Vấn đề thời cơ trong đàm phán Hiệp định Paris 50 năm trước

27/01/2023 08:00 GMT+7

Cuộc thương lượng tại Paris giữa Việt Nam Dân chủ cộng hòa và Mỹ là cuộc đàm phán lịch sử. Hầu hết các trường hợp là chúng ta tạo ra thời cơ.

Nắm bắt cơ hội buộc Mỹ chấm dứt hoàn toàn ném bom miền Bắc

Cuộc thương lượng Việt - Mỹ diễn ra tại Paris bắt đầu ngày 13.5.1968, giữa Đoàn Việt Nam Dân chủ cộng hòa do Bộ trưởng Xuân Thủy đứng đầu và Đoàn Mỹ do đại sứ Harriman, đại diện tổng thống Mỹ dẫn đầu, bàn về Mỹ chấm dứt chiến tranh phá hoại miền Bắc không điều kiện.

Ngày khai mạc Hội nghị Paris về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình tại Việt Nam

tư liệu

Cuộc đàm phán rất căng thẳng do lập trường của hai bên trái ngược nhau: Việt Nam Dân chủ cộng hòa đòi Mỹ chấm dứt hoàn toàn ném bom không điều kiện, song Mỹ lại nêu phải có “hoàn cảnh thích hợp’, rồi “kế hoạch hai giai đoạn”, mà thực chất là có điều kiện. Họ đòi khôi phục khu phi quân sự, không bắn pháo qua khu phi quân sự, không tăng cường lực lượng từ miền Bắc vào cho Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam...

Từ đầu tháng 9.1968, đợt 3 tổng tiến công và nổi dậy tết Mậu Thân 1968 của quân và dân miền Nam kết thúc, lực lượng bị tổn thất, phải chuyển sang củng cố. Còn về phía Mỹ, cuộc vận động tranh cử tổng thống vào giai đoạn quyết định. Qua thăm dò dư luận, Humprey ứng cử viên của Đảng Dân chủ chỉ được 29%, trong khi Nixon, ứng của viên Đảng Cộng hòa 45%.

Chính quyền Đảng Dân chủ có “nhu cầu lớn cấp bách thúc đẩy đàm phán tiến triển để hỗ trợ cho ứng cử viên Đảng Dân chủ”. Harriman đề nghị Mỹ sẽ ngừng ném bom khi việc đó dẫn tới các cuộc “nói chuyện nghiêm chỉnh”. “Nói chuyện nghiêm chỉnh” nghĩa là có sự tham gia vào cuộc thương lượng của Việt Nam Cộng hòa và Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam, mặc dù Việt Nam Dân chủ cộng hòa không công nhận Việt Nam Cộng hòa; Mỹ và Việt Nam Cộng hòa cũng không công nhận Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam.

Chúng ta đã chớp lấy thời cơ này buộc Mỹ phải chấm dứt ném bom hoàn toàn Việt Nam Dân chủ cộng hòa không điều kiện. Ngày 11.10.1968, hai bên đã thỏa thuận được việc Mỹ chấm dứt ném bom hoàn toàn miền Bắc và họp hội nghị 4 bên.

Tuy nhiên, ngày 13.10.1968, Bộ Chính trị lại chỉ thị cho đoàn đàm phán trước khi thỏa thuận phải đòi hai điều: Mỹ phải nói chuyện với Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam và Chính quyền Sài Gòn phải thay đổi chính sách.

Đó là hai điều kiện mà Mỹ không thể chấp nhận được. Cố vấn đặc biệt Lê Đức Thọ phải về nước để giải trình. Tiếp đó, cuối tháng 10, chúng ta lại “găng lên một số vấn đề thủ tục không quan trọng như hình thức, lời văn, tính chất, tên gọi hội nghị 4 bên nên mãi đến 27.10.1968 mới đạt được thỏa thuận cuối cùng”. Suýt nữa chúng ta đã bỏ lỡ thời cơ lớn.

