Cải lương 1955 - 1975 một thời vàng son

Hoàng Kim
Hoàng Kim
09/11/2019 06:16 GMT+7

Sáng 8.11, tại Hội Sân khấu TP.HCM diễn ra tọa đàm Theo dòng lịch sử sân khấu cải lương tại Sài Gòn 1955 - 1975. Cải lương đã có một giai đoạn vàng son mà cho đến bây giờ chúng ta vẫn tự hào.

Cuộc tọa đàm có mặt nhiều nhà nghiên cứu và nghệ sĩ nổi tiếng như: tiến sĩ Mai Mỹ Duyên, tiến sĩ Huỳnh Quốc Thắng; đạo diễn: Trần Ngọc Giàu, Ca Lê Hồng, Trần Minh Ngọc; tác giả: Đăng Minh, Đức Hiền; nghệ sĩ Thanh Tuấn, Kim Tử Long, Lê Tứ… Họ đã tổng kết một chặng đường cải lương phát triển cao nhất và đáng tự hào. NSND - đạo diễn Trần Minh Ngọc cho rằng: “Giai đoạn này phát triển mạnh nhất về mọi mặt, từ kịch bản, biểu diễn, âm nhạc, nghệ sĩ, mà chúng ta hay gọi là “thế hệ vàng”, như: Thanh Nga, Út Trà Ôn, Út Bạch Lan, Ngọc Giàu, Mỹ Châu, Minh Vương, Lệ Thủy, Thanh Tuấn, Thanh Sang... Có hơn 100 đoàn hát từ thôn quê tới thành thị, chia làm 2 trường phái. Thứ nhất, trường phái hương xa, hát tuồng màu sắc, kiếm hiệp, dã sử, lịch sử, cổ tích..., tiêu biểu là đạo diễn Mộng Vân. Thứ hai là trường phái xã hội, do NSND Năm Châu khởi xướng, với tiêu chí “thật và đẹp”. Hai trường phái này đến nay vẫn còn tiếp nối.
Đáng chú ý là tham luận của tiến sĩ Huỳnh Quốc Thắng: “Các doanh nghiệp bây giờ có lẽ nên học tập các bầu gánh ngày xưa với những điểm rất hay như: bộ máy gọn gàng, tiết kiệm, nhân sự ít mà làm việc hiệu quả; vận hành chặt chẽ nhưng vẫn thoáng, trong đó có tính chất gia đình. Kế đến là nghệ sĩ tuân thủ kỷ luật, vì đó là miếng cơm cho cả gánh hát, một người rối loạn là thất thu cho cả đoàn. Sau cùng, bầu gánh không chỉ quan tâm kinh tế, mà có đạo lý làm nghề, thường là con nhà nòi gìn giữ nghề hát của cha ông”. Đạo diễn Trần Minh Ngọc nói thêm: “Thanh Minh - Thanh Nga là đoàn hát đầu tiên ký hợp đồng nuôi tác giả thường trực, cho nên có những kịch bản “đo ni đóng giày” cho nghệ sĩ, hội tụ được nhiều tài danh, và cách quản lý rất mới mẻ, năng động”. Từ ý kiến này mà có nhiều ý kiến khác bổ sung về phong cách của những gánh hát thời đó, không trộn lẫn vào đâu được. Chẳng hạn Thanh Minh - Thanh Nga chuyên về tâm lý xã hội, Hương Mùa Thu tổng hợp ca vũ nhạc kịch hấp dẫn, Kim Chung, Kim Chưởng chuyên về kiếm hiệp, Dạ Lý Hương tiết tấu nhanh, phù hợp lớp trẻ…
Nhà báo Nguyễn Chương, người nhiều năm nghiên cứu rất sâu về cải lương, đưa ra một phản biện rất đáng làm rõ: “Tôi cho rằng cải lương chính là sự kết hợp giữa kịch nói phương Tây và đờn ca tài tử, chứ không phải giữa kịch nói phương Tây và kịch hát truyền thống như nhiều người đã nói. Kịch hát truyền thống của ta chỉ có chèo và hát bội, tôi thấy có vẻ xa xôi hơn; trong khi đờn ca tài tử mới chính là tiền đề làm nên cải lương”. Đạo diễn Ca Lê Hồng và Thanh Hạp lại tập trung vào khía cạnh âm nhạc, cho rằng thầy đờn kiêm thầy tuồng làm bệ đỡ và cảm hứng cho nghệ sĩ hát, giai đoạn này có nhiều thầy tuồng xuất sắc.
Vàng son đã qua, và những kinh nghiệm từ giai đoạn này sẽ giúp cải lương nhận ra mình phải làm gì để kế thừa cái cũ và phát triển thêm cái mới, nhất là cần sáng tác thêm bài bản phù hợp với thời đại.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.