Bảo tàng Lịch sử quốc gia thành siêu bảo tàng số?

Trinh Nguyễn
Trinh Nguyễn
17/05/2021 06:39 GMT+7

Những bước xây dựng bảo tàng số đầu tiên của Bảo tàng Lịch sử quốc gia đang được thực hiện. Phòng trưng bày cho các bảo vật quốc gia “ảo” sẽ là thử nghiệm đầu tiên.

Bảo tàng được lựa chọn

Phòng trưng bày ảo trên mạng không xa lạ gì với công chúng của Bảo tàng Lịch sử quốc gia Hà Nội. Hồi 2013, bảo tàng đã có trưng bày này ngay trên trang web. Ở đó, công chúng có thể xem các phòng trưng bày như phòng Văn hóa Óc Eo, phòng Văn hóa Đông Sơn… hay các chuyên đề về di sản Phật giáo, đèn cổ VN… Theo các mũi tên, người xem có thể di chuyển trong không gian đó, ngắm những hiện vật lịch sử đã được quét 3D. Tuy nhiên, theo TS Nguyễn Văn Đoàn, Giám đốc Bảo tàng Lịch sử quốc gia Hà Nội: “Nền tảng công nghệ này đã cũ, từ 2013 rồi. Hồi đó mới thể nghiệm. Bây giờ chúng tôi phải làm cái mới. Công nghệ số là cập nhật hằng ngày”.
Là bảo tàng đầu ngành, Bảo tàng Lịch sử quốc gia cũng được Chính phủ chọn làm “điểm” trong công tác số hóa bảo tàng. Cụ thể, Phó thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam vừa chỉ đạo giao Hội đồng Di sản quốc gia nghiên cứu, đề xuất phương án “trưng bày bảo tàng bằng công nghệ số hóa, trước mắt thí điểm đối với Bảo tàng Lịch sử quốc gia”.
Về việc thực hiện chỉ đạo này, Phó chủ tịch Hội đồng Di sản quốc gia, GS Nguyễn Văn Kim cho biết hội đồng sẽ kết hợp với bảo tàng để thực hiện việc này. “Cách của chúng tôi là chọn những hiện vật quan trọng làm trước. Trước hết, bảo tàng đang số hóa các bảo vật quốc gia, có 2 chục hiện vật như vậy. Dự kiến trong tháng 5 - 6 này sẽ xong”, GS Kim nói.
TS Nguyễn Viết Đoàn cho biết việc chuẩn bị cho bảo tàng online này mất nhiều thời gian vì số lượng hiện vật của bảo tàng rất lớn. Chưa kể lượng thông tin đi kèm hiện vật cũng phải được tổ chức kỹ lưỡng. “Số lượng tư liệu hóa lớn và chỉ riêng 20 bảo vật quốc gia đã mất hàng năm trời để tư liệu hóa. Tuy hiện vật chúng tôi có trong tay nhưng phải cập nhật thêm tất cả các đánh giá, quan điểm về hiện vật đó. Chẳng hạn, bình gốm thiên nga hiện có 2 ý kiến, một cho là gốm lò quan Hoàng thành Thăng Long, một cho là gốm Chu Đậu. Kỹ như vậy chứ không chỉ giới thiệu cao thế này, dài rộng thế kia”, ông Đoàn nói.
Bảo tàng Lịch sử quốc gia thành siêu bảo tàng số?1