Về phía Mỹ, lại vấp phải sự phản đối của Nguyễn Văn Thiệu. Trong hồi ký của mình, Johnson - Tổng thống Mỹ khi đó, viết: “Khi chúng ta đạt được sự sắp xếp với Hà Nội thì sự hòa hợp với Tổng thống Thiệu lại tan vỡ”. Thiệu chống lại quyết định của Tổng thống Johnson vì hy vọng Nixon sẽ thắng cử. Johnson đã quyết định bỏ qua ý kiến của Nguyễn Văn Thiệu và ngày 31.10.1968 tuyên bố chấm dứt hoàn toàn ném bom Việt Nam Dân chủ Cộng hòa không điều kiện. Đây là thắng lợi chính trị - pháp lý to lớn của Việt Nam.

Cuộc bầu cử tổng thống Mỹ ngày 6.11.1968, Nixon vẫn giành chiến thắng sít sao (43,3 % và 42,7%) với hơn có 50 vạn phiếu. Có ý kiến cho rằng nếu chấm dứt ném bom sớm hơn có thể ứng cử viên của Đảng Dân chủ giành chiến thắng.

Như vậy, với cục diện vừa đánh vừa đàm được mở ra do phía ta tạo ra, đã xuất hiện cơ hội ép Mỹ chấm dứt ném bom miền Bắc hoàn toàn và không điều kiện.

Chủ động góp phần tạo ra cục diện đàm phán thực chất

Tháng 1.1969, Nixon trở thành Tổng thống Mỹ và đề ra chiến lược “Việt Nam hóa chiến tranh” gồm 3 nội dung: củng cố ngụy quân, ngụy quyền, làm suy yếu cách mạng miền Nam đi liền với tiến độ rút quân Mỹ và một kế hoạch toàn diện về quân sự, chính trị, kinh tế và đối ngoại.

Mỹ tìm mọi cách ngăn nguồn viện trợ từ bên ngoài cho Việt Nam: Nixon đi thăm Trung Quốc (2.1972) và Liên Xô (5.1972). Ngoài ra, Mỹ mở rộng chiến tranh sang Campuchia và Lào hòng đánh vào vùng “đất thánh” của Việt Nam. Đồng thời, Mỹ tiến hành chiến tranh với mức độ mà nền kinh tế Mỹ và dư luận cho phép, kéo dài chiến tranh để vực quân ngụy, tạo điều kiện Mỹ rút quân.

Ngày 25.1.1969, Hội nghị 4 bên tại Paris khai mạc. Trong quá trình đàm phán các năm 1969 - 1971, kết hợp giữa diễn đàn công khai bốn bên với gặp riêng cấp cao Việt Nam - Mỹ, chủ trương của Việt Nam là phối hợp đấu tranh ngoại giao với hoạt động quân sự, chính trị, phá chiến lược “Việt Nam hóa chiến tranh”, kéo Mỹ xuống thang chiến tranh, bảo đảm cho quân và dân miền Nam tiếp tục đánh mà dư luận vẫn đồng tình.

Từ năm 1971, Bộ Chính trị chủ trương chuẩn bị chiến dịch lớn giành thắng lợi có ý nghĩa quyết định vào đầu năm 1972, buộc Mỹ phải kết thúc chiến tranh. Lúc này Mỹ đã đơn phương rút 400.000 quân, chỉ còn 150.000 quân.

Trước đó, tháng 3.1970, thực hiện kế hoạch “Việt Nam hóa”, chính quyền Nixon giật dây Lon Nol lật đổ Quốc trưởng Sihanouk và tháng 4.1970, Mỹ đưa hơn 10 vạn quân Mỹ và ngụy quân Sài Gòn đánh vào Campuchia hòng phá hậu cứ, tiêu diệt quân chủ lực và cơ quan đầu não của cách mạng miền Nam.

