gây bệnh giúp cơ thể chống lại bệnh đó. (Bộ Y tế)
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.