Bảo vật quốc gia - bình gốm thiên nga

ẢNH: BTLSQG

Tích hợp dữ liệu, nghệ thuật và tưởng tượng

GS Nguyễn Văn Kim cũng cho biết việc trưng bày bảo tàng bằng công nghệ số hóa tại Bảo tàng Lịch sử quốc gia sẽ được tham khảo từ nhiều trưng bày tốt khác. Như vậy để mỗi hiện vật có thể kể được nhiều câu chuyện hơn. “Một cái ấn bày trong tủ kính thì cùng lắm ta chỉ xem được mặt trước, thêm bên trái, bên phải thôi. Còn dấu thế nào, chữ viết ra sao, thể hiện phong cách như thế nào, quyền lực như thế nào, sử dụng qua đời vua nào, chất liệu ra sao… thì đúng là không số hóa không thể xem hết được. Với hàng dãy thông tin như thế, nó phong phú hơn rất nhiều”, GS Kim nói.
Việc áp dụng công nghệ số ở thực địa bảo tàng cũng được GS Kim nhắc tới. Theo đó, nếu có hiệu ứng thị giác tốt, dựa trên thông tin khoa học tốt thì bảo tàng sẽ hấp dẫn hơn. Chẳng hạn, GS Kim cho rằng nếu bảo tàng có những đoạn phim phỏng dựng về quá khứ như dựng lại cung điện thời Lý mới đây của Viện Nghiên cứu kinh thành cũng sẽ rất thú vị.
PGS-TS Bùi Minh Trí, Viện trưởng Viện Nghiên cứu kinh thành, cho rằng chỉ đạo của Phó thủ tướng Vũ Đức Đam là có ý nhấn mạnh việc ứng dụng khoa học và công nghệ trong trưng bày bảo tàng. “Cọc gỗ Bạch Đằng nếu trước chỉ để mấy cái cọc gỗ cắm rồi vẽ bức tranh lớn cảnh thuyền chiến cũng được, thì bây giờ đã khác. Chẳng hạn, có thể tái tạo phim 2D hoặc 3D, hoặc có thể đưa chiếc cọc vào môi trường nước để có thể cảm nhận được bãi cọc sẽ như thế nào, trận địa ra sao, cảm nhận sâu hơn giá trị của cọc Bạch Đằng đó. Đấy cũng là một dạng ứng dụng công nghệ”, PGS-TS Trí nói.
Điều quan trọng nhất, theo PGS-TS Trí, là phải có được ý tưởng tốt về nội dung và kịch bản hoàn hảo. Ông Trí kể khi làm trưng bày về Hoàng thành Thăng Long ở hầm Nhà quốc hội, hiện vật có 2 chiếc cóng cho chim ăn. Ông đã nghiên cứu về thú chơi chim trong hoàng cung, sau đó dựng một đoạn phim về chiếc lồng chim, chiếc cóng, cũng như những chú chim nhỏ đẹp trong lồng. “Cóng để trong lồng chim, muốn kể chuyện cái cóng thì phải có lồng chim. Mình phải nghĩ ra, rồi tìm trong sử có ghi về thú chơi chim không… Từ đó mới đưa ra bối cảnh lồng chim trên cành cây và cây trong không gian vườn ngự. Tất cả đòi hỏi tính sáng tạo, nghệ thuật, khoa học cao chứ không phải chỉ chiếu sáng hiện vật là xong. Ứng dụng công nghệ mà không xây dựng thành công câu chuyện kể thì ứng dụng vô nghĩa”, ông Trí nói.
Ngày Quốc tế bảo tàng năm nay (18.5), Tổ chức Bảo tàng quốc tế ICOM lựa chọn chủ đề Tương lai của bảo tàng: Khôi phục và tái định hình. Theo đó, ICOM khuyến khích các bảo tàng, chuyên gia, đối tác trong lĩnh vực bảo tàng và di sản văn hóa cùng tăng cường hợp tác, chia sẻ những kinh nghiệm, cách thức mới để tạo ra các giá trị mới cho di sản văn hóa. ICOM cũng mong đợi các tổ chức cá nhân trên đề xuất giải pháp, mô hình hoạt động, hợp tác mới của các thiết chế văn hóa, bảo tàng, phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế - xã hội hiện tại.
Cùng lúc, theo Cục Di sản văn hóa (Bộ VH-TT-DL), các bảo tàng trong nước cần tăng cường ứng dụng số. Cụ thể, bảo tàng cần phối hợp với các cá nhân, tổ chức về công nghệ để đưa nội dung hoạt động, trưng bày chuyên đề, hoạt động giáo dục đến với công chúng tham quan trong không gian số. Cần nghiên cứu, áp dụng các cách thức ứng dụng công nghệ số của bảo tàng đã thành công để áp dụng…
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.