Đồng thời, Mỹ tăng cường “chiến tranh đặc biệt” và chiến tranh phá hoại ở Lào, với không quân Mỹ và một lực lượng lục quân Thái Lan tham gia. Từ ngày 8.2. 1971, chính quyền Sài Gòn mở Chiến dịch Lam Sơn - 719, đường 9 - Nam Lào nhằm cắt đứt đường mòn Hồ Chí Minh. Chiến dịch đã bị thất bại. Hơn nửa lực lượng xâm lấn đã bị thương vong đặc biệt là lực lượng tinh nhuệ (Biệt động quân và sư đoàn dù), là các đơn vị dự bị chiến lược tốt nhất của Việt Nam Cộng hòa, làm phá sản chiến lược thử nghiệm quan trọng “Việt Nam hóa chiến tranh (bộ binh ngụy Sài Gòn và hỏa lực và hậu cần Mỹ).

Trước đó, quân tình nguyện Việt Nam phối hợp với lực lượng kháng chiến Lào từ tháng 2 đến tháng 6.1970, giải phóng Cánh đồng Chum, tỉnh Attapeu, tỉnh Xalavan, tạo thuận lợi để phát triển đường giao thông tiếp tế nối liền Việt Nam - Lào - Campuchia.

Từ ngày 30.3.1972, kéo dài tới 31.1.1973, quân và dân ta mở cuộc Tổng tấn công chiến lược Xuân - Hè. Đây là cuộc tổng tấn công chiến lược bằng các chiến dịch tiến công quy mô lớn, hiệp đồng binh chủng, tiến công sâu vào hệ thống phòng ngự tại những hướng chiến lược quan trọng: Quảng Trị – Thừa Thiên Huế, Bắc Tây Nguyên, miền Đông Nam bộ, đồng bằng Khu V và Khu VIII (Nam bộ), trong đó mặt trận Trị - Thiên được chọn là hướng tấn công chủ yếu. Khu 5, trong đó có Đà Nẵng là chiến trường phối hợp quan trọng.

Sau ba tháng tấn công, quân và dân Việt Nam giành thắng lợi lớn, tiêu diệt nhiều sinh lực địch, giải phóng nhiều vùng rộng lớn, tạo được chỗ đứng vững cho quân chủ lực.

Chiến lược “Việt Nam hóa chiến tranh” của chính quyền Nixon thất bại một bước nghiêm trọng. So sánh lực lượng ở miền Nam thay đổi lớn. Mỹ buộc phải “tái Mỹ hóa” cuộc chiến tranh, đưa máy bay, tàu chiến tham gia cứu ngụy quân; đánh phá lại và phong tỏa cảng, sông ngòi miền Bắc Việt Nam. Phong trào chống chiến tranh ở Mỹ lại bùng lên.

Cục diện sau thắng lợi Xuân - Hè tạo ra khả năng kết thúc chiến tranh. Mặt khác, Mỹ còn vấp phải nhiều khó khăn lớn ở trong nước và trên trường quốc tế. Phía Việt Nam, với so sánh lực lượng và thế trận đã được cải thiện, có thể buộc Mỹ nhận một giải pháp bảo đảm các yêu cầu của chúng ta trong tình hình quốc tế với xu hướng hòa hoãn nước lớn tiếp tục được đẩy mạnh.

Chớp thời cơ đàm phán kết thúc thương lượng, kết thúc chiến tranh

Bộ trưởng Ngoại giao Nguyễn Duy Trinh ký Hiệp định Paris ngày 27.1.1973

tư liệu

Trước sự biến chuyển của tình hình đó, trong những ngày cuối tháng 6 đầu tháng 7.1972, Bộ chính trị đánh giá tình hình và thời cơ, đưa ra quyết định mang tính chất chiến lược: Phát huy thắng lợi trên chiến trường, khai thác khó khăn nội bộ Mỹ, buộc chính quyền Mỹ chấp nhận một giải pháp kết thúc chiến tranh nhằm đạt mục tiêu “đánh cho Mỹ cút” để chuyển sang giai đoạn đấu tranh mới, tiếp tục đưa cách mạng tiến lên đến thắng lợi hoàn toàn.

Bộ Chính trị thông qua những phương hướng lớn của giải pháp nhằm đạt 4 mục tiêu: Bảo đảm các quyền dân tộc cơ bản của nhân dân ta đã được Hiệp định Giơnevơ công nhận; Chấm dứt sự dính líu quân sự của Mỹ ở Việt Nam, ngừng bắn, rút hết quân Mỹ, và quân chư hầu ra khỏi miền Nam Việt Nam. Thừa nhận thực tế miền Nam có hai chính quyền, hai quân đội, hai vùng kiểm soát. Mỹ tôn trọng quyền tự quyết của nhân dân miền Nam Việt Nam; Mỹ phải bồi thường chiến tranh dưới hình thức đóng góp để hàn gắn vết thương chiến tranh và xây dựng lại miền Bắc.

Tuy nhiên, qua 3 tháng đàm phán cực kỳ gay gắt, chỉ đạt được một số thỏa thuận hạn chế: Mỹ chấp nhận rút hết quân trong ba tháng, cam kết chấm dứt dính líu về quân sự, thực hiện ngừng bắn tại chỗ ở miền Nam, đồng ý lập Ủy ban hòa giải để tổ chức tổng tuyển cử. Hai bên còn có ý kiến khác nhau liên quan tất cả các mặt của giải pháp: quân sự, chính trị, bồi thường chiến tranh, vấn đề Đông Dương. Phức tạp nhất là vấn đề chính trị nội bộ miền Nam: Mỹ muốn giữ chính quyền Sài Gòn, giải quyết vấn đề nội bộ miền Nam trong khuôn khổ chế độ Sài Gòn. Còn chúng ta đề xuất lập chính quyền liên hiệp.

Phân tích tình hình đàm phán, Bộ Chính trị cho rằng Mỹ âm mưu kéo dài thương lượng để vượt qua bầu cử tổng thống vào tháng 11.1972. Mặt khác, ở miền Nam lực lượng Mỹ, ngụy bước đầu khôi phục sau khi chiếm lại thành cổ Quảng Trị (26.9.1972). Bộ Chính trị chủ trương: trước bầu cử tổng thống Mỹ, ép Mỹ ký hiệp định đảm bảo ngừng bắn, chấm dứt chiến tranh, rút quân, thả tù binh, công nhận trên thực tế ở miền Nam có 2 chính quyền, hai quân đội, hai vùng kiểm soát. Tiểu ban Việt Nam (CP- 50) theo chỉ đạo của Bộ Chính trị đã soạn thảo Dự thảo Hiệp định, được trao cho Đoàn Mỹ tại phiên họp hẹp ngày 8.10.1972 .

Chúng ta tạm gác nhiều vấn đề nội bộ miền Nam như bầu cử, hiến pháp, xóa chính quyền Sài Gòn, loại Nguyễn Văn Thiệu… Không đòi xóa chính quyền Sài Gòn và gạt Nguyễn Văn Thiệu tạo ra đột phá, tháo gỡ bế tắc, đưa lập trường hai bên gần nhau và Mỹ không thể lẩn tránh và kéo dài thương lượng. Đây là bước một trong Sách lược “giải quyết hai bước” của chúng ta. Trong hồi ký Kissinger viết: “Lord và tôi nắm tay nhau tuyên bố: chúng ta đã thành công! Tướng Haig xúc động nói: Tôi chưa bao giờ cảm động bằng buổi trưa mát mẻ của ngày chủ nhật mùa thu ấy” .

Như vậy, với thắng lớn của chiến dịch Xuân - Hè, làm thất bại chiến lược “Việt Nam hóa chiến tranh” của Mỹ, mà chúng ta là người chủ động, đã tạo cục diện mới trên chiến trường. Cùng với những khó khăn trong nội bộ nước Mỹ và cuộc bầu cử tổng thống cuối năm 1972, chúng ta đã tạm gác vấn đề nội bộ miền Nam, tạo ra thời cơ buộc Mỹ ký kết hiệp định chấm dứt chiến tranh và lập lại hòa bình ở Việt Nam, đáp ứng 4 yêu cầu của Việt Nam.

Trận Điện Biên Phủ trên không buộc Mỹ ký Hiệp định đã thỏa thuận

Bà Nguyễn Thị Bình, Bộ trưởng Ngoại giao Chính phủ Cách mạng lâm thời miền Nam Việt Nam ký Hiệp định Paris năm 1973

Getty Images

Dự thảo 8.10.1972 của Việt Nam, đã được hai bên hoàn chỉnh và nhất trí ngày 20.10.1972. Tuy nhiên, lấy lý do chính quyền Sài Gòn, đòi chỉnh sửa 69 điều, trong đó có những điều rất cơ bản như quân miền Bắc ở lại miền Nam, phủ nhận Chính phủ Cách mạng lâm thời miền Nam Việt Nam, chức năng của Hội đồng hòa giải và hòa hợp dân tộc, vấn đề khu phi quân sự… nên Việt Nam Dân chủ cộng hòa và Mỹ phải thương lượng bổ sung cho đến ngày 13.12.1972. Khi đó chỉ còn lại vấn đề qua lại khu phi quân sự.

Quan điểm của Việt Nam: là “qua lại” còn Mỹ là “qua lại dân sự”. Do vấn đề rất nhạy cảm, nên Bộ Chính trị yêu cầu Cố vấn đặc biệt Lê Đức Thọ về nước giải trình. Và 18.12.1972, đổ lỗi cho Việt Nam Dân chủ cộng hòa, Mỹ tiến hành ném bom rải thảm bằng máy bay chiến lược B-52 với quy mô chưa từng có thủ đô Hà Nội, thành phố Hải Phòng và một số thành phố khác miền Bắc Việt Nam.

Mục tiêu của Mỹ là gây sức ép tối đa nhằm buộc Việt Nam Dân chủ cộng hòa nhân nhượng, sửa đổi nội dung Hiệp định; Chính quyền Nixon không muốn mang tiếng là đã bỏ rơi đồng minh; thể hiện bản chất ngoại giao sức mạnh của Mỹ; phá hủy các cơ sở quân sự - kinh tế, làm suy yếu Việt Nam Dân chủ cộng hòa, góp phần hạn chế chi viện của miền Bắc cho cách mạng miền Nam.

Ngày 30.12.1972, Mỹ phải dừng cuộc ném bom và đề nghị nối lại cuộc thương lượng. Ngày 8.1.1973, hai bên gặp lại nhau và 23.1.1973, Hiệp định được Cố vấn đặc biệt Lê Đức Thọ và Cố vấn an ninh quốc gia H.Kisinger ký tắt và ngày 27.1.1973, được ký kết chính thức. Cuộc thương lượng kết thúc.

Chiến dịch ném bom bằng B-52 Hà Nội, Hải Phòng thất bại thảm hại. Mục đích chính của Mỹ là ép chúng ta nhân nhượng theo yêu cầu của chính quyền Sài Gòn, song những vấn đề cơ bản, có tính nguyên tắc thì được giữ nguyên. Trong hồi ký, Kisinger đặt câu hỏi: “Điều đó có bõ công không? Những thay đổi liệu có đủ quan trọng để biện minh cho nỗi lo âu và cay đắng trong những tháng cuối năm của cuộc chiến?”.

Mặc dù, chúng ta có thiệt hại về người và tài sản, song Mỹ cũng không ngăn nổi nhân dân miền Bắc chi viện cho cuộc chiến đầu của quân và dân miền Nam. Hơn nữa, Mỹ bị mất 81 máy bay, trong đó có 34 B-52, nhiều giặc lái bị chết và bị bắt. Mặt khác, chiến dịch ném bom B-52 bị cả thế giới, trong đó có nước Mỹ lên án dữ dội chưa từng có. Nixon còn bị chỉ trích là kẻ điên rồ…

Bộ Chính trị họp và đánh giá đây là “bước đường cùng” trong thế yếu” của Mỹ. Chúng ta ký trên thế mạnh, thế thắng để cho “Mỹ cút” rồi cũng sẽ đánh cho “ngụy nhào”. “Đó là quyết sách đúng thời cơ” .

Thay lời kết

Người dân Việt Nam chúc mừng sau khi Hiệp định Paris được ký kết

tư liệu

Cuộc thương lượng tại Paris giữa Việt Nam Dân chủ cộng hòa và Mỹ là cuộc đàm phán lịch sử. Đây là chiến thắng có tính chất chiến lược của nhân dân ta vì hiệp định đáp ứng cao bốn yêu cầu cơ bản mà Bộ Chính trị đặt ra. Chúng ta đã thực hiện được mong muốn của Bác Hồ: đánh cho “Mỹ cút” tạo ra tương quan lực lượng mới có lợi cho ta, từ đó tiến lên đánh cho “ngụy nhào”. Còn Mỹ ra khỏi chiến tranh đầy tội ác, hao người, tốn của, chia rẽ nước Mỹ, lấy được tù binh... song vẫn giữ được chính quyền Sài Gòn.

Có nhiều nhân tố tạo nên thắng lợi. Đó là đường lối kháng chiến chống Mỹ, đường lối đối ngoại giao độc lập tự chủ và đoàn kết quốc tế đúng đắn và sáng tạo, kết hợp sức mạnh dân tộc và thời đại, kết hợp chặt chẽ quân sự, chính trị, ngoại giao, ‘dĩ bất biến ứng vạn biến’... theo tư tưởng Hồ Chí Minh. Đó cũng là sự chỉ đạo tài tình của Bộ Chính trị và đàm phán lúc cương, lúc nhu, khôn khéo của hai đoàn đàm phán đứng đầu là Cố vấn đặc biệt Lê Đức Thọ, Bộ trưởng Xuân Thủy.

Đàm phán đã để lại nhiều bài học quý cho ngoại giao Việt Nam như độc lập tự chủ và đoàn kết quốc tế; kết hợp sức mạnh dân tộc và thời đại; kết hợp đánh - đàm và các binh chủng ngoại giao; đấu tranh dư luận; nghiên cứu chiến lược; nghệ thuật đàm phán, trong có bài học về tạo thời cơ, chuẩn bị đón thời cơ, nắm bắt thời cơ, chuyển thách thức thành cơ hội... Các bài học còn nguyên giá trị và làm phong phú, sâu sắc truyền thống ngoại giao Việt Nam. Vấn đề là vận dụng sáng tạo, linh hoạt trong bối cảnh mới.

Hầu hết các trường hợp là chúng ta tạo ra thời cơ. Thời cơ thường gắn liền với chiến trường. Chiến thắng hai đợt phản công mùa khô 1965 - 1966, 1966 - 1967 và chiến dịch tết Mậu Thân 1968 mở ra cục diện đánh đàm.

Trong đàm phán, tranh thủ Mỹ có nhu cầu chấm dứt ném bom hoàn toàn miền Bắc, để tạo lợi thế cho ứng cử viên Đảng Dân chủ, chúng ta liền chớp lấy cơ hội. Mặc dù, có trục trặc do điện 13.10.1968 và 25.10.1968 của Bộ Chính trị, song cuối cùng chúng ta đã thành công.

Chúng ta cũng là người tạo ra thời cơ chuyển sang đàm phán thực chất kết thúc chiến tranh với tổng tấn công chiến dịch Xuân - Hè 1972, kết hợp với bầu cử tổng thống năm 1972 và khó khăn khác của nội bộ Mỹ, đồng thời gác vấn đề nội bộ miền Nam đưa ra Dự thảo Hiệp định.

Cuối cùng với chiến thắng vang dội trận Điện Biên Phủ trên không cuối năm 1972, buộc Mỹ phải ký Hiệp định ở thế yếu, không có sự thay đổi đáng kể nào Hiệp định đã thỏa thuận.

(Trích từ "Vấn đề thời cơ trong đàm phán Hiệp định Paris về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam (1968-1973)" tại Hội thảo 50 năm Hiệp định Paris về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam: Bài học lịch sử và định hướng tương lai” do Bộ Ngoại giao tổ chức ngày 16.1.2023).

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.